Chủ nhật, 8/6/2014, 22h06

Xe máy điện phải đăng ký biển kiểm soát: Thực tế còn nhiều vướng mắc

Xe máy điện không đăng ký sẽ không được lưu hành
Theo số liệu từ Bộ Công an, tính đến hết năm 2013 mới chỉ có 21 xe máy điện (xe không có bàn đạp) trong cả nước thực hiện việc đăng ký biển số theo quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Quy định này có hiệu lực từ ngày 1-7-2009. Sau nhiều năm quy định này bị bỏ ngỏ, nay sẽ lại được siết chặt từ ngày 1-6-2014 theo tinh thần thông tư 15 của Bộ Công an. Còn nhiều vướng mắc
Em Nguyễn Thanh Trọng, học sinh lớp 10 Trường THPT Hoàng Hoa Thám, TP.HCM được cha sắm cho chiếc xe máy điện Espero giá 12 triệu đồng gần một năm nay. Chiếc xe này do cha em đứng tên mua. Tuy hóa đơn và giấy tờ xe còn đầy đủ, nhưng ông Dũng, là phụ huynh của Trọng cho hay quy định mới đang khiến cha con ông bối rối: “Tôi quê Quảng Ngãi, nhưng mua xe ở TP.HCM, vậy thì tôi đăng ký xe ở đâu. Tôi lo lắm vì nghe người trong xóm nói phải có hộ khẩu thì mới đăng ký được nên chưa biết phải làm sao, mà cũng chẳng biết hỏi ai để được rõ”. Ông Dũng nói rằng ông còn lo sau này nếu xảy ra chuyện “phạt xe không chính chủ” thì lại mệt nữa vì phần đông khi mua xe đều do phụ huynh đứng tên mà đối tượng sử dụng là học sinh, sinh viên. 
Một học sinh lớp 11 Trường THPT Trần Khai Nguyên (quận 5) kiến nghị: “Đa số lứa tuổi học sinh là người trực tiếp sử dụng xe máy điện, nên cho học sinh đứng tên đăng ký cũng là cách tăng ý thức trong việc sử dụng phương tiện và tham gia lưu thông”. Tuy nhiên, nữ học sinh này cho rằng thông tư có hiệu lực từ ngày 1-6 là quá nhanh, vì nhiều học sinh và cả phụ huynh còn chưa biết đến quy định mới này, ngay cả một số người đã biết qua thông tin báo, đài nhưng cũng chưa kịp đăng ký vì chưa rõ những điều kiện cần và đủ khi đăng ký là gì, những giấy tờ gì cần thiết khi làm thủ tục đăng ký?
Nếu như ở thành phố lớn, việc tiếp cận thông tin dễ dàng mà nhiều người còn chưa kịp biết thông tư 15 của Bộ Công an quy định xe máy điện bắt buộc phải đăng ký biển kiểm soát mới được phép lưu thông, thì ở các tỉnh lẻ, thông tin trên thậm chí còn chưa đến được với người dân, giáo viên lẫn học sinh. Em Nguyễn Ngọc Quỳnh Anh, học sinh Trường THPT Thạnh Đông (huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang) cho hay, học sinh toàn trường em đang được nghỉ hè, nên thông tin trên em chưa hề biết đến dù đã sử dụng xe máy điện hơn 3 năm qua. Quỳnh Anh nói rằng em ủng hộ quy định trên nhưng điều em lo là giấy tờ mua xe đã bị mất vì nghĩ không quan trọng nên không cần giữ.
Ông Trịnh Văn Hoàng, chủ một cửa hàng bán xe máy điện ở huyện Tân Hiệp cho biết khi thực hiện quy định của thông tư 15, nhiều người dân sẽ gặp phiền phức vì mua lại xe máy điện của chủ cũ mà không sang tên đổi chủ. Với vị trí là chủ cửa hàng kinh doanh, ông Hoàng mong rằng những chủ cửa hàng buôn bán xe máy điện sẽ được cơ quan chức năng địa phương tổ chức tập huấn về thông tư 15, giúp họ hiểu rõ những quy định cụ thể, để họ có thể giúp cho khách hàng tuân theo quy định của pháp luật.
Những điều kiện cần khi đăng ký
Theo thống kê của Ủy ban ATGT quốc gia, trong số những xe chạy điện đang được sử dụng có đến 70% là xe máy điện và 30% là xe đạp điện. Căn cứ vào các quy định hiện hành thì xe máy điện phải tuân thủ các quy định như xe máy dưới 50cm3 là phải có đăng ký, đăng kiểm, đội mũ bảo hiểm khi lưu thông và quy định về độ tuổi cho người điều khiển.
Theo quy định của thông tư 15/2014/TT-BCA, xe gắn máy (xe máy điện) và các loại xe có kết cấu tương tự phải đăng ký biển kiểm soát mới được phép lưu thông (riêng xe đạp điện chưa phải đăng ký). Địa điểm đăng ký là phòng CSGT các tỉnh, công an huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh.
Theo đó, xe máy điện là phương tiện có vận tốc và động cơ lớn hơn xe đạp điện, tốc độ của xe máy điện được phép lưu thông đến 50km/h, công suất động cơ trên 250W nên xe máy điện được coi như xe máy. Do đó, phương tiện này cần phải đăng ký mới được lưu hành. Người sử dụng đăng ký xe không đúng theo quy định sẽ bị phạt 300.000-400.000 đồng và tạm giữ xe 7 ngày.
Tuy nhiên, để việc thực hiện quy định trên đạt hiệu quả  cao, Trung tá Nguyễn Văn Quỹ (Đội CSGT số 1, Phòng CSGT Hà Nội) cho rằng để giúp người dân hiểu và tuân thủ quy định của thông tư trên, cần phải có thời gian tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trung tá Quỹ còn cho rằng mỗi cảnh sát phải là một tuyên truyền viên để người dân nhận thức, hiểu rõ và chấp hành việc đăng ký xe. Nếu không đăng ký thì đến thời điểm nào xe sẽ bị tạm giữ hoặc bị xử phạt”.
Liên quan những khó khăn vướng mắc trong việc đăng ký biển số, Đại tá Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó cục trưởng Cục CSGT đường bộ - đường sắt cho biết, đối với xe máy điện được mua từ ngày 1-7-2009 trở về trước, nếu thiếu hoặc mất giấy tờ sẽ phải làm đơn và có cam kết. Trong trường hợp đó chính quyền, ủy ban nhân dân xã hoặc phường sẽ xác nhận để tạo điều kiện thuận lợi cho chủ phương tiện đến đăng ký tại phòng CSGT hoặc công an quận, huyện. Đối với những trường hợp xe mua sau thời điểm 1-7-2009, cần phải có hồ sơ nhập khẩu hợp lệ, có giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn đã được công bố. Ngoài ra, xe sản xuất, lắp ráp phải có phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ theo quy định của Bộ GTVT.
Bài, ảnh: Bích Vân
Xe máy điện phải đóng quỹ bảo trì đường bộ
Theo Đại tá Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó cục trưởng Cục CSGT đường bộ - đường sắt thì xe máy điện cũng là phương tiện xe cơ giới nên cũng phải đóng quỹ bảo trì đường bộ như xe mô tô, xe gắn máy. Đại tá Tuấn cho biết, cũng như xe gắn máy, lệ phí đăng ký xe máy điện sẽ tính theo từng địa phương và từng loại xe, theo quy định của pháp luật. Sau một tuần ra quân thực hiện thông tư mới, đồng chí Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT Hà Nội cho hay: “Còn rất nhiều người chưa đăng ký và cũng rất mơ hồ về quy định này. Đối với những trường hợp chưa làm được thủ tục đăng ký xe thì chỉ nhắc nhở chứ không xử phạt”.
M.ANH