Thứ sáu, 1/8/2014, 00h08

“Bóng hồng” làm phụ xế xe buýt

Phần lớn thời gian trên xe, nhân viên phụ xe buýt đều phải đứng
Trước đây, công việc phụ xe buýt thường được coi là của phái mạnh nhưng bây giờ không khó nhìn thấy những “bóng hồng” đảm nhận công việc này.
Trên từng cây số
3 giờ 30 sáng, chị Nguyễn Thị Mai (SN 1983, ngụ Q.6), nhân viên một xí nghiệp xe buýt ở Q.5, TP.HCM đã phải thức giấc để chuẩn bị rời khỏi nhà trọ đến bãi xe của xí nghiệp. 5 giờ sáng, sau khi cùng bác tài nhận xe, họ chạy về bến để bắt đầu một ngày làm việc của mình. Đây là khoảng thời gian thư thả nhất trong ngày khi vào thời điểm này, lượng khách còn khá vắng vẻ, người phụ xe có thể tranh thủ ăn bữa sáng để có năng lượng cho một ngày mới. “Nhớ hồi mới vô làm, tối nào về đến nhà tôi cũng đau lưng, bàn chân nhức chịu không nổi. Riết rồi cũng quen dần” - chị Mai nói.
Câu chuyện giữa chị và chúng tôi bị cắt ngang khi xe dừng lại trạm đón khách. Chị vội vàng tiến về phía cuối xe, quan sát một lượt để đếm số khách vừa mới lên rồi mới bắt đầu bán vé.
Thông thường, khoảng cách giữa mỗi lượt xe chạy là 5-10 phút. Tuy nhiên, đó chỉ là thời gian với những chuyến xe xuất bến và về bến đúng quy định. Nhiều hôm, họ chỉ có mấy phút để ăn trưa. Những khi tắc đường, ngập nước, xe về bến muộn hơn so với thời gian quy định thì họ không có thời gian nghỉ ngơi. Nhân viên phụ xe hối hả vào trạm báo cáo sau khi kết thúc một lượt đi rồi lại theo bác tài vội vã quay đầu xe bắt đầu cho lượt đi tiếp theo. Có khi, xe bất ngờ bị hư dọc đường, những “bóng hồng” ấy cũng xuống xe và phụ cùng bác tài như bất kỳ nam giới nào. “Tôi nghe nói có người làm công việc này lâu năm nên bị giãn tĩnh mạch vì phải đứng nhiều trên xe. Sức mình còn làm được ngày nào thì ráng thôi” - chị Mai kể. Phần lớn thời gian trên xe, nhân viên phụ xe đều phải đứng.
“Làm dâu trăm họ”
Ông Nguyễn Văn Điệp, Phó phòng Tổ chức Hành chính Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng, cho biết: “Đa số phụ nữ đảm nhận công việc này thường làm vui lòng hành khách bởi họ điềm đạm, nhẹ nhàng, cẩn thận, thái độ phục vụ ân cần hơn nam giới”. Chị Hoàng Hà (SN 1989, tạm trú Q.11) gắn bó với công việc phụ xe buýt đã được 5 năm. Xa quê, mỗi tháng chị đều tiết kiệm chi tiêu, gói ghém để dành tiền gửi về cho ba mẹ đã già yếu ở tận ngoài miền Trung. Chị Hà kể: “Tôi thường gặp một cô giáo khiếm thị hàng ngày vẫn đi về trên chuyến xe buýt tôi làm nhiệm vụ bán vé, soát vé. Nhiều lúc nản lòng, muốn buông xuôi tất cả nhưng gặp chị, nhìn thấy nụ cười của chị, tôi lại thấy cuộc đời này đáng sống, thấy mình vẫn còn may mắn hơn biết bao người”.
Một ngày đi cùng những người phụ nữ làm nhân viên phụ xe buýt, chúng tôi mới cảm nhận được phần nào nỗi nhọc nhằn trong công việc của họ. Khi được hỏi các chị có tính trụ lại với công việc này lâu dài không, họ khẽ cười: “Chắc tôi sẽ theo luôn”.
Chị Nguyễn Thị Nga (SN 1977, ngụ Q.Bình Thạnh) đã gắn bó với công việc này gần 10 năm. “Ngày xưa gia đình khó khăn nên tôi không được học hành nhiều. Giờ chỉ mong con cái mình cố gắng học. Chồng làm phụ quán ăn đến tối mịt mới về. Con gái lớn cũng biết thương mẹ nên học chăm lắm. Đôi lúc tôi chỉ muốn cả gia đình có bữa cơm quây quần bên nhau nhưng khó quá vì nhiều hôm phải đến 21 giờ tôi mới trở về nhà sau khi hoàn thành công việc” - chị Nga trầm ngâm. Chị và các đồng nghiệp thường nói đùa với nhau làm nghề này cũng như làm dâu trăm họ vậy. Gặp hành khách lịch sự thì vui lắm, gặp hành khách ý thức kém, nhiều lúc cũng muốn nổi quạu nhưng phải ráng kìm lại. Họ sợ nhất là khoảnh khắc khi bị gọi về văn phòng vì có hành khách điện thoại tới xí nghiệp phàn nàn, phản ánh sai sự thật. Lắm lúc bức xúc nhưng cũng đâu biết tỏ bày cùng ai vì “khách hàng là thượng đế”. Nhiều lần chị thấy xót xa khi bắt gặp hình ảnh những người dân ở miền Tây lên Sài Gòn khám bệnh, ngơ ngác trong lần đầu tiên đi xe buýt nên bị kẻ gian móc túi lấy hết sạch tiền. Lúc phát hiện ra thì chỉ còn biết đứng kêu trời mà thôi. Bạn bè, người thân thường dặn chị nếu thấy những chuyện như thế trên xe thì cứ làm lơ, nếu không lại “rước” họa vào thân. “Dạo trước còn có những tên nghiện xì ke thường lên xe buýt để xin tiền hành khách. Chúng chỉ đưa ống kim tiêm có dính vết máu ra trước mặt hành khách là ai cũng xanh mặt, tự động đưa tiền cho chúng. Cũng may công an đã bắt được bọn chúng” - chị Nga kể thêm.
Theo lời chị, những tên móc túi thường nhắm vào các đối tượng ở dưới quê lên TP khám bệnh, biết họ mang nhiều tiền nên chúng luôn tìm mọi cách để thực hiện hành vi móc túi. Vì vậy, với những chuyến xe đông nghẹt người, chị luôn dặn hành khách cất giữ đồ đạc, tư trang cẩn thận.
Bài, ảnh: Yên Hà
Công việc không hề đơn giản
Công việc tưởng chừng như đơn giản với việc bán vé xe, kiểm tra vé tháng của hành khách nhưng chỉ cần một phút lơ là, không quan sát kỹ là các nữ nhân viên phụ xe buýt phải chịu trách nhiệm nếu bất ngờ thanh tra lên xe kiểm tra, phát hiện vi phạm. Vì vậy, họ phải quan sát thật kỹ nhằm tránh tình trạng có hành khách “trốn” vé, có hành khách lại dùng vé giả hay dùng thẻ của người khác để lên xe…