Chủ nhật, 19/10/2014, 23h10

Cần chấn chỉnh cầu vượt bộ hành

Cầu vượt bộ hành trên đường Nơ Trang Long giúp cho người dân sang đường an toàn, nhất là vào giờ cao điểm
Cầu vượt bộ hành là phương tiện hữu ích giúp người lưu thông sang đường một cách an toàn. Tuy nhiên, hiện một số cầu vượt cũ cần được chấn chỉnh để phục vụ người lưu thông được an toàn và tiện ích hơn.
Cầu vượt mới tiện ích
Dọc theo các đại lộ Võ Văn Kiệt, Phạm Văn Đồng có gần chục cầu vượt bộ hành tạo nhiều thuận tiện cho người dân đi lại đồng thời đảm bảo tính an toàn. Như tại đại lộ Võ Văn Kiệt, hệ thống cầu vượt bộ hành được xây dựng bắc qua kênh Tàu Hũ kiên cố, sạch đẹp phục vụ nhu cầu đi lại của người dân tại các khu dân cư và lưu thông giữa các quận lân cận với nhau.
Bà Phạm Thị Mai đã hơn 50 tuổi hàng ngày vẫn nhẫn nại “vác” chiếc xe đạp cũ lên các bậc thang của cầu vượt để đi từ nhà quận 8 qua quận 6 bằng cầu vượt bộ hành số 3 (dài 118,4m, rộng 3,6m, độ tĩnh 4,5m) để làm việc nhà cho người quen, phụ chồng kiếm tiền nuôi sống gia đình 4 miệng ăn. “Trước đây tôi phải nhờ chồng chở đi bằng đường vòng, vừa tốn xăng vừa ảnh hưởng đến việc chở xe ba gác thuê. Từ ngày có cầu vượt gia đình tôi phấn khởi lắm. Chưa bao giờ nghĩ là đời mình sẽ có cây cầu vượt đẹp đẽ như vậy để đi”.
Cũng như cầu vượt trên đại lộ Võ Văn Kiệt, hai cầu vượt ở đại lộ Phạm Văn Đồng (Gò Vấp) tọa lạc tại nơi nhiều trường học, chợ, bệnh viện tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và học sinh, sinh viên trong giao thông. Em Nguyễn Thị Lan, sinh viên Trường ĐH Công nghiệp 4 nói rằng: “Đường đại lộ rộng nên qua đường bằng cách băng ngang sẽ rất nguy hiểm. Chiếc cầu vượt bộ hành ở phường 1 của quận tọa lạc gần trạm xe buýt giúp những sinh viên đến trường bằng xe buýt như chúng em lưu thông sang đường an toàn”. Cũng theo lời người dân, một chiếc cầu vượt bộ hành khác tại phường 3 giúp cho học sinh Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, Trường Tiểu học Trần Văn Ơn, THPT Gò Vấp sang đường an toàn vừa giúp cho người dân qua lại đi chợ được thuận tiện.
Cần chấn chỉnh cầu vượt cũ
So với hệ thống cầu vượt bộ hành mới, các cầu vượt bộ hành cũ trên địa bàn một số quận trong thành phố hiện vắng người qua lại, kém vệ sinh và là nơi vương vãi kim tiêm, thậm chí có khi người dân đi tập thể dục phát hiện kim tiêm còn dính máu. Cầu vượt Văn Thánh (quận Bình Thạnh) là một ví dụ. Theo lời ông Nhàn, người ở khu vực chân cầu cho biết, chiếc cầu này thường vắng người qua lại, trừ một số người chọn nơi đây làm nơi tập thể dục hoặc hóng mát vào mỗi buổi chiều. Tuy nhiên, số người đến đây nay cũng hiếm do một vài lần họ phát hiện những ống kim tiêm còn dính máu ở nhịp cầu chính.
Hệ thống cầu vượt bộ hành ở TP.HCM được bắt đầu xây dựng từ năm 2000 và hiện có 6 cầu gồm: Cống Quỳnh (quận 1) nối hai cơ sở của Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ; cầu vượt Nguyễn Trãi (quận 5); cầu vượt Hoàng Văn Thụ (đường Phan Thúc Duyện, quận Phú Nhuận); cầu vượt Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh); cầu vượt Văn Thánh (đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh) và cầu vượt Suối Tiên (quận Thủ Đức). Ngoài ra, còn có 2 hầm vượt băng qua quốc lộ 1, gồm hầm vượt trước khu chế xuất Linh Trung (quận Thủ Đức) và hầm vượt qua quốc lộ 1 - vòng xoay Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh).
Cũng thỉnh thoảng có phát hiện kim tiêm, nhưng điều khó chịu nhất ở cầu vượt bộ hành Nơ Trang Long (trước cổng Bệnh viện Ung bướu) là thường nồng nặc mùi phóng uế làm cho người qua đường e ngại lưu thông qua đây. Duy chỉ vào giờ cao điểm thì người dân mới chịu qua lại. Chị Khen cho biết: “Mỗi lần qua cầu là mỗi lần tôi hồi hộp do cầu có vẻ như vừa rung rung vừa lắc lư. Có lẽ nó đã bị xuống cấp rồi”.
Không chỉ ở những cây cầu cũ, mà ở cả cầu mới như cầu số 5 trên đường đại lộ Võ Văn Kiệt cũng cần được chỉnh trang cho sạch sẽ vì chỗ bậc lên xuống ở đầu cầu bên trái phía hướng từ Thủ Thiêm về trong nhiều tháng qua bỗng dưng xuất hiện đống rác lớn và cỏ mọc um tùm. Một số mố cầu vượt còn bị sụt lún và nứt nẻ trông rất mất thẩm mỹ.
Ông Trịnh Văn Đại, một người dân ngụ quận 11 nói rằng các điểm du lịch, các khu dân cư cần cầu vượt bộ hành, nhưng các trường học và bệnh viện cũng cần thiết không kém. “Nếu làm được như vậy thì việc ùn tắc giao thông trước cổng trường sẽ giảm, và việc qua đường của học sinh cũng được đảm bảo an toàn, tránh những thương vong không đáng có”.
Bài, ảnh: Bích Vân
 
Sẽ xây thêm 13 cầu vượt
Theo Sở GTVT TP.HCM, từ nay đến năm 2015, TP.HCM sẽ xây thêm 13 cầu vượt và hầm bộ hành với tổng kinh phí khoảng 120 tỷ đồng nhằm giảm ùn tắc giao thông. Mới đây, sở đã đề xuất UBND TP.HCM xã hội hóa đầu tư xây dựng các cầu vượt dành cho người đi bộ và sẽ tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư kết hợp quảng cáo thương mại đối với từng công trình cụ thể.