Thứ năm, 23/4/2015, 22h04

Diện mạo giao thông TP.HCM: Kỳ cuối: Điểm sáng về an toàn hàng không

So với các loại giao thông đường bộ, đường thủy và đường sắt thì hàng không hiện là phương tiện giao thông an toàn nhất
Là điểm dừng chân thuận lợi và lý tưởng trong mạng đường bay từ châu Âu, Nam Á sang Đông Nam Á, Đông Bắc, Bắc Á và châu Á - Thái Bình Dương, nên Cảng hàng không quốc tế (CHKQT) Tân Sơn Nhất có nhiều lợi thế ưu việt về phát triển giao thông đường hàng không. Bằng chứng là TP đã thu hút 70% lượng khách quốc tế mỗi năm, chủ yếu lưu thông bằng phương tiện giao thông này.
Phục vụ 20 triệu lượt hành khách mỗi năm
CHKQT Tân Sơn Nhất tọa lạc tại phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM, do chế độ cũ để lại từ năm 1975. CHKQT này được xây dựng trên tổng diện tích 1.500ha với đầy đủ trang thiết bị, cơ sở kỹ thuật mặt đất, cơ sở thương mại, dịch vụ hành khách, có công suất phục vụ khoảng 1,5 triệu lượt khách/năm. Vào tháng 5-1975, Quân đội Nhân dân Việt Nam sớm tiếp quản và khôi phục hoàn chỉnh 4 máy bay vận tải dân dụng vừa mới tiếp thu và đưa vào hoạt động, phục vụ tuyến bay Sài Gòn - Hà Nội, Hà Nội - Sài Gòn, và từ Sài Gòn đến các tỉnh thuộc miền Nam với tần suất 5-6 lần/chuyến/ngày.
Từ những cơ sở thiết bị cũ và lạc hậu, sau 40 năm cải tiến và phát triển, CHKQT Tân Sơn Nhất đã không ngừng được đầu tư trang thiết bị kỹ thuật, cơ sở hạ tầng hiện đại và đồng bộ với hệ thống nhà ga hành khách quốc tế rộng 92.000m2, ga hành khách quốc nội rộng 44.000m2, 2 đường cất hạ cánh có chiều dài 3.048m và 3.059m, sân đỗ máy bay có diện tích 37.500m2.
Với vị trí đắc địa, là cửa ngõ giao thương của TP.HCM với các vùng miền trong nước, đồng thời nằm trên các trục giao thông hàng không đông đúc, là điểm dừng thuận lợi và lý tưởng trong mạng đường bay từ châu Âu, Nam Á sang Đông Nam Á, Đông Bắc, Bắc Á và châu Á - Thái Bình Dương nên CHKQT Tân Sơn Nhất có ưu thế vượt trội về phục vụ vận tải hàng không trong nước và quốc tế, với công suất phục vụ trên 20 triệu lượt hành khách mỗi năm.
So với lĩnh vực vận tải hành khách, thì vận tải hàng hóa bằng đường hàng không cũng có tiềm năng. Cụ thể, vận tải hàng hóa đi quốc tế đạt mức tăng trưởng khoảng trên dưới 17% mỗi năm. Tuy nhiên, đa phần việc vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không hiện nay đều thuộc về các công ty nước ngoài, số công ty chuyên vận chuyển hàng hóa của Việt Nam chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, CHKQT Tân Sơn Nhất đảm nhận khối lượng hàng hóa chiếm đến 46% cả nước và ước tính sẽ đạt công suất 25 triệu khách/năm vào năm 2017.
Sẽ có máy bay trang bị wifi và giường nằm
Đó là máy bay Boeing 787-9 Dreamliner của hãng Hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines-VNA) đặt mua nay đã hoàn tất việc lắp ráp tại Pháp và dự kiến sẽ được bàn giao vào tháng 6 năm nay.
Boeing 787-9 Dreamliner là thế hệ mới nhất trong dòng máy bay 787 tiết kiệm nhiên liệu của Boeing. Boeing 787-9 Dreamliner có thể tiết kiệm đến 20% nhiên liệu, giảm 20% khí thải so với dòng máy bay Boeing 777 mà VNA đang khai thác. Ngoài ra, Boeing 787-9 Dreamliner còn có điểm ưu việt hơn thế hệ 787-8 là bay xa hơn, vận chuyển được nhiều hành khách và hàng hóa hơn.
Việc VNA sử dụng máy bay Boeing 787-9 Dreamliner trong vận tải hành khách, hứa hẹn sẽ đem đến cho hành khách những trải nghiệm thú vị với các dịch vụ tiện ích như mạng wifi, ghế hạng C ngã phẳng 1800 giúp hành khách có cảm giác thoải mái như ngả lưng trên một chiếc giường, cửa sổ và ngăn để hành lý lớn hơn, hệ thống đèn LED hiện đại, tăng độ ẩm trong máy bay, giảm độ chênh lệch áp suất giúp hành khách giảm bớt mệt mỏi trên những chuyến bay đường dài.
Tính đến thời điểm này, CHKQT Tân Sơn Nhất đang là cầu nối giao thương trọng yếu giữa TP.HCM và 19 điểm đến trong nước và 32 điểm đến quốc tế, với hoạt động kinh doanh sôi nổi của các hãng bay quốc gia và tư nhân trong nước và nước ngoài như Vietnam Airlines, Vietjet, Jetstar, Japan Airlines, Korean Air, Malaysia Airlines, Air France, Thai Airways…
Được biết, VNA sẽ là hãng hàng không đầu tiên khai thác máy bay mới Boeing 787-9 Dreamliner trên đường bay thẳng từ Đông Nam Á đến châu Âu, và đây cũng là một trong những hãng hàng không đầu tiên ở châu Á sử dụng máy bay này. 
Là phương tiện giao thông an toàn nhất
So với các loại giao thông đường bộ, đường thủy và đường sắt, ông Lương Hoài Nam, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hàng không Hải Âu khẳng định rằng hàng không hiện là phương tiện giao thông an toàn nhất và chất lượng dịch vụ hàng không hiện nay của Việt Nam thuộc hạng 3 sao.
Để góp phần siết chặt an ninh và an toàn bay, ông Nam cho rằng ngành hàng không cần chú trọng hiện đại hóa các hệ thống kiểm soát nhân viên hàng không và hành khách, tăng cường chất lượng đào tạo chuyên môn cho nhân viên, hoàn thiện hệ thống kiểm cấp chứng chỉ VAR. Điều quan trọng nữa là cần tuyên truyền sâu rộng đến người dân những quy định an toàn bay, thậm chí cần có các biển cảnh báo “cấm” trên máy bay để tránh những sơ suất, rủi ro không đáng có.
Bài, ảnh: Đinh Vũ
Mở tour ngắm TP.HCM từ trên cao
Qua trao đổi với Sở Du lịch TP, Hàng không Hải Âu dự kiến tổ chức tuyến bay ngắm cảnh TP.HCM và khu du lịch sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ. Hành trình bay dự kiến: Sân bay Tân Sơn Nhất - bán đảo Thanh Đa - khu trung tâm TP - cầu Phú Mỹ - Cần Giờ (thủy phi cơ hạ, cất cánh tại kênh nước cạnh khu du lịch trung tâm Vàm Sát). Cụ thể, thủy phi cơ cất cánh từ Sân bay Tân Sơn Nhất bay về bán đảo Thanh Đa. Sau đó bay xuôi dòng sông Sài Gòn về hướng trung tâm TP đến cầu Phú Mỹ để du khách ngắm các quần thể kiến trúc và địa danh nổi tiếng nhất ở trung tâm TP.HCM. Sau đó sẽ bay xuống rừng ngập mặn Cần Giờ, đi qua các địa danh nổi tiếng Cần Giờ trước khi hạ xuống kênh nước rừng ngập mặn Cần Giờ… Trong thời gian đầu khai thác, dự kiến mỗi ngày có một chuyến. Giá vé khoảng 12 triệu đồng/người. Nếu khách chỉ đi một chiều thì giá giảm còn một nửa. Đối tượng khách hàng chủ yếu của tour du lịch này là khách du lịch cao cấp từ châu Âu, Úc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Khách Việt Nam chiếm khoảng 20%.
M.H