Chủ nhật, 14/9/2014, 20h09

“Đường bay vàng” Hà Nội - TP.HCM: Đảm bảo an toàn là mục tiêu lớn nhất

Đường bay thẳng Hà Nội - TP.HCM rút ngắn khoảng cách, giảm phút bay và nhiên liệu so với đường bay hiện hành
Cục Hàng không Việt Nam đã công bố kết quả bay thử nghiệm trong hệ thống buồng lái giả định đối với “đường bay vàng” Hà Nội - TP.HCM qua không phận hai nước Lào và Campuchia cho thấy, so với đường bay hiện tại đang khai thác thì hành trình được rút ngắn 85km, giảm 5 phút bay và giảm 190kg dầu. Kế hoạch này đang tiếp tục được triển khai theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân, hiệu quả cho doanh nghiệp và mục tiêu số một là đảm bảo an toàn.
Nhiều hy vọng ở đường bay mới
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng gọi “đường bay vàng” là đường bay thẳng Hà Nội - TP.HCM và khẳng định rằng khi doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, chi phí giảm thì chắc chắn người dân sẽ được hưởng lợi từ việc giảm giá vé. Điều đó hoàn toàn có cơ sở thực hiện vì xét về cơ sở hạ tầng thì Sân bay Tân Sơn Nhất và Sân bay Nội Bài  có đủ điều kiện phục vụ các chuyến bay cho đường bay mới.
Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, đường bay này đã được nghiên cứu từ lâu nhưng chưa đủ điều kiện để thực hiện. Nay trong điều kiện hội nhập quốc tế, với hiệp định hàng không giữa 4 nước Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ trong kiểm soát không lưu (điều hành bay sử dụng nhiều phương tiện vệ tinh và phương thức dẫn đường GPS - PV) là những điều kiện để nước ta tiếp tục thực hiện kế hoạch trên.
Đường bay thẳng nhiều tiện tích
Đề xuất “đường bay vàng” Hà Nội - TP.HCM đã được TS. Trần Đình Bá, Hội Khoa học kinh tế Việt Nam, đề xuất vào năm 2012. Theo ông Bá, đường bay Hà Nội - TP.HCM hiện nay là bay vòng, có khoảng cách dài hơn đường bay thẳng qua Lào và Campuchia, gây lãng phí 26 phút bay (với máy bay Boeing 777) và 25% chi phí sản xuất. Theo tính toán của ông Bá, đường bay vòng đang “đốt” trên 300 triệu USD mỗi năm vốn liếng của các hãng hàng không trên đường bay nội địa. Điều này lý giải vì sao đường bay quốc tế có lãi trong khi đường bay nội địa lại chịu cảnh thua lỗ. Vì vậy theo ông Bá, việc thiết lập đường bay thẳng vừa giúp cho doanh nghiệp có lãi mà khách hàng cũng được giảm giá vé.
Theo đó, Cục Hàng không Việt Nam đã kiến nghị phối hợp với Bộ Quốc phòng trong việc tổ chức lại vùng trời, tiếp tục đàm phán với Lào và Campuchia để cụ thể hóa thông số kỹ thuật cụ thể của đường hàng không, phương thức điều hành bay, phối hợp điều hành bay, các điểm giao cắt, các điểm chuyển giao biên giới của đường hàng không, đồng thời thỏa thuận giảm giá điều hành bay cho các chuyến bay lộ trình Nội Bài - Tân Sơn Nhất và ngược lại qua không phận hai nước này.
Theo Tổng giám đốc Hàng không Hải Âu - TS. Lương Hoài Nam thì để tiết kiệm tối đa chi phí chuyến bay, tăng lợi ích kinh tế, nước ta cần cố gắng thỏa thuận mức phí bay quá cảnh hợp lý với Lào và Campuchia. Hiện, số lượng chuyến bay trên đường bay trục Hà Nội - TP.HCM rất lớn, nằm trong số các cặp thành phố có số chuyến bay hàng ngày cao nhất thế giới, nên TS. Hoài Nam tin rằng khi đường bay mới được đưa vào khai thác, các hãng hàng không sẽ ưu tiên chọn đường bay này để phục vụ hành khách. Với sự vào cuộc quyết liệt của Bộ trưởng Bộ GTVT, ông Nam hy vọng trong tương lai một số đường bay quốc tế của Việt Nam cũng sẽ được như đường bay nội địa Hà Nội - TP.HCM.
Người người mong chờ
Hiện, mỗi năm có hơn 5 triệu lượt người đi lại giữa TP.HCM và Hà Nội bằng đường hàng không vì mục đích kinh doanh, công tác, học tập, du lịch, thăm thân nhân… Và nhiều người trong số đó nay đang nóng lòng mong đường bay mới nhanh chóng thành hiện thực.
Chị Trần Thu Na, ngụ phường 25, quận Bình Thạnh là một trong số những hành khách mong chờ ngày đó nhanh đến. Vợ chồng chị cưới nhau gần 4 năm nay, nhưng họ vẫn phải chịu cảnh vợ Nam - chồng Bắc vì đứa con trai 2 tuổi bị yếu phổi và thường đau bệnh suốt. Do vậy mỗi khi tiết trời thủ đô trở lạnh, chị lại vội đưa con vào Nam ở nhờ nhà mẹ ruột để tránh bệnh cho con.
“Mong mau có đường bay mới để giá vé giảm thì vợ chồng tôi đỡ khổ. Mỗi khi con bệnh hay có công tác thì chồng tôi lại phải đi về như cơm bữa”, chị Na nói.
Cựu cầu thủ bóng đá Achilefu - “Vua phá lưới V.League 2003” hiện đang sống ở TP.HCM cho hay anh cảm thấy hứng khởi và cũng có chung niềm mong chờ như bao người dân nước Việt. TP.HCM - Hà Nội là đoạn hành trình anh đi lại thường xuyên mỗi tháng để lo cho việc kinh doanh của mình, nên anh cũng mong “sẽ nhanh chóng được khám phá hành trình mới và trở thành hành khách trên những chuyến bay của một đường bay thẳng tiện lợi và an toàn”.
Bài, ảnh: Bích Vân
 
Sẽ chốt về “đường bay vàng” trong tháng 10
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết sẽ thành lập tổ công tác để tiếp tục nghiên cứu và xem xét quy hoạch vùng trời, quy hoạch cảng hàng không để “chốt” về đường bay này, trong tháng 10 tới sẽ có kết quả cụ thể.
Theo ông Thăng thì việc rà soát các đường bay đã được tiến hành từ lâu, chẳng hạn đường bay Hà Nội - Phú Quốc sau khi rà soát lại đã tiết kiệm được 21 phút/chuyến bay, chuyến bay này cũng bay qua không phận Lào và Campuchia.
Ông  Phan Xuân Đức, Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines khẳng định, 5 năm qua doanh nghiệp này đã thực hiện 20 đường bay nắn chỉnh, tiết kiệm 4.300 giờ bay. Do vậy, dù các chặng bay rút ngắn được 5 phút cũng là rất quý. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, hiệu quả kinh tế, cần có sự đồng thuận với các nước Lào, Campuchia để điều hành luồng không lưu.
M.H