Thứ sáu, 11/6/2010, 16h06

TP.HCM: Tìm biện pháp quản lý người hành nghề xe ôm

Đội xe ôm tại Bến xe Chợ Lớn (người có dấu X là tài xế xe ôm)

Ủy ban MTTQ TP.HCM vừa tổ chức Hội nghị góp ý cho dự thảo quy định về việc quản lý xe mô tô 2, 3 bánh và các loại xe tương tự dùng cho việc vận chuyển hành khách, hàng hóa trên địa bàn TP.
Theo ông Lê Trung Tính, Trưởng phòng Quản lý vận tải công nghiệp, Sở GTVT TP.HCM: “Hiện tại chúng tôi chưa đề xuất thu bất kỳ khoản phí nào, ngoại trừ việc đề xuất chi phí cấp biển hiệu hoạt động với khoản phí phải đóng là 3.000 đồng/ giấy”.
Gia nhập nghiệp đoàn là một quyền lợi
Trước mắt, TP.HCM sẽ vận động người chạy xe ôm đăng ký hành nghề theo quy định, việc xử phạt người hành nghề không đăng ký còn phải chờ. Hiện tại, UBND TP.HCM vẫn chưa có quy định chính thức về việc quản lý và hướng dẫn sử dụng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô 2, 3 bánh vận chuyển hành khách, hàng hóa trên địa bàn TP theo Nghị định 34/2010/NĐ-CP. Ông Nguyễn Tùng, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ quận 3 cho rằng: “Nghiệp đoàn xe ôm chỉ thật sự hiệu quả khi nó được hình thành từ sự mong muốn của những người lái xe ôm. Thực tế nhiều người hành nghề xe ôm đã nhận ra sự cần thiết của việc kết đoàn để có điều kiện tương trợ không chỉ trong hoạt động nghề nghiệp mà cả trong cuộc sống hằng ngày của họ. Do đó, họ thành lập ra những tổ tự quản và hoạt động rất hiệu quả. Chẳng hạn như tổ tự quản của các bác tài tại ga Sài Gòn suốt 5 năm nay. Đến nay tổ này đã có khoảng 100 xe ôm tham gia hoạt động”. Cũng theo ông Nguyễn Tùng, cơ quan chức năng cần phải uyển chuyển trong quá trình phân cấp quản lý. Không nên giới hạn việc đăng kí địa bàn hoạt động theo sổ hộ khẩu hay KT3 mà người dân hoạt động thuận tiện ở địa bàn nào thì đăng kí ở địa phương đó và đề nghị cho cấp phường quản lý (thay vì quận - huyện như trong dự thảo).
Cần tránh tình trạng hình thức hóa thủ tục
Thông qua dự thảo quy định việc quản lý xe mô tô 2, 3 bánh và các loại xe tương tự dùng cho việc vận chuyển hành khách, hàng hóa trên địa bàn TP, nhiều ý kiến cho rằng cần phải tránh tình trạng phức tạp và hành chính hóa quá nhiều thủ tục; thậm chí tránh “đẻ” ra nhiều loại phí trong việc quản lý. Không ít đại biểu cho rằng, hiện tại các loại xe thô sơ đều tự chế, chưa có hãng xưởng nào sản xuất; còn đa số xe gắn máy hành nghề xe ôm đều cũ kỹ và những chủ xe đều có hoàn cảnh khó khăn nên nếu quy định “giấy chứng nhận kiểm định khí thải theo quy định về chất lượng độ an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường” thì họ chưa đủ tiền để sửa chữa xe và mua xe mới; từ đó dễ phát sinh những trường hợp không tham gia vào các tổ, đội, nghiệp đoàn. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến nêu rõ, nếu quy định trang phục, logo thì đề nghị ngân sách nhà nước nên cấp lần đầu và bán giá thấp những lần sau cho những người hành nghề xe ôm, vì hầu hết những người này hoàn cảnh đều rất khó khăn. Hơn nữa, hễ có đơn vị quản lý thì tất nhiên phải đóng phí và như vậy sẽ thêm một tầng nấc điều hành.
Bài, ảnh: Hà Anh
Theo Nghị định 34/2010/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, từ ngày 20-5-2010, người hành nghề xe ôm bị xử phạt từ 40.000 đến 60.000 đồng nếu không có biển hiệu, trang phục theo quy định.