Thứ năm, 27/11/2014, 22h11

“Vị cứu tinh” trên xa lộ

Xe cứu hộ là phương cách “giải cứu” duy nhất khi xe ô tô gặp sự cố
Khi xe ô tô đang lưu thông ngon trớn bỗng “dở chứng” nổ lốp, rớt láp, chết máy giữa đường; khi xe bị tai nạn giao thông, bị cây ngã đè… chỉ cần gọi vào đường dây nóng, xe cứu hộ và nhân viên cứu hộ giao thông sẽ đến để hỗ trợ trong thời gian sớm nhất có thể.
Ở đâu cần, cứu  hộ có
Xe ô tô của anh Khang khi đang lưu thông đến đoạn cầu Giồng Ông Tố 2(quận 2) thì bị rớt láp khiến xe không thể chuyển động. Lập tức anh liền gọi cho đường dây nóng của công ty bảo hiểm. 45 phút sau, xe cứu hộ đã được điều đến và đưa xe anh về gara để sửa chữa.
Anh Khang cho hay, công ty anh mua loại bảo hiểm tự nguyện với mệnh giá 9 triệu đồng. Trong gói này, công ty bảo hiểm lại ký hợp đồng với công ty cứu hộ với mệnh giá 4 triệu/năm. Theo đó, giá cho mỗi lần được xe cứu hộ “giải cứu” khoảng 600.000 đồng đối với địa bàn toàn TP, hoặc từ 2.000-4.500 đồng/km đối với cứu hộ ở địa bàn các tỉnh.
Theo anh Khang, xe gặp sự cố khi lưu thông ở TP, bất kể ngày hay đêm tài xế đều có thể gọi cứu hộ và thường chỉ 30-45 phút là xe cứu hộ có mặt. “Nếu không có xe cứu hộ, khi xe gặp sự cố hay tai nạn thì tài xế không thể làm được gì. Loại phương tiện này không chỉ giải cứu ở những trường hợp xe hư hỏng thông thường, mà còn đặc biệt quan trọng trong công tác ứng cứu khi có tai nạn, cứu mạng người bị nạn và làm giảm ùn tắc giao thông tại hiện trường”, anh Khang nhấn mạnh tầm quan trọng của loại hình dịch vụ trên.
Theo tài xế Phan Thành An (thuộc Doanh nghiệp Vận tải hành khách M.H), xe cứu hộ cũng giống như ô tô, được phân ra làm 3 hạng gồm hạng nhẹ (dưới 5 tấn), hạng trung (dưới 10 tấn) và hạng nặng (trên 10 tấn). Nhằm đáp ứng mọi nhu cầu, loại hình dịch vụ này cũng có 3 loại gồm xe kéo nâng, xe có sàn chở và xe có cần cẩu. Tuy nhiên, để việc cứu hộ được thuận tiện, anh An cho rằng người tài xế cần lưu ý thông báo tình trạng cụ thể cho đơn vị cứu hộ, đặc biệt khi xe gặp sự cố nặng như bị sa lầy, bị kẹt trong các hố, rớt xuống ao hồ, khe núi… để đơn vị cứu hộ điều động xe cứu hộ có cần cẩu và sử dụng các dây cứu hộ bằng vải để an toàn cho xe được cứu hộ.
Nghề cứu hộ đa năng
Những người gắn bó với nghề cứu hộ thường nói vui “nghề này là nghề đâu cần thanh niên có, là nghề chuyên làm những việc khó, là nghề tác chiến trong bất kỳ địa hình nào, bất kể đêm ngày, bất kể mưa nắng”. Cách nói ví von có vẻ nhẹ nhàng, nhưng thực tế tính chất của công việc cứu hộ cũng lắm gian nan. Bởi cứu hộ là trợ giúp một cách kịp thời, do đó người cứu hộ phải hội tụ các tố chất như là một người thợ, một người tư vấn, người linh hoạt xử lý trong tất cả các tình huống, loại xe nào cũng phải biết lái, sức khỏe phải dẻo dai bền bỉ… Ngay khi nhận được tín hiệu SOS từ hiện trường, nhân viên cứu hộ lập tức phải xử lý thông tin về sự cố như vị trí tai nạn, có thương vong không, loại xe gì, số sàn hay số tự động... để từ đó điều loại xe cứu hộ cho phù hợp. Để tránh mất thời gian thực hiện việc cứu hộ, các “kịch bản” luôn được lực lượng cứu hộ bàn tính ngay khi trên đường đến hiện trường.
Anh Phan Huy Minh, người có thâm niên 8 năm trong Đội cứu hộ giao thông 116 không thể nhớ nổi đã bao nhiêu lần tham gia công tác cứu hộ. Chứng kiến cảnh đau thương tại hiện trường, anh Minh cho rằng người cứu hộ phải có thần kinh “thép” mới có thể vững vàng tâm lý khi tác nghiệp. Vì người cứu hộ cho dù không họ hàng thân thích, không máu mủ ruột rà cũng có tình thương con người. Có lẽ đó cũng là một trong những lý do khiến một số nhân viên cứu hộ đổi nghề sau khi tham gia cứu hộ mới chỉ một lần.
Theo một nhân viên cứu hộ giao thông tại TP.HCM, hầu hết các đơn vị tham gia loại hình dịch vụ cứu hộ đều do doanh nghiệp tư nhân thành lập và quản lý. Nhân viên này cho rằng để hệ thống cứu hộ giao thông cả ở miền Nam và miền Bắc tồn tại và phát triển một cách quy củ, thì cần có sự lưu tâm của cơ quan chức năng tại địa phương.
Bài, ảnh: Bích Vân
Có khoảng 7 đơn vị tham gia cứu hộ giao thông tại TP.HCM
Theo đại diện Sở GTVT TP.HCM, dịch vụ cứu hộ giao thông tại TP.HCM đều do tư nhân quản lý. Hiện chưa có số thống kê chính xác, nhưng theo một số tài xế, TP hiện có khoảng 7 đơn vị tham gia dịch vụ cứu hộ giao thông. Trong khi tại Hà Nội và các tỉnh miền Bắc hiện có trên 40 doanh nghiệp phục vụ trong lĩnh vực cứu hộ. Nhận thấy tiềm năng của loại hình dịch vụ này, một số doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư nhiều xe cứu hộ đặc chủng để đáp ứng nhu cầu cứu hộ đối với những loại xe có trọng tải lớn.