Thứ sáu, 12/9/2014, 14h09

Bánh vẽ lãi suất 0%

Cho vay liền tay, miễn ngay lãi suất; siêu lãi suất rẻ như cho; vay mua nhà lãi 0%... Hàng loạt sản phẩm, dịch vụ vô cùng hấp dẫn được các ngân hàng ồ ạt tung ra thời gian qua, nhưng không ít trường hợp chỉ là “bánh vẽ”.

Ngân hàng tung ra gói lãi suất 0% để câu khách - Ảnh: Anh Vũ

“Cho vay liền tay, miễn ngay lãi suất” là tên chương trình “bom tấn” mà Ngân hàng (NH) thương mại cổ phần Hàng hải (Maritime Bank) tung ra từ ngày 25.8 đến hết ngày 30.11.2014. Điều kiện hấp dẫn nhất, đúng như tên của chương trình, khách hàng sẽ được vay với lãi suất 0%/năm. Tuy nhiên, đằng sau mức lãi suất cho không là một loạt các điều kiện mà muốn vay được người vay không khác gì “kiến leo cột mỡ”.

"Bẫy" ưu đãi

Cụ thể, để được hưởng lãi suất 0%/năm trong năm đầu tiên trong thời gian diễn ra chương trình, khách hàng phải là người được giải ngân đầu tiên tính từ ngày 1 đến ngày 5 trong tháng. Khách hàng được giải ngân tiếp sau đó tính từ ngày 1 đến ngày 10 được miễn lãi nhưng thời gian hưởng lãi 0%/năm chỉ còn 6 tháng. Đối với các người kế sau, mức lãi suất tăng lên 8%/năm và cũng chỉ ưu đãi trong 6 tháng. Và “ngay sau khi chương trình khuyến mãi kết thúc, lãi suất sẽ áp theo mức cho vay thông thường tối thiểu khoảng 11,5%/năm. Sau đó điều chỉnh tùy theo kỳ tính lãi”, nhân viên tư vấn của Maritime Bank giải thích.

Theo giám đốc khối khách hàng cá nhân một NH cổ phần tại Hà Nội, nhiều sản phẩm mà NH tung ra ngay bản thân ông làm trong ngành đôi khi cũng thấy rối rắm, khó hiểu và mang tính “tung hỏa mù” đối với khách hàng. Như gói cho vay của Maritime Bank, một điều khoản rất nhỏ NH này “thòng” vào bản giới thiệu mà nếu không để ý rất khó phát hiện, là với mỗi khoản vay hạn mức dư nợ khuyến mãi tối đa chỉ lên tới 1 tỉ đồng. “Điều đó có thể hiểu nếu vay 3 tỉ đồng, và là người đầu tiên từ ngày 1 đến ngày 5 thì khách hàng cũng chỉ được miễn lãi suất đối với khoản tiền tối đa 1 tỉ đồng. Còn 2 tỉ đồng vẫn phải trả theo lãi suất thông thường. Đó là chưa kể với mỗi khách hàng, NH còn chấm điểm tín dụng rồi mới áp cho một hạn mức tương ứng, mà thường thì khách hàng vay mới khó có được điểm tín dụng cao để nhận hạn mức lớn”, vị này chia sẻ.

NH cổ phần Đông Nam Á (SeABank) cũng ồ ạt tung ra các gói miễn phí ưu đãi trả góp lãi suất thẻ tín dụng SeABank 0%, đặc biệt “Vay mua xe Mercedes”. Nhưng thực tế tại chương trình “Vay mua xe Mercedes” cũng chỉ cho miễn lãi 0% trong 12 tháng đầu tiên và chỉ dành cho xe A-class và C-class. Đối với các loại xe mới và xe cũ khác, trong 12 tháng đầu SeABank thu 8%/năm.

Trong một số sản phẩm khác, nhiều NH chào mời hấp dẫn nhưng thực chất lãi suất 0%/năm vốn chỉ nằm tại duy nhất một dự án bất động sản mà NH liên kết. Như NH Quốc tế (VIB) lãi 0% chỉ được áp dụng đối với chương trình cho vay mua căn hộ Mulberry ở Q.Hà Đông (Hà Nội). Điều đáng nói, nếu các NH khác căn ke khuyến mãi lãi suất 1 năm, thì VIB chỉ biếu không có 3 tháng đầu. Từ tháng thứ 4 trở đi lãi suất lập tức được tính bằng lãi tiết kiệm VNĐ kỳ hạn 13 tháng của VIB cộng với biên độ khá “khủng” lên tới 4%/năm. Trong đó cứ 1 hoặc 3 tháng một lần NH sẽ điều chỉnh lãi suất.

“Cắt cổ" bằng phí phạt

Một tổng giám đốc NH thừa nhận, NH tung ra sản phẩm miễn lãi thời gian đầu, nhưng ngay khi hết khuyến mãi thường nâng lãi suất lên cao hơn mức thông thường để bù đắp lại.

Tuy nhiên, điều “đắng” nhất trong các gói cho vay này là nằm ở mức phí phạt cao ngất mà NH áp dụng. Cụ thể, mức trung bình ở nhiều NH khoảng 1%/năm, nhiều gói ưu đãi lãi suất riêng phí phạt lên tới 2 - 3% trên tổng số tiền trả trước. Nhân viên của VIB cho biết, mức phạt của NH này từ 2 - 3% tùy vào thời gian đáo hạn trước bao lâu. Tại Maritime Bank, nếu đáo hạn trước một nửa thời hạn vay phạt 2%...

Phạt khi đáo hạn trước, theo tổng giám đốc của NH cổ phần trên là cách để NH buộc khách hàng vay dài hạn hơn nhằm bù đắp phần lãi suất đã miễn trong chương trình khuyến mãi. “Thông thường đối với người vay mua nhà, mua xe phải dài hạn vì khoản vay lớn, nhưng tâm lý ai cũng muốn trả trước. Đánh vào điều này mà các NH đưa ra mức phạt quá cao, như vậy cũng là một chiêu để bù đắp lợi nhuận”, tổng giám đốc này cho hay.

Để tránh phải ngậm trái đắng khi vay lãi suất rẻ rồi bị phạt hoặc phải gánh lãi suất cao sau đó, theo các chuyên gia, người đi vay phải thông minh, tính toán kỹ thời gian và dòng tiền có được trong tương lai. Nếu đã có sẵn dòng tiền lớn có thể chọn vay 1 năm hoặc với thời hạn nhất định. Không nên cẩn thận quá cứ để thời hạn nhiều năm, sau đó đáo hạn lại bị phạt. Đối với mức phí phạt, cần phải hỏi kỹ lưỡng để thỏa thuận với NH, tránh rơi vào tình trạng bị "cắt cổ" bằng phí phạt như nói trên.

Anh Vũ (TNO)