Thứ hai, 28/7/2014, 11h07

Dân sợ... cảnh sát giao thông

Một CSGT đang xử lý một vụ vi phạm giao thông (ảnh chỉ mang tính minh họa, không phải nhân vật trong bài). Ảnh: Q.TUẤN
Chuyện xử phạt vi phạm khi lưu thông là chuyện bình thường, nhưng một số vụ cảnh sát giao thông (CSGT) hành hung người vi phạm trong khi làm nhiệm vụ là điều khó chấp nhận.
Bị hành hung chỉ vì lỗi nhẹ
Đang khi dư luận vẫn còn bức xúc vụ chị Nguyễn Thị Kim Trang, người phụ nữ bị nứt xương mũi do bị CSGT thuộc đơn vị CSGT Hàng Xanh “chọi” vật thể lạ (xảy ra vào hồi tháng 3), thì một vụ khác lại xảy ra tại khu vực phường Tân Thới Nhất, quận 12, vào lúc 7 giờ 15 ngày 21-7 khiến những người dân chứng kiến vụ việc vô cùng bức xúc. Vụ việc xảy ra với học sinh Nguyễn Anh Tài (17 tuổi, ngụ xã Xuân Thới Nhì, huyện Hóc Môn). Khi Tài lưu thông trên đường Trường Chinh, hướng từ Hóc Môn đến quận Tân Bình, vừa qua đoạn cầu vượt An Sương do lưu thông vào làn đường dành cho xe ô tô thì bị CSGT của Đội CSGT An Sương yêu cầu dừng xe. Tuy nhiên, khi em đã chạy chậm lại với dụng ý dừng xe theo yêu cầu của cảnh sát nhưng khi một CSGT giơ dùi cui chỉ vào người khiến em hoảng sợ và bỏ chạy. Khi đó hai CSGT đuổi theo và khi đuổi kịp, họ đã túm cổ, khóa tay Tài ra phía sau, gạt chân khiến em bị ngã sấp xuống đường. Hành động trên của hai CSGT khiến hàng trăm người dân tụ tập phản ứng.
Một người dân chứng kiến bất bình: “Việc Tài bỏ chạy là sai, nhưng hành vi CSGT đối xử với em này lại càng không đúng. Tôi thấy nhiều cảnh sát rất tử tế, giơ tay chào người vi phạm khi họ mới dừng xe, chứ ai lại chỉ dùi cui vào một đứa trẻ khiến nó hoảng hốt bỏ chạy. Nhưng điều tôi bức xúc nhất là em trai này bị CSGT khóa tay và đánh ngã. Em đang là người vi phạm chứ không phải tội phạm mà lại bị đối xử như vậy”.
So với vụ Tài bị khóa tay, bị quật ngã thì vụ một lái xe tải BKS 18N bị tát, bị đấm vào mặt giữa thanh thiên bạch nhật ở Ninh Bình có tính… “dã man” hơn. Chuyện xảy ra vào khoảng 11 giờ trưa ngày 10-6-2012, một lái xe tải nhỏ khi đang lưu thông ở đường Trần Hưng Đạo (TP.Ninh Bình) thì bị một CSGT ra lệnh dừng xe kiểm tra. Tuy nhiên khi đang điều khiển xe tấp vào lề đường, người lái xe vô tình va quẹt vào đuôi xe máy của CSGT. Lập tức lái xe này bị người mặc sắc phục CSGT đeo lon Thiếu tá tóm cổ áo lôi xềnh xệch và liên tiếp tát, đấm vào mặt, dùng gậy điều khiển giao thông vụt thẳng vào đầu lái xe cho dù người đàn ông này không hề có hành động nào chống trả. Nguyên nhân mà lái xe này bị đánh là do khi va chạm đã làm méo ống xả xe của CSGT.
Nghiêm trọng hơn những hành vi trên, một số trường hợp người vi phạm còn bị CSGT hành hung đến nỗi bị trọng thương. Như vụ chị Lê Thị Thủy ở Hưng Yên, khi cùng người em họ lưu thông không đội mũ bảo hiểm, bị CSGT “gọi”, họ liền lách xe sang chiều ngược lại để tránh. Lập tức, hai chị em Thủy bị 3 CSGT chặn đánh. Người em họ chị Thủy nhanh nhẹn né được đòn, nhưng chiếc gậy vô tình đã vung phải mắt chị Thủy khiến chị phải nhập viện cấp cứu.
Bị thương ở mắt như chị Thủy, chỉ cần điều trị ít lâu rồi sẽ khỏi. Không như trường hợp của anh Huỳnh Tấn Nam (21 tuổi, bảo vệ tổng kho DFC) phải chịu thương tật suốt đời. Cũng từ một lần lưu thông trên quốc lộ 1A tại địa bàn thôn Như Xuân, xã Vĩnh Phương, TP.Nha Trang, do không đội mũ bảo hiểm nên Nam bị CSGT rượt đuổi. Khi đuổi kịp, người CSGT ngồi phía sau đã vung dùi cui quật mạnh vào lưng Nam, khiến anh bị ngã trọng thương phải nhập viện. Kết quả giám định Nam bị thương tật vĩnh viễn 77%.
Người dân cần được tôn trọng
Ông N.H, một nhà giáo về hưu nhận định: “Chúng ta cần nhìn nhận hiện tượng trên là vấn đề lớn trong việc hành xử của CSGT với dân. Chúng ta cũng phải tự đặt câu hỏi: Vì sao khi bị CSGT thổi phạt là người dân hay rơi vào trạng thái hoảng sợ và trốn tránh. Nếu các anh chưa từng hành hung người dân, nếu các anh luôn cư xử đúng mực, văn minh, nghiêm túc và tôn trọng người dân thì các anh đâu gây nỗi sợ hãi và ám ảnh trong lòng người dân đến thế”.
Theo thiển ý của ông H., những vụ việc đã xảy ra cần được điều tra và xử lý đích đáng để mang lại công bằng cho người dân. Đồng thời vấn đề đạo đức của người CSGT cũng là điều cần được chú trọng hơn bao giờ hết.
Bài, ảnh: Bích Vân
Chỉ mang tính chất riêng lẻ, không phải là bản chất
Bàn về vấn đề này, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, người đã trực tiếp giảng dạy về “Văn hóa ứng xử, đạo đức, tác phong của CSGT TP.HCM” nhận định rằng những biểu hiện trên chỉ mang tính chất riêng lẻ, không phải là bản chất.
PGS.TS Sơn lưu ý rằng người vi phạm giao thông vẫn là công dân nên cần được tôn trọng. Vả lại việc người dân tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình khác với việc họ bị xúc phạm hay bị đối xử tàn nhẫn.
Theo vị PGS.TS này, những vụ việc đã xảy ra cần được xử lý thật nghiêm khắc để mang tính giáo dục và hiệu ứng tương tác điều chỉnh.