Thứ hai, 11/8/2014, 06h08

Dạy tin học trong trường tiểu học: Cần có một chương trình khung

GV đang chia sẻ những khó khăn về giảng dạy tin học trong trường tiểu học
Giáo viên (GV) yếu chuyên môn, máy móc thiếu, phần mềm dạy học còn hạn chế…, đó là những khó khăn trong công tác giảng dạy tin học ở bậc tiểu học mà các trường đang gặp phải.
Những khó khăn trên được các GV đưa ra tại buổi bồi dưỡng “Đổi mới dạy học tin học” do Phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT TP.HCM) tổ chức tại Trường Tiểu học Hồ Văn Cường, Q.Tân Phú vừa qua.
Nhiều khó khăn tồn đọng
Ông Nguyễn Lê Nhân (chuyên viên Phòng GD-ĐT Q.10) cho rằng phần lớn các trường tiểu học đã được trang bị máy tính nhưng số lượng máy ở mỗi trường hiện vẫn chưa đủ, trong khi đó sĩ số học sinh (HS)/lớp đông nên số tiết các em thực hành ít. Thậm chí trên địa bàn Q.10 có Trường Tiểu học Điện Biên vẫn chưa có máy tính để giảng dạy môn này.
Tương tự, GV Lê Mai Quang Thế (Trường Tiểu học Nguyễn Khuyến, Q.12) chia sẻ: “Nếu chỉ so sánh với tốc độ phát triển công nghệ trong 2 năm trở lại đây thì có thể thấy hệ thống máy tính, chương trình giảng dạy không còn phù hợp. Hiện tại nhiều trường vẫn còn sử dụng máy cũ, chưa được nâng cấp, cấu hình máy thấp, chạy trên hệ điều hành windows XP, phần mềm văn phòng 2003 của Bộ GD-ĐT, các phần mềm học tập còn hạn chế…”. Từ khó khăn này đã dẫn đến tình trạng mỗi trường, mỗi quận thực hiện chương trình giảng dạy khác nhau. Có thể các em được học tin học trên lớp, học ở phòng máy tính hoặc nhà trường hợp đồng với bên ngoài vào giảng dạy gây khó khăn trong quản lý.
Ngoài ra, các trường còn đối diện với khó khăn về đội ngũ GV. Về cơ bản, hiện nay GV có nghiệp vụ, trình độ nhưng số lượng lại thiếu, ít GV trong biên chế mà đa số chỉ là hợp đồng thỉnh giảng. Ngay như các trường ở Q.1 có cơ sở vật chất tương đối tốt (có internet, cáp quang), HS rất yêu thích tin học cũng không tránh được khó khăn trên. Chưa kể, một số GV có bằng tin học nhưng lại chưa có bằng sư phạm. Hay tình trạng một số phụ huynh thiếu quan tâm nên không nắm rõ nội dung bài học của con em như thế nào, dẫn đến hiểu lầm, khiếu nại nhà trường cũng là vấn đề được nhiều GV đề cập. “Đối với HS lớp 1, các em chưa biết chữ, do đó chúng tôi tạo điều kiện thông qua các trò chơi để các em làm quen với máy tính, bàn phím, con chuột. Tuy nhiên, khi thấy con em thực hành trò chơi, phụ huynh hiểu nhầm rằng GV dạy trò chơi chứ không phải là… dạy học. Từ vấn đề này mà phụ huynh khiếu nại lên nhà trường”, GV Lê Mai Quang Thế cho biết.
Thí điểm hệ thống đánh giá chuyên biệt 
Không thể phủ nhận tin học đóng vai trò ngày càng quan trọng trong cuộc sống. Ngoài việc cung cấp kiến thức để ứng dụng trong các môn học khác, vào cuộc sống thì tin học còn bồi dưỡng năng lực trí tuệ, rèn luyện một số phẩm chất của con người hiện đại như tính tỉ mỉ, cẩn thận, chính xác, thói quen tự kiểm tra... Vì thế nhiều HS tỏ ra yêu thích môn này. Ở TP.HCM, theo thống kê của Phòng Giáo dục tiểu học, hiện tại có gần 47,6% HS theo học tin học, mặc dù môn này mới chỉ là môn tự chọn. Đặc biệt tại các cuộc thi tin học trong và ngoài nước, có rất nhiều HS tham gia và đạt không ít giải cao.
Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân gây khó khăn trong công tác dạy học đó là chương trình giảng dạy quá lạc hậu, thiếu tính đổi mới. Hiện các trường tiểu học (ở các tỉnh/thành trên cả nước) đều dựa vào tài liệu tin học quyển 1, 2, 3 của Bộ GD-ĐT để giảng dạy, nội dung chỉ giúp HS làm quen máy tính, sử dụng phần mềm trò chơi, soạn thảo văn bản, phần mềm học tập, đồ họa, làm quen internet, email… Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, chương trình chưa có sự thay đổi trong khi tin học là môn mang tính khoa học, công nghệ có tốc độ phát triển nhanh, đòi hỏi chương trình phải có tính cập nhật thường xuyên.
Đại diện Phòng GD-ĐT Q.7 cho biết: Đối với chương trình của Bộ GD-ĐT, chỉ cần học hết lớp 3 là HS nắm vững kiến thức căn bản. Tuy nhiên kiến thức này vẫn nối tiếp ở lớp 4 và lớp 5. Thiết nghĩ cần nâng cao kiến thức hơn nữa ở các lớp trên để tạo hứng thú, tìm tòi, phát triển khả năng tư duy cho HS. Ông Nguyễn Minh Thiên Hoàng (chuyên viên Phòng Giáo dục tiểu học) cũng khẳng định: Hiện chương trình của Bộ GD-ĐT khá lạc hậu, nhiều điểm không còn phù hợp. Theo ông Hoàng, Phòng Giáo dục tiểu học ghi nhận những ý kiến của GV và chuyên viên để khắc phục trong thời gian tới. Theo đó, Sở GD-ĐT TP.HCM sẽ sớm có văn bản về một chương trình khung. Từ đó các trường sẽ linh hoạt lựa chọn bất kỳ tài liệu giảng dạy nào, miễn sao đáp ứng chương trình khung là được.
Mặt khác, để đổi mới quá trình dạy học môn tin học, trong năm học 2014-2015, TP.HCM sẽ thí điểm hệ thống đánh giá chuyên biệt bằng bài thi IC3 Spark của Certiport tại 50 trường tiểu học. Ông Nguyễn Quang Vinh (Trưởng phòng Giáo dục tiểu học) cho biết đây được xem là một chuẩn đánh giá kết quả học tập, giảng dạy tin học trong nhà trường. Và hệ thống này sẽ được nhân rộng nếu các trường thí điểm thực hiện thành công. Ông Vinh cho biết thêm, việc cập nhật thông tin mới phải được thực hiện để chương trình tránh bị lạc hậu.
Bài, ảnh: Trinh Ngọc
Để đổi mới quá trình dạy môn tin học, trong năm học 2014-2015, TP.HCM sẽ thí điểm hệ thống đánh giá chuyên biệt bằng bài thi IC3 Spark của Certiport tại 50 trường tiểu học. Đây được xem là một chuẩn đánh giá kết quả học tập, giảng dạy tin học trong nhà trường.