Thứ sáu, 19/12/2014, 10h12

Đổi mới đề thi môn ngữ văn lớp 10: Loại bỏ nạn học “tủ”

GV cần đổi mới phương pháp giảng dạy thì mới đáp ứng được yêu cầu của đổi mới đề thi
Năm học 2015-2016, đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn ngữ văn tại TP.HCM sẽ được đổi mới theo yêu cầu: 20-30% là nhận biết, thông hiểu; vận dụng cao từ 70-80%...
Theo đánh giá của nhiều giáo viên (GV) giảng dạy môn ngữ văn bậc THCS, việc tăng cường câu hỏi mở gắn với tính thực tế để học sinh (HS) có thể trình bày chính kiến của mình về các vấn đề thời sự, kinh tế, xã hội… rất hay, thiết thực.
Tránh việc học “tủ”
Cấu trúc đề thi gồm 2 phần là đọc - hiểu (3 điểm) và tạo lập văn bản (7 điểm). Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, việc đổi mới kiểm tra, đánh giá này sẽ theo hướng chú trọng đánh giá phẩm chất và năng lực HS, không chỉ xem HS học được cái gì mà quan trọng hơn là biết các em học như thế nào, có biết vận dụng không…
Cô Đinh Thị Thiên Ân, Phó hiệu trưởng chuyên môn Trường THCS Nguyễn Văn Bé (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), đánh giá: “Việc đổi mới đề thi môn ngữ văn sẽ phù hợp với phương pháp dạy học tích hợp liên môn, đòi hỏi HS không chỉ hiểu biết mà còn phải liên hệ với thực tế. Vì thế, đề thi sẽ có tính phân loại HS cao, các em không thể học “tủ” được. Hơn nữa, thang điểm có thay đổi, trước đây phần văn bản và tiếng Việt 2 điểm, văn nghị luận xã hội 3 điểm và phần tập làm văn 5 điểm thì nay lần lượt là 3-3-4, tức là phần văn bản và tiếng Việt tăng lên 1 điểm, phần tập làm văn giảm 1 điểm để nhẹ áp lực cho bài tập làm văn”.
Đồng tình với ý kiến này, cô Phạm Thị Vân Hương, Tổ trưởng bộ môn văn Trường THCS Trần Văn Ơn (Q.1), phân tích: “Yêu cầu của đổi mới bắt buộc HS phải học kỹ từng bài, hiểu văn bản nên tránh được việc học “tủ”. Nếu HS học tất cả các văn bản nhưng chỉ cần bỏ sót một bài, đề thi lại ra ngay ở bài đó thì chắc chắn các em sẽ không làm được”.
Trong khi đó cô Tạ Kim Diệu, Tổ trưởng bộ môn văn (Phòng GD-ĐT Q.Bình Thạnh), cho biết: “Với yêu cầu đổi mới này, những câu hỏi sẽ tập trung vào năng lực của HS để các em hiểu nội dung và vận dụng trả lời chứ không phải ghi nhớ bằng cách học thuộc lòng, nhớ ý nghĩa… văn bản như trước đây”.
GV đổi mới phương pháp dạy
Đa số GV đều đồng tình trước việc Sở GD-ĐT TP.HCM đổi mới đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn ngữ văn. Tuy nhiên, muốn thực hiện được điều này bắt buộc GV bộ môn phải có sự thay đổi trong cách dạy. Ngay cả những người ra đề thi cũng phải có cái nhìn nhạy bén, toàn diện và thời sự hơn. Trong khi thời lượng chương trình môn ngữ văn THCS hiện nay vẫn còn khá nặng, đây là vấn đề mà nhiều GV còn băn khoăn cho việc đổi mới.
“Việc đổi mới đề thi môn ngữ văn sẽ phù hợp với phương pháp dạy học tích hợp liên môn, đòi hỏi HS không chỉ hiểu biết mà còn phải liên hệ với thực tế. Vì thế, đề thi sẽ có tính phân loại HS cao, các em không thể học “tủ” được”, cô Đinh Thị Thiên Ân, Phó hiệu trưởng chuyên môn Trường THCS Nguyễn Văn Bé (Q.Bình Thạnh), nói.
Cô Phạm Thị Vân Hương chia sẻ: “Tôi nghĩ để đổi mới được cách kiểm tra, đánh giá thì trước hết nội dung chương trình cũng phải thay đổi. Với yêu cầu của đề thi, bắt buộc GV phải dạy căn bản cho HS để các em gặp tác phẩm nào cũng làm được, nhưng chương trình khá nhiều. Việc phải dạy và học khá nhiều có thể làm các em hiểu chưa kỹ, kết quả thi sẽ không tốt. Vì vậy, tôi nghĩ nên giảm tải chương trình, chẳng hạn trước phải học 10 tác phẩm thì nay gói gọn lại khoảng 5-6 tác phẩm thì GV có thời gian ôn tập hơn”.
Bên cạnh thời lượng chương trình, việc đổi mới thi cử không thể tách rời với đổi mới phương pháp dạy học. “Đổi mới đề thi thì GV phải thay đổi cách dạy. Theo đó, GV phải cho HS phát huy hết năng lực bằng cách tăng cường phát biểu ý kiến, độc lập suy nghĩ, tránh áp đặt. Tuy nhiên GV phải có định hướng kiến thức cho các em. Tức là GV nên đưa ra chủ đề để HS làm việc, cử đại diện đưa ý kiến và thầy cô là người góp ý. Đồng thời, GV phải chuẩn bị bài giảng kỹ, đặt câu hỏi không phải như thông thường mà có định hướng từ nội dung để HS trình bày nhiều hơn. Nhìn chung là dưới dạng yêu cầu đổi mới của đề thi, GV nên thường xuyên cập nhật kiến thức mới áp dụng vào bài học để HS năng động hơn, giảm căng thẳng cho các em”, cô Tạ Kim Diệu cho hay.
Bài, ảnh: Dương Bình
 
Khó cho người ra đề
Cô Tạ Kim Diệu cho biết: Đáp án đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn ngữ văn năm nay sẽ khác so với mọi năm là có 3 mức độ: Mức tối đa, mức chưa tối đa và mức không đạt. HS biết ở mức độ nào sẽ chấm ở mức độ đó nên người ra đề thi phải nắm rõ tình huống đưa ra và hướng dẫn chấm thi chi tiết hơn so với mọi năm.