Thứ năm, 20/2/2014, 21h02

Sư phạm và kỹ thuật lên ngôi

PGS.TS Đặng Thành Trung (Phó trưởng khoa Cơ khí động lực, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) giải đáp thắc mắc cho học sinh tại chương trình
Thích học sư phạm nhưng sợ ra trường khó xin việc, phái nữ liệu có thể làm trong ngành kỹ thuật được hay không… đó là sự phân vân của nhiều em học sinh tham dự chương trình hướng nghiệp tuyển sinh “Đúng ngành nghề - sáng tương lai” do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức vừa qua tại Trường THPT Nguyễn Huệ (TP.HCM).
Sư phạm vẫn hút thí sinh
Thông thường, ngành sư phạm được các em nữ sinh đề cập đến nhiều, tuy nhiên ở Trường THPT Nguyễn Huệ, các em nam sinh lại rất quan tâm đến ngành này. Em Nguyễn Bảo Giang (lớp 12A8) phân vân: “Em rất thích nghề sư phạm nhưng mọi người đều ngăn cản vì thấy ngành này đang giảm chỉ tiêu, sợ ra trường không xin được việc làm. Em phải làm như thế nào?”. Trả lời câu hỏi này, TS. Lê Anh Duy (chuyên viên Trường ĐH Sài Gòn) chia sẻ: “TP.HCM hiện có 3 trường đào tạo ngành sư phạm là ĐH Sư phạm TP.HCM, ĐH Sài Gòn và CĐ Sư phạm TW TP.HCM. Nhu cầu ngành sư phạm hiện nay đã gần bão hòa, chủ yếu là bổ sung giáo viên nghỉ hưu hay xây dựng các trường mới, phòng học mới. Vì vậy, trước đây chỉ tiêu ngành sư phạm ở ĐH Sài Gòn rất cao nhưng năm nay sẽ giảm xuống. Do có tính toán trước khi giảm chỉ tiêu để phù hợp với nhu cầu lao động trong tương lai nên nếu học sư phạm, các em không lo lắng về vấn đề việc làm”. Thực tế, ngành sư phạm năm nay của Trường ĐH Sài Gòn giảm khá mạnh, cụ thể năm 2013, trường tuyển khối ngành đào tạo sư phạm cho bậc ĐH là 850 chỉ tiêu thì năm 2014, dự kiến còn 700 chỉ tiêu (giảm 150 chỉ tiêu). Trong khi đó, năm nay Trường ĐH Sư phạm TP.HCM dự kiến tuyển 3.300 chỉ tiêu (giảm gần 500 chỉ tiêu so với năm 2013, trong đó khối ngành sư phạm giảm khoảng 200 chỉ tiêu), riêng ngành giáo dục tiểu học và mầm non tăng đáng kể, các ngành sư phạm còn lại giảm từ 10 đến 50 chỉ tiêu/ngành.
PGS.TS Đặng Thành Trung (Phó trưởng khoa Cơ khí động lực, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) cho hay: “Nếu thích ngành sư phạm của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, các em cứ mạnh dạn đăng ký thi tuyển. Đặc biệt, nếu trúng tuyển hệ ĐH thì khi ra trường các em sẽ vừa có bằng kỹ sư, vừa có bằng sư phạm để tham gia giảng dạy kỹ thuật ở các trường ĐH, CĐ, TCCN, trường nghề… Hiện vấn đề xin việc của sinh viên sau khi tốt nghiệp khá dễ, nhiều em đang làm đồ án tốt nghiệp đã có đơn đặt hàng”.
Không ngán kỹ thuật
Theo ông Trần Anh Tuấn (Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM), khối ngành công nghệ, kỹ thuật là một trong những khối ngành chủ lực trong quy hoạch phát triển kinh tế của Việt Nam từ nay đến năm 2020 nên cần rất nhiều lao động.
Ngành kỹ thuật từ xưa tới nay thường dành cho phái mạnh, để đáp ứng nhu cầu phát triển lao động của cả nước, liệu phái yếu có thực hiện được không? Em Nguyễn Thị Hoàng Oanh (lớp 12A9) khẳng định: “Em thích sửa chữa máy móc, khám phá công nghệ mới nên chắc chắn sẽ thi ngành cơ khí. Nếu không đỗ ĐH ở Việt Nam, bố mẹ em quyết định sẽ cho em du học ở Mỹ với chuyên ngành cơ khí”.
Nói về thế mạnh của phái nữ khi học ngành kỹ thuật, PGS.TS Đặng Thành Trung cho biết: “Nữ sinh viên thường có ưu điểm là chăm chỉ học tập, mềm dẻo trong giao tiếp, cẩn thận, tỉ mỉ khi làm việc với máy móc nên 10 năm trở lại đây, hầu hết nữ sinh viên của trường đã được doanh nghiệp “đặt hàng” khi còn làm đồ án tốt nghiệp. Trong quá trình học, nữ cũng được ưu tiên nhiều hơn nam khi nhà trường có quỹ học bổng khuyến khích nữ sinh viên, chương trình cam kết ưu tiên nữ của Bộ GD-ĐT Mỹ để nâng cao chất lượng một số trường đào tạo ngành kỹ thuật ở Việt Nam…”.
Bài, ảnh: Dương Bình
5 biện pháp giúp học sinh chọn ngành
Theo PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, Trưởng bộ môn tâm lý (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM), có 5 biện pháp giúp học sinh chọn ngành, đó là các em nên dành thời gian để tìm hiểu về bản thân (kể cả ngoại hình và năng khiếu); nên trải nghiệm thực tế, đến các cơ sở xem ngành nghề mà mình dự định lựa chọn sẽ làm việc thực tế như thế nào rồi mới lựa chọn; tìm hiểu kỹ thị trường lao động, đặc biệt là thị trường này trong tương lai như thế nào; xem xét lại hoàn cảnh gia đình, năng lực bản thân, nếu không có điều kiện học ĐH thì có thể chọn các trường đào tạo nghề hay TCCN rồi từ từ nâng cao trình độ; chú ý đến điểm rơi phong độ lúc đi thi, sử dụng các thủ thuật ghi nhớ nhanh và sâu, nếu không thức khuya giỏi thì những ngày gần đến kỳ thi các em nên ngủ sớm để giữ gìn sức khỏe.