Thứ tư, 14/4/2010, 11h04

Còn gập ghềnh đường công nhân đến trường

18% số công nhân (khoảng 50.000 người) đang đi học và có nhu cầu đi học là kết quả khảo sát trong quý 3-2009 của Quỹ hỗ trợ công nhân TP.HCM. Trong 18% đó, số đeo đuổi được việc học và học đến nơi đến chốn còn ít hơn rất nhiều.
Trao vốn vay cho công nhân đi học ở Công ty Pou Yuen (TP.HCM)- Ảnh: N.Nam
Bạn Nguyễn Thị Thu, công nhân Công ty Freetrend, đang theo học lớp ngoại ngữ miễn phí do Quỹ Hàn - Việt, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn tổ chức, chia sẻ: “Học để tìm kiếm một công việc tốt hơn sau này”.
Thế nhưng con đường học hành không dễ dàng chút nào. Trong lần đầu tiên Quỹ hỗ trợ Hàn - Việt thực hiện khóa giảng dạy ngoại ngữ cho 300 công nhân, chỉ có 40 bạn được cấp chứng chỉ đạt chuẩn hoàn thành khóa học. Bạn Trần Thị Thu Hà, công nhân Công ty Freetrend, đã dang dở việc học lần đầu tại khóa học này cho biết nhiều bạn học cùng lớp bỏ học do nản vì không theo kịp lớp hoặc vì tăng ca nên không có thời gian và sức khỏe đi học.
Tháng 7-2008, chương trình học bổng và vốn vay đi học của Quỹ hỗ trợ công nhân do UBND TP.HCM lập ra (từ tháng 4-2008) để giúp đỡ công nhân gặp khó khăn về tài chính có thể tiếp tục giấc mơ học tập của mình. Nhưng gần hai năm thành lập cũng chỉ có 124 bạn được trao học bổng và 329 bạn được vay vốn từ quỹ này.
Ông Trần Minh Trọng, giám đốc Quỹ hỗ trợ công nhân, thừa nhận: “Khả năng của quỹ còn hạn chế trong việc giải quyết nhu cầu cần được giúp đỡ, hỗ trợ của các bạn công nhân”. Hiện quỹ có sáu doanh nghiệp và 12 đơn vị đào tạo cùng đồng hành, nhưng để hoàn thành mục tiêu hỗ trợ 5.000 công nhân có điều kiện đi học trong năm 2010, nhất thiết quỹ còn cần sự chung tay từ nhiều doanh nghiệp.
Nhưng cái khó cũng còn đến từ một phía khác. Ông Trọng nói: “Chuyện đi học đối với công nhân vốn đã là một chuyện khó, từ thời gian, sức khỏe đến thu nhập. Ấy vậy nhưng vẫn có những chủ doanh nghiệp chưa hiểu, không ủng hộ công nhân đi học vì sợ mất nguồn nhân lực của mình”. Đó cũng là rào cản đáng kể trên con đường đến lớp, nâng cao kiến thức của công nhân.
NGỌC TRƯỜNG / TTO