Thứ hai, 28/7/2014, 10h07

Dạy “lễ” trong nhà trường cần hợp lý hơn

Cuộc thi “Rung chuông vàng” dành cho HS bậc THCS, trong đó các thí sinh mặc đồ truyền thống thời xưa. Ảnh: V.T
Hầu hết các trường phổ thông ở Việt Nam đều treo khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn”. Đó được xem là một phương châm giáo dục quan trọng của nước ta. Thế nhưng “lễ” được học và dạy như thế nào trong nhà trường vẫn còn là một câu hỏi lớn.
Là một phụ huynh, tôi thấy rằng một số bài học đạo đức của học sinh (HS) tiểu học còn chưa bám sát thực tế, thiếu tính thiết thực và thuyết phục. Chẳng hạn, chương trình giảng dạy môn đạo đức lớp 3 năm học 2012-2013 (theo sách Vở bài tập đạo đức 3, do tập thể tác giả Lưu Thu Thủy (chủ biên), Nguyễn Thị Việt Hà, Nguyễn Hữu Hợp và Trần Thị Tố Oanh biên soạn, NXB Giáo dục, năm 2012), có bài bảo các em tích cực tham gia việc lớp, việc trường (trong bài gợi ý các việc: Cuốc đất, trồng hoa, tưới nước, dọn vệ sinh…) thì gần như chỉ có số ít HS ở nông thôn mới có điều kiện làm và có thể làm. Còn với HS ở đô thị, có lẽ các yêu cầu này là không thực tế. Hay bài 8, Biết ơn thương binh, liệt sĩ (gợi ý các việc: Thăm trại điều dưỡng thương binh nhân ngày 27-7, viếng nghĩa trang liệt sĩ, giúp đỡ mẹ liệt sĩ bị ốm, dọn vệ sinh khu vực nghĩa trang liệt sĩ…) thì các việc này cũng không thực tế lắm. Bởi dịp 27-7, HS đang nghỉ hè, thì gần như không thể tập trung để đi thăm thương binh; việc dọn vệ sinh nghĩa trang liệt sĩ thì liệu có hợp với các HS lớp 3?… Còn bảo các em tôn trọng khách nước ngoài (bài 10: Tôn trọng khách nước ngoài) thì lại càng xa với các em. Với HS ở thành thị, nơi có điều kiện tiếp xúc với nhiều người nước ngoài, thì các em cũng khó có thể trực tiếp gặp gỡ, tiếp xúc bởi các em nhỏ chưa đến 10 tuổi ít có dịp ra đường nếu không có người lớn đi cùng; vậy thì nếu có gặp người nước ngoài, các em cũng khó có thể có hành động gì cụ thể. Còn ở nông thôn, các em nhỏ có thể ra khỏi nhà mà không có người lớn đi cùng thì lại hiếm có dịp gặp gỡ người nước ngoài. Ngay cả đem yêu cầu này áp dụng đối với người lớn thì chắc nhiều người cũng cảm thấy khó thực hiện (với các gợi ý như trong bài: Giao tiếp bằng tiếng Anh, mua giúp hàng hóa, chỉ đường về khách sạn…).
Có cảm giác một số giáo viên dạy môn giáo dục công dân chưa phải là giáo viên giỏi, có khi chỉ là giáo viên kiêm nhiệm hoặc khó bố trí dạy môn khác. Như vậy khó thuyết phục được HS.
Tôi chưa có điều kiện xem kỹ các sách đạo đức lớp khác cũng như sách giáo dục công dân bậc THCS và THPT, nhưng có đọc một số bài thì tính sát hợp với lứa tuổi HS và điều kiện xã hội còn chưa đảm bảo. Chẳng hạn, giở mục lục sách giáo dục công dân lớp 8 (của NXB Giáo dục, phát hành năm 2012), có 21 bài thì không ít bài có vẻ “cao” và “xa” so với trình độ, nhận thức của HS lớp 8 (13-14 tuổi). Có thể kể một số bài: Pháp luật và kỷ luật (bài 5); Tích cực tham gia các hoạt động chính trị - xã hội (bài 7); Nghĩa vụ tôn trọng, bảo vệ tài sản nhà nước và lợi ích công cộng (bài 17); Quyền khiếu nại, tố cáo của công dân (bài 18); Quyền tự do ngôn luận (bài 19)… Còn sách giáo dục công dân lớp 9 (của NXB Giáo dục, phát hành năm 2013), có 18 bài, cũng có sự “xa cách” tương tự so với lứa tuổi của HS lớp 9. Có thể kể một số bài: Chí công vô tư (bài 1); Dân chủ và kỷ luật (bài 3); Bảo vệ hòa bình (bài 4); Hợp tác cùng phát triển (bài 6); Quyền và nghĩa vụ của công dân trong hôn nhân (bài 12)…
Như vậy, dạy “lễ” trong trường phổ thông có ít nhiều khiếm khuyết, hạn chế, kéo dài trong nhiều năm qua. Phải chăng đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến đạo đức học đường có biểu hiện xuống cấp?
Tôi nghĩ rằng trong việc dạy “lễ” cần chú trọng 3 vấn đề trọng tâm: Thứ nhất, môi trường thực sự lành mạnh, trong sạch. Nếu nhà trường là nơi “chạy”, là nơi “mua bán”, “gửi gắm”, “trao đổi”… thì việc dạy “lễ” thật khó thuyết phục HS. Vì vậy, cần phải xây dựng môi trường sư phạm, môi trường học đường thực sự trong sáng, thân thiện, thân ái. Thứ hai, người đứng lớp (giáo viên) phải thực sự gương mẫu, có trách nhiệm, có tâm huyết. Thứ ba, chương trình học phải đáp ứng nhu cầu thực tế, bám sát thực tiễn của tình hình xã hội. Các bài học, các câu chuyện, dẫn chứng, thí dụ… phải thực sự cụ thể, gần gũi, đừng quá cao xa, cũ… Phương pháp truyền đạt cũng cần gắn yếu tố trực quan hơn (chiếu phim, diễn kịch, kể chuyện…) và hạn chế lý thuyết suông.
Tóm lại, phải chú trọng giáo dục cả “văn” lẫn “lễ”. Nhưng khi đặt “lễ” lên trước thì phải dạy cho đúng mực, thuyết phục và hợp lý!
TRÚC GIANG (TP.HCM)
Chưa thật thuyết phục
Ngay cả các bài theo tôi là khá “hợp” cho HS lớp 3 thì các yêu cầu, các thí dụ cũng có chỗ chưa thật thuyết phục. Chẳng hạn, bài Giữ lời hứa (bài 2) thì kể câu chuyện Bác Hồ vẫn ghi nhớ lời hứa mua một chiếc vòng bạc cho một cô bé - câu chuyện tuy hay nhưng giá như kể một câu chuyện khác mà nhân vật là các thiếu nhi thì phù hợp hơn. Hay bài Tôn trọng thư từ, tài sản của người khác (bài 12) có gợi ý “mỗi lần sang nhà hàng xóm xem ti vi, Bình đều chào hỏi mọi người và xin phép bác chủ nhà rồi mới ngồi xem” thì có lẽ gần với nội dung bài Quan tâm, giúp đỡ hàng xóm láng giềng (bài 7); trên thực tế, bây giờ gần như không còn việc sang nhà hàng xóm để “xem nhờ” ti vi nữa
.