Thứ ba, 2/9/2014, 20h09

Đi học ở tuổi xế chiều

Đi học ở tuổi xế chiều là cách thực hiện những ước mơ còn dang dở. Trong ảnh: Một lớp học tại TTGDTX Q.Tân Bình
Ở độ tuổi 40 đến 60, có những người đã can đảm bước tiếp con đường học vấn vốn dang dở thời son trẻ để được đồng hành với con, để phục vụ xã hội bằng công việc mình có. Với họ, khi đã sống “gần một cuộc đời” mà còn được cắp sách đến trường là một niềm hạnh phúc không dễ gì có được, nếu họ không thật sự nỗ lực.
Đồng hành vì tương lai của con
Người phụ nữ 55 tuổi, có gương mặt phúc hậu và nụ cười hiền dễ thu hút người đối diện. Người phụ nữ ấy là bà Nguyễn Thị Bích Nga, một nhân viên kế toán và là mẹ của một đứa trẻ bị nứt sọ não 5 phân do bị té lầu vào lúc 3 tuổi rưỡi. Bé trai sau nhiều nỗ lực của bản thân và kèm cặp của cha mẹ, thầy cô trong việc học hành, đến năm lớp 10 (năm 2009) thì Thân Quang Cường không học nổi nữa. Khi ấy, em xin mẹ cho đi học cắt tóc. Người mẹ lại nhẫn nại theo con, ban ngày bà đi làm kế toán, đêm về lại đi học cắt tóc với con trai. Tuy nhiên sau khi các khóa học hoàn thành, con trai lại không muốn làm nghề đó nữa.
Một lần đi ngang công trình xây dựng, anh chàng thấy các công nhân làm lụng vất vả, em liền về nói với mẹ rằng: “Con muốn đi học, chứ làm việc vất vả như công nhân con không làm được đâu”. Khi ấy mẹ lại cùng con đăng ký vào học ở TTGDTX Tân Bình. Hai mẹ con cùng học lớp 10 và ngồi cùng bàn. Chỗ nào con không hiểu, mẹ lại giảng giải cho. Cũng có khi con nắm bắt vấn đề nhanh nên lại hướng dẫn cho mẹ. Mỗi ngày đồng hành cùng với con trong tất cả mọi chuyện, từ ăn uống, ngủ nghỉ, học hành, bà Nga vừa là mẹ và vừa là cô giáo của con mình. Bất kể một vấn đề gì con không hiểu, dù nhỏ hay lớn, bà lại lập tức lục lọi sách giáo khoa để “lấp lỗ hổng kiến thức” cho con. Không chỉ thế, người phụ nữ thường được tín nhiệm bầu làm lớp trưởng này luôn đứng đầu lớp về học lực, và với tính tình hiền lành, dễ gần gũi, các học viên trong lớp thi nhau nhờ bà chỉ bài hoặc dò bài cho mình.
Cứ thế, 3 năm học thấm thoát trôi. Cả hai mẹ con vừa tốt nghiệp năm học vừa qua. Và với kết quả đậu hệ CĐ ngành quản lý đất đai của Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, Cường giờ trở thành niềm tự hào của mẹ Nga và đại gia đình. Khi đã an tâm về con, bà Nga dự tính năm sau sẽ thi ngành dược vì nghề kế toán bà cũng sắp đến tuổi về hưu. Hơn nữa theo cảm nhận của người khác, bà còn là người chữa bệnh “mát tay”. Người phụ nữ này có sở thích sưu tầm những bài thuốc hay và giúp đỡ những người cần giúp.
Theo bà Nga, ý nghĩa của cuộc đời và hạnh phúc gia đình sẽ không trọn vẹn nếu vợ chồng bà không làm tròn trách nhiệm với con. Thế nên, họ muốn làm tất cả để bù đắp những phần con còn thiệt thòi.
Trở lại thời cắp sách dang dở vào năm 46 tuổi, bà Đặng Thị Cúc, một tiểu thương chuyên kinh doanh quần áo may sẵn ở chợ Tân Bình tâm niệm: “Học để làm gương và đồng hành với các con. Mình già rồi còn đi học là để con nó thấy mà nỗ lực”. Bà Cúc cho hay con trai bà hiện đang là sinh viên CĐ và con gái đang là học sinh lớp 9, còn bà năm nay bắt đầu vào lớp 8 của TTGDTX Tân Bình. Trong việc học, đôi khi bà cũng nhờ con chỉ giúp. Tiếp thu kiến thức ở tuổi này theo bà thì không được nhanh nhạy bằng lớp trẻ, nhưng tính kiên trì và nhẫn nại giúp bà vượt khó và học tốt.
Xuất thân trong một gia đình có 7 anh chị em ở vùng quê Hàm Thuận Nam (Phan Thiết), bà Cúc kể rằng thời đó kinh tế gia đình khó khăn, nên anh chị em trong gia đình chỉ được học cho biết cái chữ. Riêng bà đang học dang dở THCS nhưng vì hồ sơ học bạ nay không còn nên khi xin vào trung tâm bà phải học lại từ lớp 6.
Năm học này, khối lớp 8 học vào ban ngày, để thuận lợi cho việc học, bà phải giao cửa hàng cho người làm coi giúp. Nhẩm tính còn 5 năm nữa mới tốt nghiệp cấp 3, nhưng trong thâm tâm bà Cúc đã quyết sẽ nỗ lực học cho đến khi tốt nghiệp và thi vào ĐH, ngành quản trị kinh doanh để giúp cho việc buôn bán được tốt hơn. Tuy nhiên, bà còn chưa có quyết định cuối cùng vì bà cũng ước mơ thi vào ngành luật, để sau này trở thành luật sư góp phần giúp đỡ người nghèo.
Học để phục vụ xã hội tốt hơn
Trong khi ước mơ làm luật sư của bà Cúc còn trong tâm tưởng, thì mong ước đó của anh Nguyễn Trọng Minh sắp trở thành hiện thực, vì nay anh đang là sinh viên năm 3 ngành luật, thuộc Trường ĐH Vinh.
Dang dở đường học vấn vì “tội ham chơi” của tuổi mới lớn, cộng với môi trường xung quanh chẳng có thanh niên nào đi học, mà vẫn sống phây phây. Sau này khi lớn lên anh mới hiểu, những người mà anh đã nhìn thấy với vẻ bề ngoài tưởng là an nhàn đó, thực ra họ phải lao động cực nhọc để mưu sinh vì không có nghề nghiệp ổn định.
Nhìn lại trong gia đình mình, anh Minh hơi tủi thân vì các anh chị em đều có công danh, sự nghiệp. Người thì làm luật sư, người là kỹ sư, trong khi bản thân anh chỉ có thể làm “chân phụ việc” ở công ty luật của gia đình. Rồi được gia đình khuyến khích, anh Minh đã mạnh dạn đăng ký vào học bổ túc ở TTGDTX. Trong quá trình học, anh đã từng là lớp trưởng với học lực tốt nên được các học viên chung lớp nể trọng.
Con trai anh Minh nay đang học lớp 7, anh muốn rằng việc học của mình sẽ là một minh chứng để cho con và người trẻ thấy rằng “Không nên phí tuổi thanh xuân và tương lai của mình chỉ vì ham chơi hoặc vì những nhận thức sai lệch. Học cho ta cơ hội tiến thân, tích lũy vốn kiến thức cho chính mình, noi gương cho con cái, là nền tảng để ta sống vững vàng và giúp đỡ những người “thấp cổ bé họng””.
Cùng là sinh viên năm 3 ngành luật với anh Minh, cũng là bạn học từ khi còn học tại TTGDTX Tân Bình, ông Lê Đình Tiến (hiện là Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh P.8, Q.Tân Bình) cho hay, khi đứa cháu nội vào lớp 1 cũng là lúc ông là sinh viên năm nhất. Cả cuộc đời ông đã hy sinh vì con cháu. Tuổi xuân ông Tiến đi bộ đội chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, đến khi có gia đình, ông làm lụng cật lực với nghề sửa xe máy để lo cho 4 người con ăn học thành tài. Chờ khi con cái đã tốt nghiệp CĐ-ĐH xong hết, 51 tuổi ông mới tiếp tục con đường học vấn vốn dang dở vì ảnh hưởng của thời cuộc.
Công việc của ông Tiến cũng bận bịu như bao người, và việc từ chối những cuộc nhậu để đến trường với ông không phải là điều dễ dàng. Thế nhưng ông đã nỗ lực vượt qua tất cả, vẫn gắn bó với trường lớp và được giáo viên ưu ái hỗ trợ nhiều tài liệu học tập. Cũng có khi cả ngày đi làm và đi học, về đến nhà do quá mệt nên ông không thể xem gì đến sách vở nữa. Vậy mà khi gần đến ngày thi là ông xin nghỉ phép mấy ngày để ôn bài.
Sự chuyên chăm và nỗ lực của ông Tiến, của anh Minh, bà Cúc, bà Nga thật là đáng quý. Đó là những tấm gương, là những bài học quý và là động lực thúc đẩy những người đã trót dang dở nghiệp đèn sách có thêm nghị lực viết tiếp ước mơ của cuộc đời mình.
Bích Vân
Thỉnh thoảng người ta vẫn hỏi ông câu: “Đã già sao còn đi học làm gì?”. Ông Tiến chỉ cười trừ vì ông tâm niệm: “Học để làm việc và phục vụ tốt hơn”. Hiếm có ai ở tuổi của ông Tiến mà còn cặm cụi mua sách, mua bút về để luyện chữ đẹp.