Thứ hai, 23/8/2010, 15h08

Diễn đàn “Sinh viên yếu ngoại ngữ: vì sao?”: Cần tác động cho SV hiểu tầm quan trọng việc học ngoại ngữ

Nhà trường cần tác động cho SV hiểu rõ tầm quan trọng của ngoại ngữ để khi cầm tấm bằng tốt nghiệp các em đủ năng lực đáp ứng nhà tuyển dụng. Ảnh: Mê Tâm

Với kinh nghiệm trên 30 năm tham gia giảng dạy bộ môn tiếng Anh ở trường đại học (ĐH), theo tôi, quá trình học ngoại ngữ chủ yếu xoay quanh các mối quan hệ giữa sinh viên (SV), giảng viên, chương trình giảng dạy và môi trường học. Nguyên nhân dẫn đến việc SV yếu ngoại ngữ cũng bắt đầu từ những mối quan hệ đó.
Một thực trạng thường thấy khi ở SV mới vào các trường ĐH, CĐ là chất lượng ngoại ngữ không đồng đều. Khi còn học phổ thông, các em đã được tiếp xúc với chương trình tiếng Anh theo hệ 3 năm hoặc 7 năm. Tuy nhiên, có thể các em chỉ học theo kiểu đối phó để vượt qua các kì thi nên lượng kiến thức có được về ngoại ngữ hầu như không đáng kể. Ngoài ra, SV các trường ĐH, CĐ đến từ nhiều nguồn khác nhau, có em học khá, có em học yếu nhưng tất cả lại được gom chung vào một lớp học ngoại ngữ theo khoa, ngành. Lẽ dĩ nhiên, trong lớp học, những SV khá luôn là những người nổi bật hơn cả. Chính khoảng cách đó khiến cho tâm lý những SV yếu vốn đã không theo kịp các bạn học khá càng thêm chán nản khi bắt gặp những từ, cấu trúc khó. Từ đó các em thiếu tự tin, thiếu kiên trì và dễ buông xuôi trong quá trình học. Các em chưa ý thức được tầm quan trọng của ngoại ngữ khi tốt nghiệp ra trường cũng như nhu cầu tuyển dụng của xã hội. Thậm chí nhiều em còn coi ngoại ngữ không quan trọng bằng những môn học chuyên ngành, chỉ học để đối phó trong các kì thi cuối học kì nên đến gần ngày thi mới cố gắng “học tủ” vài phần quan trọng để “vớt vát” cho qua kì thi.
Ngoài ý thức của SV thì giảng viên là người đóng vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn SV trong quá trình học. Cũng như SV, đội ngũ giảng viên đến từ nhiều nguồn khác nhau, được đào tạo bài bản trong quá trình học ở ĐH. Tuy nhiên, không phải giảng viên nào cũng có những phương pháp dạy phù hợp với bài giảng và đối tượng SV của mình. Trong một lớp học có quá đông SV, các giảng viên thường rất lúng túng vì không thể bao quát được toàn bộ lớp, không thể dành sự quan tâm đặc biệt cho một SV nào dù đối tượng đó học kém. Phương pháp giảng dạy của họ chủ yếu là đọc, hỏi một vài câu hỏi trong giáo trình để SV trả lời. Đó là chưa kể đến vấn đề đạo đức nghề nghiệp của các giảng viên. Rất nhiều trong số họ chỉ nhiệt tình, dồn hết tâm sức giảng dạy trong thời gian mới ra trường. Càng về sau, phần vì số lượng người học quá đông, chất lượng không đồng đều cộng thêm áp lực về thi cử đã khiến nhiều giảng viên chọn cho mình giải pháp an toàn là dạy theo những kiến thức khô khan trong giáo trình, không sáng tạo phương pháp giảng dạy của mình. Thậm chí, một số giảng viên còn bớt xén thời gian trên lớp, đi muộn về sớm, còn kiến thức phó mặc cho SV.
Ngoài ra, chương trình học ngoại ngữ tại các trường ĐH, CĐ đang là vấn đề gây nhiều tranh cãi. Có thể nói, hầu hết các trường ĐH, CĐ hiện chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của việc giảng dạy ngoại ngữ cho SV. Trước hết xin được bắt đầu từ câu chuyện giáo trình: tài liệu giảng dạy trong các trường ĐH, CĐ không thống nhất với nhau. Một số trường giảng dạy theo những giáo trình đã có sẵn như Lifeline, Streams-line, New Inter-chance… Trường khác lại tự biên soạn giáo trình cho SV của mình... Điều này sẽ tạo cho giảng viên nhiều sáng tạo, có thể linh động phân bố thời gian trong quá trình dạy. Song bên cạnh đó cũng khiến cho việc giảng dạy không mang lại kết quả như mong muốn, không đạt được mục tiêu rõ ràng. Có thể một số trường khi biên soạn giáo trình cũng đã xác định mục tiêu, hướng đi rõ ràng cho mình. Nhưng trong quá trình giảng dạy, điều đó đã ít nhiều bị sai lệch thậm chí đi ngược lại với ý đồ được xác định ban đầu. Các kì thi tiếng Anh hầu như chỉ được thực hiện trên giấy, các kĩ năng quan trọng nhất là nghe - nói lại không được đề cập tới. Điều này đã dẫn tới hậu quả, một số SV tuy có điểm kiểm tra cao nhưng lại rất lúng túng khi nói chuyện bằng tiếng Anh. Nhiều người không thể nói quá hai câu mà không phải… ậm ờ suy nghĩ rất lâu trước khi nói.
Các trường ĐH, CĐ cần xây dựng cho mình mục đích, mục tiêu rõ ràng trong việc giảng dạy ngoại ngữ cho SV. Cụ thể, đầu tư tốt nhất về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phòng học để khi ra trường, toàn bộ SV phải đạt được một chuẩn mực ngoại ngữ nhất định - TS. Đặng Văn Hùng.
Với những hệ quả của các vấn đề trên, chuyện SV yếu ngoại ngữ từ lâu đã trở thành vấn nạn chung của toàn xã hội. Tuy nhiên, nếu biết cách khắc phục, chúng ta sẽ dần dần đẩy lui được vấn nạn này. Các trường ĐH, CĐ cần xây dựng cho mình mục đích, mục tiêu rõ ràng trong việc giảng dạy ngoại ngữ cho SV. Tạo mọi điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất, trang thiết bị phòng học để khi ra trường, toàn bộ SV phải đạt được một chuẩn mực ngoại ngữ nhất định. Trong công tác tổ chức lớp học, các trường cần phân loại SV để có kế hoạch giảng dạy phù hợp. Chia nhỏ những lớp học có sĩ số đông để các em được quan tâm đúng mức. Với đội ngũ giảng viên, nhà trường cần có chính sách đào tạo phù hợp, có thể tổ chức việc kiểm tra năng lực của giảng viên. Việc kiểm tra ở đây không phải nhằm mục đích loại bỏ họ mà để phát hiện ra những mặt còn yếu, còn thiếu, từ đó đưa ra chính sách bồi dưỡng phù hợp cho giảng viên. Đó là những khóa học bồi dưỡng về mặt kĩ năng, phương pháp giảng dạy, biên soạn giáo trình… Ngoài ra, chính việc kiểm tra đánh giá giảng viên cũng tạo cho họ có sự phấn đấu, sáng tạo trong quá trình giảng dạy. Tất nhiên, để làm được việc này đòi hỏi phải có sự đầu tư đáng kể về thời gian, tiền bạc, công sức của nhà trường cũng như người trực tiếp giảng dạy. Nhưng thà một lần… còn hơn là để cả SV, nhà trường lẫn người giảng dạy lãng phí công sức, thời gian, chất xám một cách vô tội vạ như thực trạng hiện nay.
Tuy nhiên, nói đi nói lại thì ý thức người học ngoại ngữ vẫn phải được đặt lên hàng đầu. Nhà trường, xã hội cần tác động cho SV hiểu được mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc học ngoại ngữ. Giảng viên cần xây dựng, hướng dẫn cho SV một cách học phù hợp để các em có hướng đi, cách học đúng đắn cho mình. Từ những tác động đó, các em sẽ ý thức hơn về việc học và sử dụng ngoại ngữ, tìm ra hướng đi và cách khắc phục những điểm yếu của mình.
TS. Đặng Văn Hùng
(Phó giám đốc, Trưởng ban Ngôn ngữ và Văn hóa nước ngoài, Trung tâm Đào tạo khu vực SEAMEO Việt Nam)

LTS: Sau số báo này, tòa soạn kết thúc diễn đàn “Sinh viên yếu ngoại ngữ: Vì sao?”. Tòa soạn chân thành cảm ơn sự cộng tác trong thời gian qua và rất mong nhận được sự quan tâm chia sẻ của bạn đọc trong các diễn đàn tiếp theo.