Thứ sáu, 18/4/2014, 10h04

Đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014: Áp lực giảm đến đâu?

Mặc dù môn thi tốt nghiệp đã giảm bớt 1/3 và chỉ còn 4 môn thi, nhưng xem ra áp lực thi cử chưa giảm được bao nhiêu. Cứ nhìn học trò khối lớp 12 đang bị ép học, ép ôn luyện, kiểm tra nhanh… sẽ thấy gánh nặng học hành vẫn đè nặng và bệnh thành tích phải đạt tỷ lệ thi tốt nghiệp khá, giỏi cao vẫn là đích đến của nhiều vị hiệu trưởng.

Đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 giúp học sinh lớp 12 vui hơn (Trong ảnh: Học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Khuyến quận 10).

Cập rập, lúng túng

Chỉ còn 6 tuần lễ nữa, học sinh sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 nhưng cả người dạy lẫn người học đều tỏ ra lúng túng, băn khoăn trước nhiều điểm mới vừa được Bộ GD-ĐT hướng dẫn. Trong 11 điểm mới cần lưu ý thì thông tin đề thi môn văn có thể nằm ngoài sách giáo khoa và thí sinh sẽ phải làm quen với yêu cầu đọc hiểu văn bản gây xôn xao, chấn động nhiều nhất.

Tuy Bộ GD-ĐT đã có hướng dẫn cụ thể về hướng ra đề văn mở, đánh giá năng lực cảm thụ văn học, tránh học vẹt nhưng nhiều giáo viên môn văn lẫn cán bộ quản lý vẫn cảm thấy cập rập, trở bộ không kịp vì thời gian ôn luyện còn quá ngắn.

Ghi nhận ý kiến thực tế, chúng tôi nhận thấy đa phần ủng hộ tinh thần đổi mới thi cử, trong đó đề thi môn văn ra theo hướng mở sẽ phát huy năng lực, vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn, giải quyết vấn đề cuộc sống của học sinh. Nhiều học sinh có năng lực, yêu thích môn văn cũng hào hứng chờ đợi đề thi ra theo hướng mở, thí sinh có thể sáng tạo trong cách làm bài.

Cô Lê Kim Mai, Tổ trưởng tổ văn Trường THPT Võ Thị Sáu nêu quan điểm: “Bản chất của việc dạy môn văn là đọc, hiểu, cảm nhận tác phẩm, nội dung, ý nghĩa hình tượng nhân vật, rút ra bài học… Yêu cầu đọc hiểu đã được triển khai dạy học sinh từ nhiều năm qua nên bây giờ đặt lại vấn đề này cũng không có gì là mới và quá lo ngại…”.

Tuy nhiên, ở góc nhìn khác, một số giáo viên dạy văn lại băn khoăn, tuy học sinh đã được làm quen với yêu cầu đọc hiểu nhưng chưa chú trọng nhiều, nay bộ yêu cầu thì cả thầy lẫn trò đều lúng túng, cập rập trong ôn tập. Một số khác thì lo lắng vì chưa rõ cấu trúc đề thi ra sao và thang điểm cho từng phần đọc hiểu văn bản, nghị luận văn học, nghị luận xã hội là bao nhiêu?

Một giáo viên dạy văn lâu năm bức xúc: “Lâu nay Bộ GD-ĐT cứ hô hào giáo viên phải sáng tạo, đổi mới cách dạy cách học nhưng cách ra đề thì “vũ như cẩn”, chỉ đi chệnh hướng, không bám sát nội dung, chương trình sách giáo khoa là học sinh thấm đòn, điểm thấp ngay. Làm sao chúng tôi dám mạo hiểm?”.

Rõ ràng, đổi mới thi cử là cần thiết nhưng giá như bộ có hướng dẫn sớm và đừng để “nước ngập đến chân mới bảo các trường phải nhảy” bằng mọi cách thì làm sao tránh khỏi ướt - Một hiệu trưởng lắc đầu, biểu thị sự mệt mỏi.

Tăng hay giảm áp lực tùy thuộc vào hiệu trưởng

Tuy chưa thoát hẳn áp lực về thi cử, bệnh thành tích nhưng phải thừa nhận nhiều vị hiệu trưởng trường THPT đã đổi mới tư duy, không quá lo lắng và quan trọng hơn là không ép học, ép ôn luyện quá mức như trước đây.

Thầy Nguyễn Văn Vân, Hiệu trưởng Trường THPT Marie Curie nêu quan điểm: “Năm nay, cả thầy lẫn trò đều mừng, bớt hẳn lo lắng vì môn thi giảm còn 4 môn. Với tinh thần Bộ GD-ĐT không gây áp lực thì lẽ nào nhà trường lại gây thêm áp lực, nhà trường để các em tự ôn thi ở nhà là chính và chỉ tập trung ôn tập, phụ đạo cho học sinh có học lực yếu, trung bình. Mục đích của giáo dục là hướng các em đi đường thẳng, nếu gặp hẻm thì phải có tư duy sáng tạo, biết vận dụng những kiến thức đã học để giải quyết vấn đề. Vì thế, chúng tôi không chủ trương nhồi nhét kiến thức lẫn cách làm bài rập theo khuôn mẫu. Một khi ôn luyện, “nhồi quá mức”, học sinh sẽ ngán học hoặc sẽ ỉ lại, gặp đề lạ, đề khó thì bị động, không thể suy nghĩ, làm bài một cách sáng tạo”.

Tương tự, thầy Nguyễn Xuân Thảo, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Khuyến quận 10 cũng ủng hộ tinh thần đổi mới thi cử và nhấn mạnh rằng, việc hướng dẫn học sinh lớp 12 chuẩn bị tâm lý, tinh thần ổn định, có cách học - ôn thi vừa sức, kết hợp giữa học và vui chơi giải trí sẽ mang lại kết quả tốt nhất.

Thế nhưng, một số “thuyền trưởng” khác lại cảm thấy lo lắng, trở bộ không kịp vì kỳ thi tốt nghiệp năm nay có quá nhiều thay đổi đột ngột. Hơn nữa, mong muốn học sinh của mình thi tốt nghiệp THPT có tỷ lệ tốt nghiệp loại khá, giỏi cao cũng là tầm ngắm của nhiều trường.

Theo cô Đỗ Thị Bích Duyên, quyền Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn, mục tiêu của nhà trường là giáo dục học sinh phát triển toàn diện. Tuy nhiên, để học sinh lớp 12 có bảng điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT tốt, có thể dự tuyển vào các trường ĐH hoặc đi du học, nhà trường coi trọng việc ôn luyện, củng cố kiến thức cho các em trước mùa thi.

Và để chạy “nước rút” trong thời điểm vàng ôn thi, giúp học sinh làm quen với các loại đề thi, nhà trường vẫn chọn cách làm cũ - áp dụng từ nhiều năm trước là làm bài kiểm tra nhanh (TEST) trong vòng 30 phút vào mỗi buổi sáng. Học sinh có mặt (theo môn thi bắt buộc và tự chọn) vào 6 giờ 15 phút (sớm hơn ngày thường 30 phút). Sau khi chấm bài kiểm tra nhanh, đến khoảng 9 - 10 giờ, học sinh sẽ được thông báo kết quả, em nào làm bài đạt 6 điểm trở lên thì buổi trưa được ra về, ai bị điểm thấp hơn thì ở lại để đầu giờ chiều làm bài test nhanh lần thứ hai và nếu không đạt thì tiếp tục ở lại để nghe giảng bài.

Không thể phủ nhận thiện chí của nhà trường nhưng với cách ôn luyện chưa khoa học này, cả học trò, thầy cô và phụ huynh đều cảm thấy mệt mỏi. Một số phụ huynh cho rằng, áp lực đi học sớm hơn, phải làm bài test nhanh khiến con em họ cảm thấy lo sợ bị “cấm túc” - ở lại trường và dù cố học bài nhưng kết quả đôi khi không như mong muốn. Như thế hiệu quả học tập sẽ đến đâu?

Trong hội nghị về đổi mới thi tốt nghiệp THPT, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM đã nhắc nhở các trường không được gây áp lực, tổ chức ôn thi nhẹ nhàng, phù hợp với năng lực học sinh. Như thế, chủ trương đổi mới thi cử đã có nhưng việc tăng hay giảm lại phụ thuộc vào nhận thức, tư duy hành động của từng vị hiệu trưởng. Có nhiều cách ôn thi nhẹ nhàng, khoa học nhưng vẫn mang lại hiệu quả thay vì bắt các em luyện như gà chọi và thi xong thì chẳng nhớ điều gì.

HOÀI ANH (SGGP)