Thứ sáu, 26/12/2014, 10h12

Dự thảo quy chế kỳ thi THPT quốc gia 2015: Phổ thông và ĐH đều băn khoăn

Sau khi Bộ GD-ĐT công bố dự thảo quy chế tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ 2015, có không ít hiệu trưởng nhận xét: “Chưa bao giờ thấy một quy chế thi chứa đựng nội dung “khổng lồ” như vậy”.
Phổ thông: Thang điểm 10 hay 20?
Một điểm mới trong dự thảo quy chế được Bộ GD-ĐT đưa ra đó là sẽ chấm thang điểm 20 cho 8 môn thi. Lý giải vấn đề này, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT), cho biết kỳ thi THPT quốc gia với mục đích sử dụng kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp, đồng thời làm căn cứ để các trường ĐH, CĐ sử dụng trong tuyển sinh. Để đạt mục đích này, yêu cầu phân hóa trình độ của thí sinh phản ánh qua kết quả các môn thi phải được đặt ra ở mức độ cao hơn so với các kỳ thi riêng biệt như những năm trước. Để giúp các trường ĐH, CĐ tuyển sinh được những thí sinh phù hợp với nguồn lực, chất lượng đào tạo thì kết quả các môn thi phải có độ phân hóa cao. Do vậy, việc mở rộng từ thang điểm 10 sang thang điểm 20 sẽ giúp phân hóa chi tiết hơn kết quả thi của thí sinh, hỗ trợ tốt cho công tác xét tuyển sinh của các trường.
Ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội), ủng hộ thang điểm 20. Nhưng ông cũng nói thật là khi tính thang điểm 20 sẽ có bất lợi cho HS. Cụ thể, trong quá trình làm bài, các em sẽ phải cẩn thận hơn, phải đảm bảo khoa học, chính xác nhất là tự luận vì các phần đánh giá có tính phân hóa cao sẽ đòi hỏi phải chi tiết hơn. Những cái này HS chưa làm quen, vì các em vẫn còn cẩu thả. Chính vì vậy, tính chi tiết thì HS nếu không có sự chuẩn bị tốt sẽ gặp bất lợi.
Trong khi đó ông Đào Tuấn Đạt, Hiệu trưởng Trường THPT Đào Duy Từ (Hà Nội), lại khẳng định thang điểm 20 chấm chính xác đến 1/4 điểm sẽ tương đương với thang điểm 10 chấm chính xác đến 1/8 điểm. Theo ông Đạt, chỉ cần một động tác kỹ thuật nho nhỏ là ghi chi tiết đến 1/8 điểm khi dùng thang điểm quen thuộc là 10 sẽ tránh được việc phải diễn giải nhiều không cần thiết, lại gây khó khăn trong việc hình dung mức điểm của HS. Đó là chưa kể đến phải thay đổi công thức tính, chẳng hạn công thức tính điểm xét tốt nghiệp trước đây lấy tổng điểm 4 bài thi chia cho 4, nhưng vì nâng thành thang 20 điểm nên phải chia cho 8.
PGS. Văn Như Cương, Chủ tịch HĐQT Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), đặt câu hỏi: “Tôi không hiểu đổi thang điểm chấm thi tốt nghiệp từ 10 thành 20 để làm gì?”. Theo ông, dùng thang 10, 20 hay 100 chỉ là cách quy ước, không làm thay đổi bản chất vấn đề, hoặc giúp phân hóa thí sinh được tốt hơn. Thang điểm 10 từ trước đến nay vẫn phân loại được năng lực của người học khá tốt. Nếu muốn chi tiết hóa kết quả, thang điểm 10 cũng có thể làm được khi chấm đến 0,15 điểm, thay vì 0,25 điểm như trước nay. Yếu tố quan trọng nhất để phân hóa HS, theo PGS. Cương là đề thi. Ông lo lắng rằng, đề thi năm nay sẽ khó giúp phân hóa khi phải đảm bảo 2 mục đích: Xét tốt nghiệp THPT và xét vào ĐH, CĐ. “Đề thi phải vừa không quá khó để các em có thể đủ điểm tốt nghiệp THPT, nhưng nếu dễ quá thì sự phân hóa để tuyển sinh ĐH, CĐ lại không chất lượng. Hơn nữa, chúng ta phải quy định hợp lý mức chênh điểm giữa đỗ tốt nghiệp và đỗ ĐH, CĐ”, PGS. Cương nói.
ĐH: Bao nhiêu nguyện vọng là đủ?
Một điểm mới khác của dự thảo quy chế là thí sinh sẽ được phát 4 phiếu kết quả và 16 nguyện vọng (NV). Tuy nhiên, theo TS. Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT ĐH FPT, NV vào đâu là quyền của thí sinh, việc xử lý NV trong đó có NV ảo tốt nhất quy về trách nhiệm của các trường. Bộ GD-ĐT không cần can thiệp vào chuyện này. Giống như chuyện một người tốt nghiệp đi làm, người ta có bao nhiêu NV vào bao nhiêu cơ quan đó là việc của cá nhân người đó. Còn các cơ quan tuyển người thế nào là việc của họ. Đó là quy luật. Lãnh đạo các trường phải tìm ra giải pháp để chống ảo. TS. Tùng đưa ra ví dụ, cứ yêu cầu thí sinh khi nộp NV là nộp tiền. Ai nộp NV mà không học là mất tiền. Nộp hồ sơ song song với học phí thì người ta sẽ cân nhắc. Tuy nhiên, TS. Tùng cũng cho rằng thực tế là các trường vừa muốn đông, lại vừa sợ ảo, muốn tốt nhưng lại sợ ít nên không biết chiều ai.
Một vấn đề khác mà các trường ĐH và thí sinh cũng rất quan tâm đó là thời gian xét tuyển. Theo quy định của Bộ GD-ĐT, sẽ có 4 đợt xét tuyển. PGS.TS Lê Hữu Lập, Phó giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, cho rằng Bộ GD-ĐT đưa ra biện pháp giảm ảo thí sinh nhưng đang lộ ra bất cập. Theo PGS. Lập, thông thường quy định chung của Bộ GD-ĐT là mỗi đợt xét tuyển kéo dài 20 ngày, sau đó trường sẽ mất ít nhất 5 ngày để tổng hợp, thống kê thông báo trúng tuyển sau đợt xét tuyển. Như vậy, với 4 đợt thì thời gian xét tuyển sẽ kéo dài khoảng 100 ngày. Trường nào buộc phải sử dụng tối đa thời gian xét tuyển này thì thí sinh trúng tuyển đợt đầu và đợt cuối sẽ nhập học cách nhau gần 3 tháng, gây khó khăn cho công tác tổ chức đào tạo. Do đó, ông đề nghị nếu có 4 đợt xét tuyển thế này thì nên rút ngắn thời gian xét tuyển xuống còn 10-15 ngày so với quy định 20 ngày trước đây.
Nghiêm Huê
Hình: 1: Theo các chuyên gia giáo dục, với thang điểm mới, HS sẽ phải cẩn thận hơn trong quá trình làm bài thi. Ảnh: Anh Khôi
 
Box: Thầy Đặng Trung Nghĩa (GV Trường THPT Đức Trí, TP.HCM):
Cần ưu tiên HS vùng kinh tế khó khăn
Nhiều người cho rằng dự thảo quy chế kỳ thi THPT quốc gia 2015 có lợi cho HS, nhưng theo tôi, những thuận lợi này lại rơi nhiều vào HS thuộc khu vực 3 (các vùng thành thị, vùng có điều kiện kinh tế phát triển). Cụ thể là điểm ưu tiên chính sách và ưu tiên khu vực vẫn giữ nguyên như kỳ thi năm 2014 (thang điểm 10), tức là điểm ưu tiên đã giảm so với các năm trước. Năm nay, Bộ GD-ĐT áp dụng thang điểm 20 nhưng không đề cập đến việc điểm ưu tiên có được tính theo thang điểm này, tức là nhân đôi hay vẫn giữ nguyên mức điểm như thang điểm 10. Nếu mức điểm này vẫn được giữ nguyên, HS được hưởng chính sách ưu tiên mất 0,5 điểm so với năm 2014.
Dự thảo có nói môn ngoại ngữ là một trong 3 môn thi bắt buộc để xét tốt nghiệp THPT, những HS có chứng chỉ ngoại ngữ (theo văn bản quy định) sẽ được miễn thi môn này. Thế nhưng, đối tượng có thể đạt được những chứng chỉ này lại là HS thuộc khu vực 3. Trong khi đó, môn ngoại ngữ lâu nay vẫn là nỗi “lo sợ” của nhiều HS thuộc khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và nhiều năm liền bộ đã cho HS thuộc các khu vực này được lựa chọn một môn thi thay thế. Vấn đề này vẫn chưa được dự thảo nhắc đến. Tôi đề nghị Bộ GD-ĐT cần ưu tiên cho HS ở những vùng kinh tế khó khăn để tránh thiệt thòi cho các em.
 
Ông Hoàng Thế Phương (PHHS Trường THPT Thanh Đa, TP.HCM):
Bao nhiêu điểm thì đậu tốt nghiệp?
Dù Bộ GD-ĐT đã đưa ra công thức tính điểm thi tốt nghiệp để đảm bảo khách quan về kết quả thi lẫn học lực của HS nhưng vẫn chưa nói cụ thể bao nhiêu điểm sẽ đậu tốt nghiệp. Ví dụ, con tôi thi 4 môn được 20 điểm, điểm trung bình lớp 12 là 6,5 thì đã đủ điểm đậu tốt nghiệp chưa? Bộ có quy định mức điểm sàn, điểm chuẩn để xét tuyển như các kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ trước đây hay không? Và nếu dùng kết quả như ví dụ tôi đưa ra để xét tuyển ĐH, CĐ thì điểm của con tôi sẽ được xét vào hệ TC, CĐ hay là ĐH? Vấn đề này Bộ GD-ĐT cần làm rõ để trấn an phụ huynh và để HS chuyên tâm học tập, xác định mục tiêu cần đạt được ngay từ ban đầu.
Về ý kiến chủ quan, tôi cho rằng Bộ GD-ĐT chỉ nên xét tốt nghiệp để hạn chế áp lực thi cử không cần thiết đối với HS. Bởi tôi nhận thấy kết quả thi tốt nghiệp năm nào cũng rất cao. Do đó, Bộ GD-ĐT chỉ nên chuyên tâm vào kỳ thi ĐH, CĐ và siết chặt chỉ tiêu đầu vào, không nên để cảnh hàng triệu HS cùng vào ĐH nhưng khi tốt nghiệp lại chẳng biết làm gì, chẳng giúp ích gì được cho việc phát triển các ngành nghề của đất nước.
Ở góc độ khác, tôi cho rằng đổi mới là một việc làm cần thiết để xã hội phát triển, nhưng làm gì cũng phải có lộ trình. Đây là chuyện hệ trọng quyết định tương lai của đất nước, ảnh hưởng đến cả một thế hệ nên chúng ta không thể thực hiện theo kiểu “vừa chạy vừa xếp hàng”, vừa làm vừa sửa mà không có kế hoạch từ trước đó.
Ngọc Anh (ghi)