Thứ hai, 13/9/2010, 16h09

Khó khăn không chùn bước

Sáng 12-9, tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Công đoàn ngành GD-ĐT TP.HCM tổ chức trao 159 suất học bổng Nguyễn Đức Cảnh lần thứ 8 cho những học sinh (HS) là con em giáo viên, cán bộ công nhân viên trong ngành giáo dục TP. Đây là những học sinh hiếu học, đã vượt lên hoàn cảnh trở thành con ngoan, trò giỏi, xứng đáng là tấm gương tốt cho bạn bè học hỏi.
Dưới đây là chân dung ba gương mặt tiêu biểu mà Giáo Dục TP.HCM muốn giới thiệu đến bạn đọc.
Nguyễn Ngọc Tường Minh: Khó khăn không lùi ý chí

Nguyễn Ngọc Tường Minh

Mới chỉ học lớp 10 nhưng Tường Minh, HS Trường THPT Năng khiếu (ĐHQG TP.HCM) lại khiến cho nhiều người không nghĩ mình còn nhỏ tuổi khi tiếp chuyện, bởi vẻ ngoài chững chạc cùng cách nói chuyện rất… người lớn của em. Có ba mẹ đều là giáo viên (đang dạy tại Trường THPT dân lập Ngôi Sao) nhưng cuộc sống gia đình Minh lại không mấy khá giả. Đồng lương giáo viên “ba cọc ba đồng” của ba mẹ vốn đã eo hẹp lại phải trích một phần để nuôi cậu và dì mắc bệnh tâm thần, bà ngoại luôn đau ốm. Ngay từ nhỏ, cậu bé Tường Minh đã sớm chứng kiến cảnh khó khăn của gia đình. Minh kể: “Hồi mới sinh em, cả nhà phải ở nhà thuê. Sau đó, thấy cảnh ở nhà thuê tù túng, chật chội nên ba mẹ vay mượn tiền mua được căn nhà nhỏ ở quận Bình Tân. Mua nhà xong, ba mẹ em phải làm việc nhiều hơn để tích lũy tiền trả nợ. Đến nay, số tiền đó vẫn chưa trả hết”. Và để trả số tiền còn nợ đó, hằng đêm, thầy giáo Nguyễn Ngọc Diệp (ba Minh) phải đến các trung tâm bồi dưỡng văn hóa ngoài giờ để dạy thêm. Còn mẹ Minh, cô giáo Nguyễn Thị Anh Đào, phải dạy kèm 3, 4 HS tại nhà. Bản thân Minh mỗi sáng đều phải dậy thật sớm để bắt xe buýt tới trường. Năm học này, em phải đạp xe hơn 10km đến trường để tiết kiệm chi phí cho gia đình. Khó khăn là vậy, nhưng không vì thế mà cậu học trò nhỏ này tỏ ra nản chí. Em luôn cố gắng học thật giỏi để trở thành niềm vui cho gia đình. 9 năm liền, Minh đều là HS giỏi. Ngoài ra em còn đạt giải thiết kế web (năm lớp 8) cấp quận, giải 3 phần mềm Crocodile Physics (lớp 9) và nhất là 2 giải nhất môn toán và tin học cấp thành phố - đó là những món quà tinh thần lớn nhất em dành tặng những người mình yêu thương. Tường Minh luôn tự hào về gia đình mình, dù không giàu có nhưng nơi đó luôn đầy ắp những tiếng cười, đầy ắp tình yêu thương mọi người dành cho nhau. “So với nhiều người khác, em thấy mình còn may mắn bởi em còn có một gia đình hạnh phúc. Mẹ em thường khuyên chúng em nên nhìn xuống những người không bằng mình để thấy mình còn hơn người khác”, Minh chia sẻ.
Không có điều kiện đi học thêm, Minh đã tự mình học, đọc thêm sách tham khảo mượn từ bạn bè, sáng tạo ra cách học cho riêng mình. “Em cố gắng học thuộc bài trên lớp, vẽ các sơ đồ tư duy để học. Đây là cách học hiệu quả, không mất nhiều thời gian, lại có thể học nhanh, nhớ lâu và tăng khả năng sáng tạo cho mình”, em nói. Ngoài giờ học, Minh còn là một chàng trai đảm đang, không ngại làm việc nhà vì theo em, đó là một cách đỡ đần gia đình. Mơ ước của Minh là cố gắng thi đậu vào ngành CNTT Trường ĐH Bách khoa TP.HCM để thỏa mãn những khám phá của mình.
Huỳnh Ngọc Bảo Châu: Chỉ mẹ thôi cũng đã là quá đủ

Huỳnh Ngọc Bảo Châu và mẹ

Các thầy cô ở Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai đã quá quen với hình ảnh cô học trò chăm ngoan Huỳnh Ngọc Bảo Châu, con gái cô giáo Kỹ Thị Cẩm Thúy, giáo viên dạy ngữ văn trong trường. So với bạn bè cùng trang lứa, Châu có vẻ rụt rè, ít nói nhưng không vì thế mà em tỏ ra yếu đuối. Ba mẹ chia tay khi em mới học lớp 7, Châu ở cùng mẹ và em trai trong căn nhà của người bác ruột. Em trai Bảo Châu năm nay 10 tuổi nhưng lại mắc chứng bệnh bại não ngay từ khi chào đời. Hàng tháng, khoản tiền lương giáo viên ít ỏi của mẹ lại phải trích ra 3/4 để lo thuốc men, vật lý trị liệu cho em. Khoản tiền chi tiêu sinh hoạt của hai mẹ con chỉ bó buộc với khoảng 1 triệu đồng còn lại cùng số tiền trợ cấp của họ hàng bên ngoại. Mang tiếng là nhà, nhưng chỗ ở của ba mẹ con chỉ là một căn gác chật hẹp, vì phía dưới là nơi buôn bán của chủ nhà. Những hôm trời mưa to, ba mẹ con phải khổ sở vì nhà bị dột khắp nơi. “Nhiều lúc mẹ ốm, con đau, phụ huynh, HS và đồng nghiệp gọi điện nói tới thăm nhà, tôi phải nói khéo từ chối để họ không đến. Nhà cửa tồi tàn, bề bộn nên tôi ngại không muốn để ai tới nhà mình”, cô Cẩm Thúy tâm sự.
Ý thức được hoàn cảnh của mình, Bảo Châu luôn cố gắng học thật tốt, ngoan ngoãn để trở thành người bạn tinh thần của mẹ. 12 năm học trôi qua, em luôn là học sinh giỏi của lớp, được thầy cô, bạn bè quý mến. Không có điều kiện học thêm ở ngoài như các bạn, em đã tận dụng mối quan hệ đồng nghiệp của mẹ để “học ké”. Tranh thủ học bài trên lớp, thời gian rảnh em thường xuyên thay mẹ chăm sóc đứa em. “Chăm sóc trẻ bại não là một việc rất khó khăn nhưng không bao giờ em thấy phiền lòng vì đó là em mình. Nếu có được một điều ước, em sẽ ước cho em của mình được như bao đứa trẻ bình thường khác. Em may mắn có được một người mẹ tuyệt vời. Và với em chỉ bấy nhiêu thôi cũng đã là quá đủ”, Châu thổ lộ. Hiện tại, Bảo Châu đã trở thành sinh viên năm nhất Khoa Tài chính ngân hàng, Trường ĐH Tài chính Marketing. Châu luôn ao ước kiếm được nhiều tiền để lo cho gia đình, xây cho mẹ một căn nhà để không phải sống cảnh chật chội trong căn nhà của người khác.
Phan Thị Kim Liên: Ước mơ trở thành bác sĩ

Phan Thị Kim Liên

Gần gũi và cởi mở, đó là ấn tượng của bất cứ ai khi gặp Phan Thị Kim Liên, HS lớp 10 chuyên hóa Trường THPT Nguyễn Hữu Huân. Mẹ em là nhân viên tạp vụ tại Trường THPT Long Trường, ba làm nhân viên công ty lương thực, gia đình em phải cố gắng dè sẻn trong chi tiêu mới nuôi ba anh em Liên ăn học. Dù cuộc sống không khá giả nhưng ba mẹ luôn dạy các con phải sống trong sạch, gặp khó khăn không được phép đầu hàng, và muốn có cuộc sống tốt thì phải cố gắng học hành. Tiếp thu những lời dạy đó, ba anh em Kim Liên đều chăm ngoan, học giỏi để ba mẹ không phải bận tâm về mình. Bản thân em là HS giỏi trong suốt 9 năm liền. Kì thi HS giỏi cấp thành phố năm rồi, Kim Liên đã “rinh” giải nhất môn hóa học. “Em thích học môn hóa vì nó gần gũi với cuộc sống, giải thích được nhiều hiện tượng xảy ra trong tự nhiên. Em có thể dành nhiều thời gian học môn hóa mà không thấy chán. Với những môn học khác, em luôn cố gắng hiểu bài trên lớp, trao đổi với bạn bè, hỏi lại thầy cô những phần chưa hiểu…”, Liên chia sẻ về cách học của mình. Em luôn tâm niệm: học tập như một con thuyền trôi trên dòng nước ngược, nếu không tiến ắt sẽ lùi. Tương lai, em mong mình sẽ trở thành bác sĩ nhi khoa, mang kiến thức và tiến bộ khoa học chữa bệnh cho bệnh nhi nghèo.

Phó giám đốc Sở GD-ĐT Lê Hồng Sơn tặng bằng khen cho học sinh giỏi của thành phố

 
Bài, ảnh: Ngọc Anh