Thứ hai, 10/2/2014, 19h02

Khối C: Rộng “cửa” chọn ngành nghề

TS. Nguyễn Quốc Chính, Trưởng ban ĐH và sau ĐH (ĐH QG TP.HCM), giải thích về các ngành nghề của khối C cho học sinh Trường THPT Gia Định (TP.HCM)
Thời điểm này, học sinh lớp 12 ở các trường THPT và trung tâm GDTX trên toàn quốc bắt đầu tìm hiểu thông tin về ngành nghề, cách làm hồ sơ… nhằm chuẩn bị cho mùa tuyển sinh ĐH, CĐ 2014. Nhiều em còn băn khoăn trước những thông tin đa chiều về ngành học, khối thi mà mình sẽ lựa chọn.
“Nhiễu” thông tin ngành nghề
Em Võ Huyền Ngọc Trang, học sinh 12A5 Trường THPT Gia Định (TP.HCM), bày tỏ: “Em nghe nhiều người nói khối C có rất ít ngành học. Khi ra trường, các ngành khối C cũng không được nhiều nơi chào đón nên tỉ lệ thất nghiệp rất cao. Ba mẹ sau khi nghe những thông tin đó cũng không muốn em đi theo khối này nữa mà định hướng cho em sang một khối thi khác”. Vấn đề mà Ngọc Trang chia sẻ cũng là nỗi niềm chung của nhiều học sinh đang “nung nấu” thi vào khối C. Em Ngô Lê Hiếu, học sinh  lớp 12A2 Trường THPT Nguyễn Trãi (TP.HCM) tâm sự: “Em là con trai nhưng lại rất có năng khiếu về môn lịch sử, tiếp thu rất nhanh và dễ thuộc bài. Nói chung là em rất có lợi thế về khối C nhưng còn lưỡng lự chưa đưa ra quyết định cuối cùng vì em nghe nói các ngành thuộc khối này ra trường xin việc lương rất thấp. Bên cạnh đó, em lại nghe thông tin là nhiều anh chị học khối này vì lương thấp nên nghỉ việc liên tục hoặc chuyển qua học văn bằng 2 các ngành kinh tế, tài chính hay ngoại ngữ để được hưởng lương cao hơn”.
Bên cạnh những thông tin lan truyền theo kiểu “nghe người ta nói” đối với các ngành nghề thuộc khối C, thì những thành tựu, sự kiện từ các ngành kinh tế, thương mại, xây dựng nổi bật trong những năm gần đây hay mức thưởng lớn tại các doanh nghiệp cũng khiến không ít học sinh phải đặt dấu hỏi nghi ngờ. Một học sinh lớp 12C6 Trường THPT Nguyễn Trãi băn khoăn: “Những ngành thuộc khối A, B, D ra trường có thể kiếm tiền với mức lương hơn 10 triệu/ tháng, lại còn đạt được nhiều thành tích nổi bật. Còn những người theo học khối C phải mất một thời gian dài mới tìm được vị trí thích hợp với chuyên ngành, phải chăng đây là khối đòi hỏi tích lũy kiến thức lâu dài?”.
Ngoài những luồng thông tin “không chính thức trên” thì thực trạng “èo uột” của khối C trong những mùa tuyển sinh gần đây cũng đã tác động không nhỏ đến tâm lý của các em học sinh. “Hỏi bạn nào cũng thấy chọn các ngành thuộc khối A, ít hơn là khối B và D. Nếu khối thi có môn năng khiếu thưa thớt thì khối C có thể được coi là “hàng hiếm” trong số những bạn có ý định thi ĐH”, Lê Hiếu nói.
Hiểu đúng ngành, chọn đúng nghề 
Băn khoăn của nhiều em học sinh có ý định thi ĐH khối C không phải là không có lý khi đây là khối có ít ngành, ít trường để chọn hơn so với các khối A, B, D. Tuy nhiên, TS. Nguyễn Quốc Chính, Trưởng ban ĐH và sau ĐH (ĐH QG TP.HCM), phân tích: Trong thời kỳ phát triển và đa dạng hóa ngành nghề hiện nay, những nỗi lo về ngành khối C đã không còn đúng như những luồng thông tin trái chiều kia. Nếu nhìn nhận nghiêm túc, có những ngành khối C còn… “hot” hơn khối A và D rất nhiều. Nhiều em học sinh hoàn toàn không hay biết khối C có rất nhiều ngành có thể nói là “hot” như Luật Thương mại, Luật Dân sự (Trường ĐH Luật TP.HCM), văn hóa du lịch (Trường ĐH Văn hóa TP.HCM), hay các khoa sư phạm tiểu học (Trường ĐH Sài Gòn)... Những ngành này đang và dần khẳng định giá trị và vai trò của mình. Nếu các em tốt nghiệp loại khá và có kỹ năng tiếng Anh giao tiếp, kỹ năng làm việc tốt thì mức thu nhập từ 8 triệu/ tháng trở lên không phải là quá khó. Đối với nhóm ngành luật, hằng năm đều có chính sách giới thiệu các sinh viên giỏi, có trình độ tiếng Anh khá, sắp tốt nghiệp vào làm việc tại các công ty luật nước ngoài. Nhiều em khi sắp tốt nghiệp đã đi làm và có thu nhập hơn 7 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, các ngân hàng, tập đoàn lớn tuyển dụng rất nhiều ứng viên có năng lực vào các vị trí chuyên viên pháp chế với mức lương thưởng hấp dẫn. Riêng với những sinh viên tốt nghiệp ngành văn hóa du lịch cũng có rất nhiều con đường để các em chọn, như trở thành hướng dẫn viên du lịch hoặc nhân viên điều hành tour với thu nhập trung bình trên 300 USD/ tháng, một số em đã có thu nhập 500 USD hoặc thậm chí 700 USD/ tháng. Hay nhóm ngành tâm lý, ngoài việc làm cố định thời gian cho các công ty, đơn vị sự nghiệp hành chính, các em có thể nhận thêm việc ở bên ngoài với tổng thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng ngay sau khi ra trường.
“Nói như vậy để thấy rõ là rất nhiều ngành của khối C đang khát nhân lực và mức thu nhập sau khi ra trường cũng không hề thấp. Kinh tế ngày càng phát triển, hội nhập càng sâu rộng thì các doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam đầu tư càng nhiều, lượng khách quốc tế ngày càng tăng, nhu cầu về tư vấn pháp luật, hướng dẫn du lịch, tuyển dụng nhân sự của Việt Nam những năm tới là rất lớn. Nhưng cái quan trọng là các em nghĩ thế nào về ngành nghề đó. Nếu các em có đủ đam mê, đủ hiểu biết và đủ kỹ năng cần thiết cho ngành nghề mình chọn sau khi ra trường thì chắc chắn cánh cửa việc làm không còn là rào cản nữa”, TS. Chính khẳng định.
Bài, ảnh: Linh Vy
“Nhiều ngành của khối C đang khát nhân lực và mức thu nhập sau khi ra trường cũng không hề thấp. Kinh tế ngày càng phát triển, hội nhập càng sâu rộng thì các doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam đầu tư càng nhiều, lượng khách quốc tế ngày càng tăng, nhu cầu về tư vấn pháp luật, hướng dẫn du lịch… những năm tới là rất lớn...”,  TS. Nguyễn Quốc Chính, Trưởng ban ĐH và sau ĐH (ĐH QG TP.HCM), cho biết.