Thứ hai, 28/7/2014, 10h07

Kỷ niệm 67 năm Ngày Thương binh liệt sĩ (27-7-1947/ 27-7-2014): Chuyện chưa kể về liệt sĩ Võ Thị Tần

Vợ chồng ông Tửu bên đứa cháu nội Võ Hoàng Bảo Nam
Câu chuyện 10 cô gái thanh niên xung phong ở Ngã ba Đồng Lộc “đánh lạc hướng thù, hứng lấy hướng bom” đã trở thành huyền thoại bất tử và là niềm tự hào của cả dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ ác liệt. Cuộc đời của các chị tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại trong lòng người thân những ký ức tươi đẹp mà thời gian không thể xóa nhòa.
Kỷ niệm 46 năm ngày giỗ của 10 cô gái “Ngã ba Đồng Lộc” (24-7-1968/24-7-2014), chúng tôi thật may mắn khi được gặp vợ chồng ông Võ Xuân Tửu, người em của liệt sĩ Võ Thị Tần, Tiểu đội trưởng Tiểu đội 4 - C552, tại TP.HCM.
Ký ức không thể xóa nhòa
Là em trai kế nên trong gia đình, ông Tửu rất gắn bó với bà Võ Thị Tần. Hai chị em có nhiều kỷ niệm sâu sắc về tuổi thơ trong một gia đình nhiều đời làm nông trên đất lúa Can Lộc (Hà Tĩnh). Từ nhỏ hai chị em đã biết ra đồng cấy lúa để đỡ đần nỗi cực nhọc cho cha mẹ... Ông Tửu nhớ lại: “Khi tôi 16 tuổi thì chị Tần tình nguyện đi thanh niên xung phong. Dù chỉ có một đứa con gái nhưng cha mẹ tôi không hề phân vân mà đã động viên chị lên đường. Ngày mới nhập ngũ chị Tần được biên chế vào C552-P18 với nhiệm vụ bảo vệ thông suốt các tuyến đường ra mặt trận ở những nơi nguy hiểm nhất của Hà Tĩnh như phà Địa Lợi (Hương Khê), cầu Tùng Cốc và cuối cùng là Ngã ba Đồng Lộc (Can Lộc)”. Đây cũng chính là thời gian thử thách và trưởng thành của người nữ đảng viên trẻ tuổi và là Tiểu đội trưởng của Tiểu đội 4. Trong mắt các đồng đội, Tần là một cô gái cởi mở, thẳng như ruột ngựa nhưng rất cương nghị. Có lần ông Tửu đã đến đơn vị thăm chị gái: “Đơn vị chị Tần thường ở xa nhưng lần đó do đóng quân tại xã Nhân Lộc là nơi gần với Thiên Lộc gần nhà nên cha mẹ đã cho tôi lên thăm chị”. Ông Tửu cho biết, cũng giống như nhiều đội thanh niên xung phong thời đó, tiểu đội của chị Tần sống trong nhà dân và được coi như con cháu trong nhà. Có một chi tiết mà bây giờ ông Tửu mới kể là lúc lên thăm, chị Tần thường hay chọc và gán ghép ông với cô Dương Thị Xuân - một chiến sĩ trẻ cùng quê. Ông bảo lúc đó thanh niên mới lớn nên còn ngượng ngập và cô Xuân cũng đã có người để ý rồi...
Là người cùng làng nên bà Đặng Thị Hồng (vợ ông Tửu) cũng có rất nhiều kỷ niệm về 10 cô gái thanh niên xung phong ở Ngã ba Đồng Lộc, trong đó có người chị chồng. Bà Hồng nhớ lại: “Biết tin máy bay ném nhiều đợt bom xuống Ngã ba Đồng Lộc, nơi 10 cô gái bảo vệ tuyến đường 15A, cha tôi cùng với một người hàng xóm rủ nhau đi bộ đến tận nơi để hỏi thăm tin tức và cả hai người vô cùng đau khổ khi biết tin không còn ai sống sót dưới căn hầm bị đất đá vùi sâu”.
Tiểu đội trưởng anh hùng
Theo lời kể của ông Tửu, mẹ ông sinh được 4 cô con gái nhưng 3 người đã mất từ khi còn nhỏ nên bao nhiêu tình thương yêu của cha mẹ đều dành hết cho chị Tần. Khi nghe tin dữ con gái bị bom vùi trong đất hai ông bà đều như ngây dại, nhiều đêm nằm xót xa khóc ướt cả gối. Cũng vì quá thương con mà bao nhiêu áo quần, tư trang của con ông bà đều đốt hết không muốn để lại một thứ gì vương vấn. Chỉ có tờ giấy báo tử gần một tháng sau trên xã đưa về cùng với bức thư chị Tần gửi mẹ, gia đình mới giữ lại. “Mỗi khi đọc lại những dòng chữ trong thư chị Tần gửi: “Ở đây vui lắm mẹ ạ! Ban đêm chúng nó thắp đèn để chúng con làm đường, ban ngày chúng đem bom giết cá để chúng con cải thiện. Bom đạn của chúng có thể làm rung chuyển núi rừng nhưng không thể làm rung chuyển trái tim chúng con...” là tim mẹ tôi như đau thắt lại và đến lúc này bà mới thấy được ánh hào quang rạng ngời trên mỗi gương mặt kiên cường của 10 cô gái, trong đó có con gái yêu quý của mình. Nỗi buồn mất con chưa kịp nguôi ngoai thì hơn một tháng sau, mẹ cũng bỏ chúng tôi ra đi vì một loạt bom Mỹ trúng vào nhà khi bà đang phơi thóc”, ông Tửu nói.
Ông Tửu sau đó rời mảnh đất nghèo khó ra học Trung cấp Hàng hải (Hải Phòng) để trở thành cán bộ ngành giao thông vận tải nối bao chuyến hành trình từ Bắc vào Nam của đường Hồ Chí Minh trên biển...
Nhớ về người chị gái, vợ chồng ông Tửu không thể nào quên một người suốt nhiều năm nặng tình nặng nghĩa cùng gia đình, đó là ông Nguyễn Đức Hồng - người yêu của chị mình. Tuy chưa có một đám cưới đầy đủ nghi thức nhưng gia đình ông Tửu đã coi ông Hồng như con rể trong nhà. “Ngày trở về từ đảo Cồn Cỏ, đứng trước nấm mộ người vợ chưa cưới giữa đồi sim, anh Hồng đã khóc rất nhiều, trên tay còn giữ lọn tóc thề buổi ra đi. Gia đình tôi ai cũng quý anh Hồng vì sống có tình có nghĩa ngay cả khi anh đã có gia đình riêng. Lần cất mộ chị Tần từ Xuân Lộc về nghĩa trang chính anh Hồng là người trực tiếp đưa hài cốt vào tiểu sành. Anh muốn làm mọi điều để chị Tần dù đã mất vẫn vui lòng chứ không có một điều gì phải ân hận”, ông Tửu cho biết. Có lẽ chính vì vậy mà có rất nhiều câu chuyện về mối tình đẹp đẽ của người con gái thanh niên xung phong Võ Thị Tần và anh bộ đội Nguyễn Đức Hồng trước khi lên đường ra mặt trận được vợ chồng ông Tửu nhớ từng chi tiết và ngồi kể vanh vách dù thời gian đã lùi xa gần nửa thế kỷ.
Bài, ảnh: Ngọc Quang
“Mỗi khi đọc lại những dòng chữ trong thư chị Tần gửi: “Ở đây vui lắm mẹ ạ! Ban đêm chúng nó thắp đèn để chúng con làm đường, ban ngày chúng đem bom giết cá để chúng con cải thiện. Bom đạn của chúng có thể làm rung chuyển núi rừng nhưng không thể làm rung chuyển trái tim chúng con...” là tim mẹ tôi như đau thắt lại, đến lúc này bà mới thấy được ánh hào quang rạng ngời trên mỗi gương mặt kiên cường của 10 cô gái, trong đó có con gái yêu quý của mình”, ông Tửu nói.