Thứ sáu, 26/12/2014, 10h12

Lựa chọn hướng đi đúng

HS Trường THPT Đức Trí điền thông tin vào phiếu khảo sát ngành nghề
Vừa qua, chương trình tư vấn hướng nghiệp “Đúng ngành nghề - Sáng tương lai” do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức tiếp tục diễn ra tại Trường THPT Đức Trí với hàng trăm học sinh tham dự.
Ngay sau khi kết thúc phần tư vấn chung về các ngành thuộc nhóm kỹ thuật - công nghệ, kinh tế - quản trị, kiến trúc - mỹ thuật…, rất nhiều HS liên tiếp gửi câu hỏi “chất vấn” các thành viên trong Ban tư vấn.
Ngành dược: Phải biết chọn hướng đi
Em Vũ Trần Bảo Ân (học lớp 12A7) bày tỏ băn khoăn như sau: “Em có ý định thi vào ngành dược nhưng nghe nói ngành này rất khó xin việc làm. Ba mẹ em nói học ngành này ra kinh doanh tiệm thuốc là dễ dàng nhất, trong khi bản thân em lại muốn đi sâu vào việc nghiên cứu và bào chế thuốc. Liệu em có thể thực hiện được ý định đó nếu kiên quyết lựa chọn hướng đi của mình?”. Câu hỏi của Bảo Ân cũng chính là sự băn khoăn của nhiều HS đang có ý định thi vào ngành dược bởi thực tế đã có rất nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp không xin được việc làm, tự bỏ vốn mở tiệm bán thuốc. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đã có nhiều tín hiệu cho thấy đây sẽ là ngành có cơ hội phát triển và cần nhiều nhân lực trong tương lai.
Ông Trần Anh Tuấn, quyền Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, nhìn nhận: Ngành dược hiện đang rơi vào tình trạng phân bố nhân lực không đồng đều giữa các vùng miền, lĩnh vực mà cụ thể là tập trung quá nhiều vào lĩnh vực kinh doanh, phân phối sản phẩm dược. Trên thực tế, ngành dược hiện đang thiếu nhân lực ở tất cả các trình độ, nhất là trình độ ĐH. Đầu năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam (giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030) về sản xuất thuốc và nhu cầu nguyên liệu phục vụ cho sản xuất thuốc trong nước. Ngành công nghiệp dược Việt Nam hiện nay mới chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu sử dụng thuốc tân dược của người dân, và 50% còn lại phải nhập khẩu từ nhiều quốc gia khác. Đó là chưa kể nguồn nguyên liệu đầu vào và các hoạt chất để sản xuất thuốc phải nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ. Việt Nam có khoảng 180 doanh nghiệp dược phẩm nhưng mới chỉ tập trung sản xuất các dòng thuốc phổ biến có giá rẻ, phân khúc thị trường hạn hẹp, những sản phẩm có giá trị cao đều do các doanh nghiệp nước ngoài chiếm lĩnh, người nghèo vẫn phải bỏ tiền mua thuốc nhập ngoại với giá cao. Chính vì thế, đất nước đang rất cần những dược sĩ có trình độ, có tay nghề cao, tận tâm và có đam mê nghiên cứu, bào chế ra các loại thuốc có tác dụng chữa trị các căn bệnh khó chữa, buộc phải nhập khẩu thuốc như hiện nay.
“Nhiều người cho rằng học dược là để đi bán thuốc, tôi cho đó là quan điểm hết sức sai lầm. Công việc của dược sĩ là công tác ở các cơ sở y tế, bệnh viện, các đơn vị sản xuất dược phẩm… Kinh doanh dược phẩm chỉ là một hướng đi rất nhỏ của những dược sĩ. Vì vậy, việc các em quyết tâm chọn cho mình hướng đi theo số ít và rèn luyện chuyên môn, kỹ năng để phục vụ cho hướng đi đó là điều rất cần thiết cho sự phát triển của đất nước và cho chính bản thân các em”, ông Tuấn khẳng định.
Muốn làm việc tốt phải có sức khỏe
“Đất nước đang rất cần những dược sĩ có trình độ, có tay nghề cao, tận tâm và có đam mê nghiên cứu, bào chế ra các loại thuốc có tác dụng chữa trị các căn bệnh khó chữa, buộc phải nhập khẩu thuốc như hiện nay”, ông Trần Anh Tuấn, quyền Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, nói.
Cũng liên quan đến lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, em Lê Hải Anh (học lớp 12A3) hỏi: “Ngành kỹ thuật xét nghiệm y học có đòi hỏi về vấn đề sức khỏe hay không? Hiện nay những trường nào đào tạo ngành này?”. Giải đáp câu hỏi này, ông Trần Từ Duy, Trưởng phòng Hướng nghiệp - Việc làm ĐHQG TP.HCM, khẳng định: Bất cứ một công việc nào cũng yêu cầu phải có sức khỏe tốt để thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ. Ngành kỹ thuật xét nghiệm tuy không đòi hỏi người làm việc phải dùng sức lực nhiều nhưng do thường xuyên phải tiếp xúc với hóa chất, các vật phẩm của người bệnh nên những người làm công việc này phải có sức khỏe ổn định, có sức đề kháng tốt để thích nghi với việc phân tích và đánh giá kết quả trên mẫu vật phẩm.
“Để theo học ngành này, các em cần phải có những tố chất cơ bản như giỏi về các môn tự nhiên (nhất là sinh, hóa); cẩn thận, tỉ mỉ, ham học hỏi; chịu được áp lực cao và không ngại làm việc trong mọi hoàn cảnh. Hiện có khá nhiều trường đào tạo ngành kỹ thuật xét nghiệm y học với nhiều tên ngành gần giống nhau như Trường ĐH Y dược TP.HCM, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Khoa Y ĐHQG TP.HCM, Trường ĐH Hồng Bàng…”, ông Duy cho biết.
Bài, ảnh: Linh Vy
Những tố chất nào phù hợp với ngành tâm lý học?
ThS. Trần Hải Nam, Phó trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho biết: Ngành tâm lý học phù hợp với những người có tố chất cởi mở, kiên nhẫn, chịu được áp lực cao trong công việc; biết cách lắng nghe, thấu hiểu và chia sẻ cảm xúc từ người khác; có năng khiếu giao tiếp, thuyết phục, thích khám phá thế giới nội tâm bí ẩn và đam mê trong lĩnh vực tâm lý. Những trường có đào tạo ngành này là: ĐH KHXH&NV TP.HCM, ĐH Sư phạm TP.HCM, ĐH Công nghệ TP.HCM, ĐH Văn Hiến...
 
 
Không nên lo lắng khi thay đổi khối thi
Trước nhiều thông tin về việc thay đổi môn thi trong khối thi truyền thống sẽ được tổ chức tại kỳ thi THPT quốc gia sắp tới, ông Trần Từ Duy, Trưởng phòng Hướng nghiệp - Việc làm ĐHQG TP.HCM, cho biết: Theo dự thảo quy chế tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, những trường ĐH, CĐ nếu thay đổi các khối thi truyền thống, các tổ hợp môn thi đã sử dụng để xét tuyển đều phải báo cáo Bộ GD-ĐT và thông báo công khai trên trang thông tin điện tử của trường, các phương tiện thông tin đại chúng trước ít nhất 3 năm. Những trường sử dụng nhiều tổ hợp môn thi để xét tuyển cho một ngành hoặc nhóm ngành phải dành ít nhất 75% chỉ tiêu của ngành hoặc nhóm ngành đó để xét tuyển cho các tổ hợp môn thi tương ứng với các khối thi trước đây; 25% chỉ tiêu còn lại dành cho các khối thi mới. Do đó, các em không nên quá lo lắng trước sự thay đổi này.