Thứ năm, 18/9/2014, 20h09

Muốn thành công phải “lăn lộn”

SV đặt câu hỏi cho đại diện các doanh nghiệp tại chương trình

Vừa qua, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM đã tổ chức chuỗi workshop - kết nối trực tuyến giữa doanh nghiệp và sinh viên (SV). Đây là một trong những hoạt động trọng tâm của chương trình “Tự tin vào đời” với hàng ngàn SV tham gia. Tại hoạt động này, SV đã được đại diện các doanh nghiệp chia sẻ về những kỹ năng cần có của các ngành nghề, đặc biệt là ngành nhân sự, kế toán - kiểm toán…
Để có việc làm tốt, theo đại diện các doanh nghiệp, SV phải tự tích lũy cho mình nhiều kỹ năng, trong đó có tác phong, cách ăn mặc… Ông Trần Đặng Dũng, quản lý dịch vụ tài chính Ernst & Young Việt Nam, cho hay: “Ngoài nền tảng kiến thức, vẻ đẹp cũng là tiêu chí quan trọng của nhà tuyển dụng. Vẻ đẹp ở đây chính là cách ăn mặc, tác phong, những hành động biết chăm chút bản thân. Các bạn trẻ cần lưu ý là làm việc trong ngành kế toán - kiểm toán sẽ gặp nhiều khó khăn, nếu không có niềm đam mê thì chỉ trong một thời gian ngắn sẽ rút lui”.
Mặc dù làm việc ở bất cứ lĩnh vực nào cũng gặp khó khăn nhưng theo các chuyên gia, chỉ cần SV có đam mê thì sẽ thành công. Bà Hoàng Thị Thái Hà, Giám đốc khu vực Đông Dương FTMS Global Academy, cho biết: “SV ngày nay rất năng động nhưng lại dễ chán. Vì thế, các bạn phải thường xuyên đổi mới mình, đừng phụ thuộc vào người khác và nên tự tạo niềm đam mê riêng. Một SV nếu chịu khó học hỏi, “lăn lộn” với công việc thì chỉ cần 10 năm là có thể vươn tới những vị trí cao cấp”.
Bà Thái Hà cũng đưa ra các lưu ý cho SV trong quá trình xin việc làm: “Các bạn nên đọc kỹ yêu cầu vị trí tuyển dụng trước khi nộp hồ sơ, thử xem vị trí đó cần bao nhiêu năm kinh nghiệm rồi tự đánh giá mình. Thường SV kế toán - kiểm toán khó kiếm được việc làm thêm bởi đây là lĩnh vực quan trọng và không một công ty nào mạo hiểm để giao cho một người đang ngồi trên ghế nhà trường”.
Đối với lĩnh vực nhân sự, bà Lê Thị Đoan Trinh, quản lý phòng nhân sự ILA Việt Nam, cho rằng kỹ năng giao tiếp là yếu tố đặc biệt cần thiết cho ngành. Bà Đoan Trinh chia sẻ: “Những sở thích hàng ngày như chơi thể thao, đọc sách, xem phim, giao tiếp rộng (nói trước đám đông, bắt chuyện với người khác, đàm phán…) sẽ giúp cho SV có nhiều kỹ năng trong nghề nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực nhân sự. Ngoài ra, việc đi du lịch cũng là một trong những nhân tố giúp các bạn đến gần hơn với nghề nhân sự bởi càng đi nhiều, gặp gỡ nhiều người, am hiểu văn hóa nhiều vùng đất thì sẽ biết cách giao tiếp khéo léo giữa người với người - điều cốt yếu của nghề nhân sự”.
Bài, ảnh: Minh Châu