Thứ hai, 11/8/2014, 06h08

Nâng cao khả năng tư duy cho học sinh

Giáo viên cần xây dựng kế hoạch dạy học kỹ trước khi lên lớp
Những năm gần đây, Bộ GD-ĐT đã chú trọng đổi mới toàn diện giáo dục, nâng cao khả năng tư duy, tìm tòi sáng tạo cho học sinh (HS). Vậy nhưng, qua các bài kiểm tra, đánh giá cho thấy HS vẫn còn thụ động trong việc khám phá tri thức.
Thụ động trong tiếp nhận tri thức
Gần đây dư luận xôn xao với bài toán “đầu cừu, đuôi thuyền trưởng” (trang 63, sách bài tập toán lớp 2). Bài toán có nội dung như sau: “Trên tàu có 45 con cừu, 5 con bị rơi xuống nước. Hỏi ông thuyền trưởng bao nhiêu tuổi?”. Bên cạnh câu hỏi, còn có phần gợi ý giải và đáp án trong sách ghi rõ là “không giải được vì đề toán sai”.
Rõ ràng đề yêu cầu sai nhưng khi chúng tôi khảo sát khoảng 20 HS lớp 2 đang học tại một số trường tiểu học trên địa bàn quận Bình Thạnh (TP.HCM) thì hầu hết các em đưa ra đáp án “ông thuyền trưởng 40 tuổi”. Vấn đề ở đây là bài toán được đánh dấu (*), tức là bài toán khó nhằm nâng cao năng lực nhận thức và kỹ năng phát hiện vấn đề của HS (rèn luyện kỹ năng đọc đề, suy nghĩ trước khi làm bài), nhưng ngay khi nhận được đề, HS vẫn cắm cúi giải. Điều này, chứng tỏ các em HS vẫn còn thụ động, rập khuôn trong quá trình tiếp nhận kiến thức.
HS ở lứa tuổi cao hơn (bậc THCS và THPT), qua các bài kiểm tra đánh giá tư duy logic, sáng tạo, vốn sống cũng cho thấy có không ít em thụ động, lúng túng trong cách giải quyết vấn đề. Chẳng hạn, những năm gần đây, Sở GD-ĐT TP.HCM đã có nhiều đổi mới trong việc ra đề thi tuyển sinh vào lớp 10, đặc biệt là môn văn để kiểm tra kỹ năng đọc hiểu của HS. Tuy nhiên, theo nhiều giáo viên, các em vẫn còn lúng túng trước những câu hỏi thuộc về văn nghị luận xã hội. Cô Trần Thị Mộng Vân, Tổ trưởng bộ môn văn của Trường THCS Lạc Hồng (Q.10), chia sẻ: “Trong quá trình chấm thi tuyển sinh vào lớp 10, tôi thấy HS nắm vững lý thuyết nhưng ở các câu hỏi mở đòi hỏi khả năng tư duy, sáng tạo thì các em thường lúng túng khi giải thích và bàn luận vấn đề. Nguyên do chủ yếu là các em thiếu liên hệ thực tiễn, vốn sống quá ít”.
Nói về việc thiếu liên hệ thực hành thực tiễn, dẫn đến những hạn chế trong khả năng khám phá, trong một hội thảo về phát triển khả năng khám phá, nghiên cứu khoa học cho HS, TS. Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐHQG TP.HCM, đã phân tích: “Hiện nay, cách dạy và học ở bậc phổ thông vẫn nặng tính hàn lâm, lý thuyết, thiếu thực hành, thực tiễn. Chương trình phổ thông các nước khác không nặng hơn về số giờ học so với Việt Nam nhưng lại phong phú, chú trọng nhiều đến thực hành và ứng dụng hơn. Qua đó HS có nhiều điều kiện để làm thí nghiệm và tiếp cận với thực tiễn hơn”.
Giảm thuyết trình, thuyết giảng
Muốn đáp ứng nhu cầu đổi mới, phát triển kỹ năng khám phá, tư duy logic cho HS thì trong quá trình dạy học, HS phải được đóng vai trò trung tâm, tự tìm kiếm tri thức, còn giáo viên là người giữ vai trò hướng dẫn, gợi ý, tổ chức giúp người học tìm kiếm tri thức.
ThS. Mai Mỹ Hạnh, giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, khẳng định: “Giáo viên cần giảm bớt tính thuyết trình, diễn giải. Thay vào đó là tăng cường dẫn dắt, điều khiển, tổ chức nhằm phát huy năng lực tư duy, phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề của HS, giúp các em chủ động hơn trong học tập. Bên cạnh đó, giáo viên cần phải biết vận dụng nhiều phương pháp giảng dạy một cách linh hoạt tùy theo nội dung từng phần, từng chương, từng bài; xây dựng được những tình huống có vấn đề, tổ chức đa dạng các hoạt động khám phá để các em HS lĩnh hội được tri thức”.
Để thực hiện điều này, ThS. tâm lý giáo dục Trần Chí Vĩnh Long (giảng viên Trường ĐH Tài chính Marketing TP.HCM), cho rằng vấn đề xây dựng kế hoạch dạy học có vai trò quan trọng trong việc tăng cường khả năng khám phá, tư duy logic của HS. ThS. Long phân tích: “Chương trình sách giáo khoa là phần cứng nhưng kế hoạch dạy học phải mềm mại, linh hoạt để giảm bớt các bài, phần kiến thức khó không phù hợp với HS hoặc tăng thời gian cho những bài, kiến thức quan trọng. Hơn nữa, không có phương pháp dạy học nào là vạn năng, phương pháp nào cũng cần được sử dụng đúng liều lượng, phù hợp với nội dung, tính chất của bài học và HS. Ngoài ra, giờ học không được xây dựng kế hoạch kỹ trước khi lên lớp thì việc giáo viên sử dụng trang thiết bị, phương tiện, tài liệu dạy cũng như HS chuẩn bị dụng cụ học tập cho việc học sẽ không hợp lý dẫn đến giảm khả năng khám phá của các em…”.
Bài, ảnh: Minh Châu
“Giáo viên cần giảm bớt tính thuyết trình, diễn giải. Thay vào đó là tăng cường dẫn dắt, điều khiển, tổ chức nhằm phát huy năng lực tư duy, phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề của HS, giúp các em chủ động hơn trong học tập...”, ThS. Mai Mỹ Hạnh, giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nói.