Thứ năm, 12/11/2009, 09h11

Người bạn của trẻ bất hạnh

Đức cùng các bạn trong nhóm “Lửa yêu thương” trong một lần đến thăm các em nhỏ tại Trung tâm Bảo trợ trẻ mồ côi tàn tật Thị Nghè

Nhắc đến hoạt động VHVN, TDTT của Trường Đại học Văn Hiến không ai là không biết đến bạn Phạm Công Đức - sinh viên năm cuối Khoa Ngữ văn của trường… Không chỉ đầy nhiệt huyết trong hai lĩnh vực này, Đức còn là cánh chim đầu đàn của nhóm “Lửa yêu thương”.
Trước đây, nhóm “Lửa yêu thương” hoạt động chủ yếu dựa trên tinh thần tình nguyện vì cộng đồng có mục đích là hỗ trợ sách, học bổng cho các bạn sinh viên nghèo trong trường. Nhưng về sau, dưới sự dẫn dắt của Đức, nhóm đã “lấn sân” sang các hoạt động khác như giúp đỡ trẻ em mồ côi, những cảnh đời khó khăn trong xã hội…                                                                                                                                                                                                                 
Khi được hỏi lý do lập nhóm “Lửa yêu thương”, Công Đức đã trả lời: “Mình rất may mắn vì được sinh ra và lớn lên trong vòng tay che chở của gia đình, giờ mình muốn chia sẻ hạnh phúc cho những người có cảnh đời khó khăn hơn. Từ ý tưởng đó, mình kêu gọi những bạn có chung suy nghĩ thành lập nhóm”. Lúc mới thành lập nhóm, Đức đã gặp rất nhiều khó khăn như thành viên ít, kinh phí hoạt động còn thiếu cộng thêm việc liên hệ với những nơi mà nhóm muốn đến giúp đỡ còn khó. Nhưng cuối cùng dưới sự dẫn dắt của Đức cùng với sự giúp sức của mọi người nhóm “Lửa yêu thương” đã hoạt động tốt hơn. Hiện nay, Trung tâm Bảo trợ trẻ em mồ côi tàn tật Thị Nghè ở Bình Thạnh là nơi mà nhóm hoạt động thường xuyên mỗi tuần. Ngoài ra vào những dịp lễ, tết Đức cùng với các thành viên trong nhóm đến Trường Tình thương Vinh Sơn, nơi tụ họp của gần 150 em có hoàn cảnh khó khăn ở Bình Thạnh để tặng quà cho những em có hoàn cảnh khó khăn. Hiện nay để có kinh phí hoạt động, Đức đã nghĩ ra nhiều cách để kiếm kinh phí duy trì nhóm như: chiếu phim trong trường, bán hoa vào các ngày lễ, hát ở Trung tâm Văn hóa quận 10… Đức tâm sự: “Lúc đầu tiếp xúc với những trẻ em thiểu năng trong Trung tâm Bảo trợ trẻ mồ côi tàn tật Thị Nghè tôi đã rất sợ, nhưng sau vài lần tiếp xúc với chúng tôi lại cảm thấy yêu thương chúng. Bên cạnh đó còn muốn chia sẻ giúp đỡ các cô, các bác đang làm trong trung tâm. Sau mỗi lần đến chơi với chúng, tôi đều cảm thấy vui vẻ hơn và nghĩ mình đã làm được một việc có ích cho xã hội”. Không chỉ biết đến là một người có lòng thương trẻ, Đức còn được biết đến với tư cách là một lớp trưởng suốt 4 năm liền, rất được các bạn trong lớp yêu quý.
Nguyễn Nhung