Thứ hai, 8/2/2010, 09h02

Những “hạt ngọc” mùa Xuân

Nghiên cứu khoa học đã trở thành “hơi thở và sự sống”, của tập thể những nhà khoa học trẻ Phòng Thí nghiệm Tế bào gốc thuộc Trường Đại học KHTN (ĐHQG TP.HCM). Họ có thể không giàu về vật chất, nhưng những thành tựu trong nghiên cứu khoa học và đào tạo của họ đã góp phần không nhỏ cho nền khoa học công nghệ nước nhà.

Giá trị của tuổi trẻ
Đứng đầu Phòng thí nghiệm (PTN) và là “Người Cha” kính trọng của lớp cán bộ khoa học trẻ là Th.S Phan Kim Ngọc. Thầy cho biết: “Công nghệ tế bào gốc đã được thế giới nghiên cứu, ứng dụng thành công trong y học từ nhiều năm qua! Với Việt Nam, đây còn là một ngành khoa học non trẻ. Theo kinh nghiệm của thế giới, muốn phát triển công nghệ này, trước hết quốc gia đó phải có tiềm lực kinh tế mạnh, có nền khoa học tiên tiến. Thứ đến phải có đội ngũ các nhà khoa học giỏi về chuyên môn và tâm huyết. Dĩ nhiên Việt Nam còn thiếu điều kiện thứ nhất, còn điều kiện thứ hai cũng mới ở giai đoạn khởi đầu”. Vậy mà Trường ĐH KHTN và ĐHQG TP.HCM đã quyết tâm đầu tư một phòng thí nghiệm với những thành công ban đầu đã ghi được tên mình trên bản đồ thế giới về lĩnh vực tế bào gốc. Với công nghệ mới này, các nhà khoa học khắp thế giới đã trị liệu thử nghiệm thành công hơn 60 căn bệnh hiểm nghèo (kể cả một số bệnh ung thư). Các kết quả thử nghiệm nói trên đã tạo ra những hướng điều trị mới, được gọi là y học tái sinh, hay y học phục hồi, như có thể tái tạo mô tim mới nếu quả tim bị tổn thương… và ngành sinh dược phẩm. Ngoài lĩnh vực trị bệnh ở người, công nghệ này còn có thể tạo dược phẩm quý, vật nuôi sạch, bảo tồn động vật quý hiếm, làm ra thực phẩm chức năng. Gần đây với các kết quả nghiên cứu nổi bật như đi tiên phong trong việc thu nhận, tăng sinh, bảo quản tế bào gốc (thu nhận từ chuột và từ máu cuống rốn người, mô mỡ người, tủy xương người, da người, máu kinh nguyệt người…). Các tế bào gốc nói trên đã được PTN biệt hóa thành công tạo ra các tế bào có chức năng sinh lý, làm nền tảng cho việc ứng dụng liệu pháp tế bào gốc trên bệnh nhân (tế bào tiết insulin, tế bào thần kinh, tế bào mỡ, sụn, xương, cơ tim, nguyên bào sợi…). Song song với các nghiên cứu cơ bản, các nghiên cứu điều trị lâm sàng và cận lâm sàng cũng được PTN triển khai: Đồng chủ nhiệm với Trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch (PGS.TS.BS.Trần Công Toại), kết hợp với Viện Mắt TP.HCM thực hiện đề tài điều trị bệnh nhãn khoa bằng tế bào gốc tự thân. Ngoài ra PTN còn phối hợp với Viện 175 thử nghiệm trị bỏng và thẩm mỹ, cùng với Ngân hàng Tế bào gốc MekoStem để phân loại và định danh tế bào gốc, phục vụ khách hàng và các bệnh nhân. Các nghiên cứu cận lâm sàng đã được PTN tiến hành thành công trên mô hình chuột bệnh lý: Điều trị bệnh suy tủy bằng phương pháp ghép tủy xương, tế bào gốc trung mô; điều trị bệnh tiểu đường bằng cách ghép tế bào gốc, tế bào tiết insulin; điều trị bệnh gãy xương, suy thoái xương bằng tế bào gốc; điều trị giải phẫu thẩm mỹ trên mô hình chuột bằng tế bào gốc tạo mỡ, tạo các khối mô mỡ, tạo lông; điều trị loét da, bỏng da bằng cách ghép tế bào gốc từ tủy xương, da; sụn, xương nhân tạo bằng công nghệ tế bào gốc… PTN tế bào gốc ĐH KHTN đã bước đầu cùng với các viện, trường, bệnh viện trên cả nước góp phần khẳng định tiềm năng và khát vọng của công nghệ sinh học Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Khát vọng được cống hiến
Nguyễn Thị Thương Huyền tự nhận mình là người “già” thứ hai (sau thầy Ngọc) của PTN, cũng mới ở tuổi 32 nhưng đã có thời gian bảy năm gắn bó với phòng. Vừa là giảng viên Khoa Sinh, Trường ĐHSP TP.HCM vừa làm công tác tại PTN. Niềm vui đã đến, khi Huyền được nhận danh hiệu “Giảng viên trẻ tiêu biểu TP.HCM năm 2009”. Huyền cho biết: “Đạt được danh hiệu này đối với Huyền là một bất ngờ, vì thực sự bản thân chẳng bao giờ nghĩ đến danh hiệu này. Do tôi là một giảng viên trẻ nên luôn xác định cố gắng học tập, trau dồi kiến thức để tự tin khi đứng trên bục giảng”.

Nguyễn Thị Thương Huyền

 
Quê gốc tỉnh Thái Bình, Lê Thành Long trước khi trở thành cán bộ của PTN đã chấp nhận “phá rào” khi không nghe lời cha. Vì cha khuyên sau khi tốt nghiệp THPT nên thi vào ĐHSP, do công việc ổn định và sống gần gia đình nhưng từ khi đang học phổ thông, môn sinh đã “hút hồn” Long. Bây giờ, được làm việc trong môi trường năng động và dù còn phải ở trọ, Long thấy hài lòng với sự lựa chọn của mình. Nhớ lại lần nghiên cứu thành công “động vật chuyển gen”, Long xúc động kể: “Loay hoay chỉnh kính cho đúng sóng một hồi, chúng tôi hồi hộp xem kết quả sau nhiều đêm làm việc vất vả, rồi gần như sung sướng đến phát điên khi thấy cá ngựa vằn phát ra ánh sáng màu xanh lục. Chứng kiến con cá phát sáng đang tung tăng bơi lội trên màn hình, tất cả ôm chầm lấy nhau trong hạnh phúc”. Bạn Trương Hải Nhung, một cán bộ trẻ, năng động của PTN tâm sự: “Được ra nước ngoài, tham quan và cùng nghiên cứu về Tế bào gốc với các bạn quốc tế, nhìn thấy PTN của họ có rất nhiều máy móc hiện đại nhưng không ngăn nắp, sắp xếp lộn xộn. Nhân viên không nhiều và khi làm việc thì phải làm theo ý tưởng, kế hoạch của Trưởng PTN. Đây có thể là sự khác biệt của họ với Việt Nam. ở PTN Tế bào gốc của tôi, mọi người trong phòng đoàn kết thương yêu nhau như ruột thịt, còn trong công việc là sự thống nhất và giúp đỡ lẫn nhau”.

Lê Thành Long

Trương Hải Nhung

 
Làm Phó trưởng phòng khi mới 25 tuổi đời nhưng những kiến thức về Tế bào gốc cũng như kinh nghiệm trong nghiên cứu khoa học của Phạm Văn Phúc được thầy Ngọc và các cán bộ trong phòng tin tưởng. Sinh ra tại Bình Định, khi đang học THPT Phúc đã là học sinh giỏi môn sinh học của tỉnh và đạt giải ba cấp quốc gia năm 2000. Đây là một thuận lợi lớn giúp bạn tự trang bị kiến thức về môn sinh mà không phải bạn nào cùng trang lứa cũng có được may mắn này. Sau khi được tuyển thẳng vào trường ĐH KHTN, Phúc gặp thầy Ngọc và vào làm tại PTN của thầy. Trong nghiên cứu khoa học các bạn trẻ như Huyền, Long, Nhung, Phúc dù chỉ đóng góp một phần nhỏ công sức nhưng được những người thầy chấp nhận. Theo các bạn, đó cũng chính là những thứ đã níu chân sinh viên ở lại với trường.

Phạm Văn Phúc

 
Lê Quang huy
Theo PGS. TS Trần Linh Thước, Phó hiệu trưởng Trường ĐH KHTN, phụ trách Khoa học- Công nghệ và Quan hệ quốc tế: “Trong 2 năm thành lập, PTN đã có khoảng 100 bài báo tham gia các Hội nghị trong nước và quốc tế; xuất bản một số sách, giáo trình phục vụ dạy và học cho đông đảo sinh viên đại học và sau đại học. PTN có gần 70 nhà khoa học trẻ, “đầu đàn” là thầy Phan Kim Ngọc, hiện tại phòng có 4 tiến sĩ, 20 nghiên cứu sinh tại nước ngoài và năm 2010 có 7 người bảo vệ luận án tiến sĩ trong và ngoài nước. Những thành công bước đầu của PTN đã khẳng định việc “trân trọng những tài năng trẻ” một cách khoa học của lãnh đạo nhà trường”.