Thứ sáu, 20/3/2015, 09h03

Ôn thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2015: Bám sát nội dung chương trình học

HS Trường THPT Nhân Việt khá thoải mái trước kỳ thi THPT quốc gia sắp tới
Đến thời điểm này, hầu hết các trường THPT tại TP.HCM đã lên kế hoạch ôn tập, giúp học sinh (HS) ổn định tâm lý trước kỳ thi THPT quốc gia sắp tới.
Chủ động cho HS đăng ký môn tự chọn
Năm học 2014-2015 là năm đầu tiên áp dụng một kỳ thi THPT quốc gia cho hai mục đích nên các trường THPT tại TP.HCM đều rất thận trọng khi triển khai thực hiện. Ông Bùi Gia Hiếu, Hiệu trưởng Trường THPT Nhân Việt, cho biết ngay khi Bộ GD-ĐT công bố dự thảo và lấy ý kiến cho kỳ thi THPT quốc gia, trường đã tổ chức cho HS đăng ký các môn thi tự chọn để lên kế hoạch bố trí giáo viên, phân lớp nhằm thuận tiện cho việc ôn tập. Theo đó, trường có 120 HS lớp 12 với tỉ lệ chọn các môn tự chọn như sau: lý 33,7%, hóa 40,8%, sinh 6,1%, địa 14,3% và sử 3,1%. Ngoài ra, trường cũng thành lập trung tâm khảo thí gồm nhiều giáo viên bộ môn có kinh nghiệm để định hướng ôn tập và biên soạn ngân hàng, ma trận đề thi. Các đề thi chủ yếu được biên soạn chủ yếu dựa theo cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT xen lẫn một số câu hỏi trong đề thi ĐH, CĐ trước đây. “Trên thực tế, ngay từ năm lớp 11, trường đã tạo điều kiện cho HS tập làm quen với các dạng đề thi tốt nghiệp THPT và một số câu hỏi trong đề thi ĐH, CĐ phù hợp với năng lực các em. Vì thế, khi lên lớp 12, bài tập dành cho các em được ra theo hướng quen thuộc, gần gũi và tập trung vào các kỹ năng làm bài cơ bản”, ông Hiếu nói.
Tương tự, Trường THPT Bùi Thị Xuân cũng tổ chức cho HS đăng ký môn thi tự chọn xét tốt nghiệp và khối thi chính của các em ngay sau khi Bộ GD-ĐT ban hành quy chế thi chính thức. Ngoài 3 môn thi chính là toán, văn và ngoại ngữ, số HS đăng ký các môn thi tự chọn như sau: lý 340 em, hóa 166 em, sinh 92 em. Hai môn có số HS chọn thấp nhất là địa và sử với 9 em/môn. Ông Nguyễn Hùng Khương, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Trường đã thống kê số liệu và tiến hành sắp xếp lớp để HS bắt đầu ôn tập. Do có lợi thế là trường học 2 buổi nên các giáo viên có nhiều thời gian để tổ chức vừa học, vừa ôn tập cho HS mà vẫn đảm bảo đúng tiến độ chương trình. Bắt đầu từ ngày 16-3, trường đã tổ chức tăng cường giờ ôn tập cho HS. Hiện các tổ bộ môn đang tiến hành họp để lên kế hoạch, nội dung chương trình ôn tập sao cho phù hợp. “Do năng lực học tập tốt, nhiều HS đăng ký vào các trường ĐH thuộc tốp trên nên chủ trương của trường là ôn tập cho các em theo hướng nâng cao, tiếp cận các dạng bài tập khó để làm quen dần với các dạng đề thi. Năm nay có một điểm thuận lợi là thí sinh đăng ký trường ĐH, CĐ sau khi đã biết kết quả thi, thời gian dành cho việc ôn tập và chuẩn bị lại khá dài nên các giáo viên sẽ tập trung ôn tập nâng cao để HS phát huy kết quả cao nhất trong kỳ thi, tạo đà thuận lợi cho việc đăng ký trường ĐH, CĐ sau này”, ông Khương chia sẻ.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thu Cúc, Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định, cho hay: Trong thời gian chờ chỉ đạo của Bộ và Sở GD-ĐT, các tổ bộ môn đã chuẩn bị những bộ câu hỏi trắc nghiệm, đề thi tự luận cho các môn, sau đó phân loại ra. Với môn thi trắc nghiệm, trường xây dựng bộ câu hỏi theo cấu trúc: 60% câu hỏi dễ và trung bình, 40% câu hỏi khó. Cả hai phần này được tách riêng biệt để dễ dàng cho các em trong việc hình dung tính chất đề thi. Sắp tới, trường sẽ cho HS làm thử đề thi để các em quen dần.
Tăng thời lượng ôn tập
“Năm nay có một điểm thuận lợi là thí sinh đăng ký trường ĐH, CĐ sau khi đã biết kết quả thi, thời gian dành cho việc ôn tập và chuẩn bị lại khá dài nên các giáo viên sẽ tập trung ôn tập nâng cao để HS phát huy kết quả cao nhất trong kỳ thi…”, ông Nguyễn Hùng Khương, Phó hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, cho biết.
Hiện nhiều trường THPT ở khu vực ngoại thành cũng đã tiến hành cho HS đăng ký môn thi và lên kế hoạch ôn tập. Ông Thái Quang Cường, Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Lộc, cho hay: “Trường đã tổ chức cho HS đăng ký chọn khối thi ĐH ngay từ đầu năm lớp 12 và xếp lớp theo các khối thi để thuận tiện cho giáo viên và HS khi dạy - học. Ngay khi Bộ GD-ĐT công bố dự thảo quy chế thi, trường đã làm việc với phụ huynh để định hướng cho họ trong việc hỗ trợ, động viên con em học tốt chương trình học trên lớp vì điểm học bạ chiếm 50% điểm xét tốt nghiệp. “Do mặt bằng chất lượng HS chủ yếu diện trung bình khá nên trường chủ trương dạy bám sát và cho các em nắm vững chương trình học. Chúng tôi cũng định hướng cho các em chỉ nên chọn tối đa 5 môn để phù hợp với năng lực và đảm bảo hiệu quả. Từ khi có công văn của Sở GD-ĐT hướng dẫn các trường lên kế hoạch ôn thi, trường đã tính toán và lên kế hoạch tăng thời lượng ôn tập xen kẽ giữa môn thứ 4 và môn thứ 5. Trong lễ tri ân trưởng thành sắp tới, chúng tôi sẽ thông báo cụ thể tới phụ huynh chương trình ôn tập và kết quả học tập của HS để họ ủng hộ trường”, ông Cường cho biết.
Trường THPT Nguyễn Hữu Tiến cũng định hướng cho HS chọn 4 môn, tối đa là 5 môn để đảm bảo chất lượng và chủ trương của trường là dạy, ôn tập bám sát chương trình sách giáo khoa. Chỉ với những HS học khá giỏi, giáo viên mới nâng mức độ khó để giúp các em làm quen với độ khó trong phần phân hóa của đề thi.
Bài, ảnh: Ngọc Anh
Bộ GD-ĐT nghiêm cấm cắt xén chương trình
Nhằm chuẩn bị tốt cho học sinh về kiến thức, kỹ năng và tâm lý khi bước vào kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, Bộ GD-ĐT vừa có công văn gửi các sở GD-ĐT yêu cầu thực hiện một số nội dung để việc tổ chức ôn thi đạt hiệu quả. Theo đó, Bộ GD-ĐT yêu cầu các sở GD-ĐT tổ chức học tập quy chế cho cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh; phổ biến quy chế đến phụ huynh; chuẩn bị tốt các điều kiện để triển khai thực hiện quy chế. Chỉ đạo các trường THPT, trung tâm GDTX hoàn thành chương trình lớp 12 theo đúng kế hoạch của các sở GD-ĐT, phù hợp với hướng dẫn khung kế hoạch thời gian năm học 2014-2015 và hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học giáo dục phổ thông. Tuyệt đối không được cắt xén chương trình đã quy định. Tổ chức nghiêm túc việc kiểm tra, đánh giá, xếp loại học sinh học kỳ II và cả năm học theo đúng quy chế đánh giá, xếp loại học sinh; đảm bảo khách quan, trung thực, công bằng, đánh giá đúng năng lực thực chất của học sinh.
Công văn của Bộ GD-ĐT cũng nhấn mạnh: Nội dung thi THPT quốc gia nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12. Bộ GD-ĐT không phát hành tài liệu ôn tập kỳ thi THPT quốc gia và không có quy định bắt buộc giáo viên, học sinh phải sử dụng tài liệu tham khảo cụ thể nào.  Chính vì thế, các sở GD-ĐT chỉ đạo các trường THPT, trung tâm GDTX thực hiện các giải pháp hiệu quả, tổ chức ôn tập cho học sinh lớp 12 phù hợp với từng trường, từng nhóm đối tượng học sinh nhằm nâng cao chất lượng kỳ thi THPT quốc gia năm 2015. Sau khi kết thúc năm học theo kế hoạch thì việc ôn tập của học sinh được thực hiện theo hướng tăng cường thời gian dành cho học sinh tự học. 
Nghiêm Huê