Chủ nhật, 14/9/2014, 20h09

Phố máy tính xưa và nay

Chú trọng đến chất lượng, chế độ bảo hành... là phương thức mà nhiều cửa hàng ở phố máy tính đẩy mạnh để thu hút khách (hình chụp tại cửa hàng máy tính Thái Tú)
Công nghệ thông tin (CNTT) ngày càng phát triển với tốc độ cao, kéo theo đó các sản phẩm công nghệ cũng thay đổi diện mạo từng ngày. Thực tế này khiến phố máy tính một thời ở TP.HCM cũng chuyển biến mạnh mẽ về số lượng cửa hàng lẫn hình thức kinh doanh.
Một thời vàng son
Gọi là phố bởi dọc theo một số tuyến đường thuộc Q.1 và Q.3 như Sương Nguyệt Anh, Bùi Thị Xuân, Cách Mạng Tháng Tám, Nguyễn Thị Minh Khai…, cửa hàng bán các loại máy tính mọc lên san sát. Nhiều cửa hàng nổi tiếng thời đó mà dân thành phố, thậm chí nhiều tỉnh/thành khác không thể không biết đến là Hoàng Gia, Trường Giang, Bảo Khang...
Ông Lưu Huân Chương (ngụ ở P.5, Q.3 - dân gốc Sài Gòn) chia sẻ: “Khoảng năm 1995, một doanh nhân có kiến thức về công nghệ đứng ra mở cửa hàng kinh doanh máy tính. Có rất nhiều người ghé mua nên khoảng một năm sau, các cửa hàng bắt đầu mọc lên san sát. Hàng thời bấy giờ chủ yếu là CPU, màn hình máy tính, chuột, loa, USB, máy in, photo... Hầu hết là hàng cũ của các hãng HP, Dell, IMB còn dùng tốt được chủ cửa hàng nhập về từ nước ngoài rồi lắp ráp hoặc bán lẻ. Khách hàng tấp nập từ khắp nơi về lấy hàng để bán lại, kiểu như các chợ điện tử, phụ kiện xe máy tại khu vực Q.5 bây giờ”.
Theo ông Chương, đối với người dân thời bấy giờ, các mặt hàng công nghệ còn khá mới mẻ, song đây cũng là thời điểm thị trường công nghệ bắt đầu phát triển tại Việt Nam. Vì thế không khó hiểu vì sao người dân luôn quan tâm đến mặt hàng này. Tuy nhiên, giá cả không rẻ chút nào nên khách hàng phần lớn là gia đình giàu có, mua sắm cho con cái học tập. Một bộ máy dùng được cũng gần chục triệu đồng. Những bộ máy lắp ráp thì tầm 4-5 triệu đồng. Gia đình nào có được một bộ xem như “quý như vàng”, mở mang kiến thức.
Nhiều cửa hàng không chỉ dừng lại ở việc bán phần cứng mà còn phát triển các phần mềm kiểu như viết web, đáp ứng mọi nhu cầu của người mua. Cũng chính vì thế, có không ít người biết chút công nghệ đã đứng ra mở cửa hàng kinh doanh. Thậm chí nhiều gia đình còn định hướng cho con cái theo học ngành CNTT... để có ngay việc làm sau khi ra trường.
Muốn tồn tại phải nâng cao chất lượng
Ngày nay, tại phố máy tính, hình ảnh khách đến mua hàng tấp nập đã không còn. Hay đúng hơn, như lời chị Trần Thụy Thanh Trúc, chủ cửa hàng máy tính Thái Tú (đường Tôn Thất Tùng): Hình ảnh này bị xóa đi cách đây gần chục năm mặc dù cửa hàng kinh doanh vẫn còn hoạt động khá nhiều. Nguyên nhân là do cách thức bán hàng qua mạng bắt đầu phát triển vào năm 2007, người mua không cần trực tiếp đến cửa hàng mà có thể ngồi ở nhà hay bất kỳ nơi đâu có internet khảo chất lượng, mẫu mã, giá cả... rồi đặt hàng là có người mang đến. Thực tế này cũng khiến các cửa hàng chỉ nhập một lượng hàng vừa phải về trưng bày, còn lại phải phát triển hình ảnh, đưa đơn giá... lên mạng. Khi khách có nhu cầu thì cửa hàng mới nhập về.
Tuy nhiên chỉ sau một thời gian ngắn, cách thức bán hàng qua mạng không còn là quan trọng, khi mà các cửa hàng bán máy tính mọc lên ngày càng nhiều về số lượng lẫn quy mô. Chỉ tính riêng đoạn đường Cách Mạng Tháng Tám giao với đường Nguyễn Thị Minh Khai đã có vô số công ty lớn kinh doanh máy tính như Phong Vũ, Hoàn Long, Thế giới di động…. Và sản phẩm ở các nơi này thì không thể chê: Phong phú, đa dạng và luôn luôn mới. Kèm theo đó là nhiều chiêu khuyến mãi, giảm giá để thu hút khách hàng.
Chị Thanh Trúc cho biết: “Xét về giá cả, các mặt hàng giữa cửa hàng lớn và nhỏ luôn có sự chênh lệch. Đa số các cửa hàng lớn thường tính thêm nhiều phí dịch vụ như: Tiền thuê mặt bằng, thuê nhân viên, máy lạnh… dẫn đến giá cao. Tuy nhiên tâm lý người tiêu dùng luôn thích vào những cửa hàng lớn, trưng bày nhiều sản phẩm với nhiều chế độ ưu đãi, giảm giá. Kết quả là các cửa hàng nhỏ gặp không ít khó khăn, một số cửa hàng đã đóng cửa”.
Để có thể tồn tại và phát triển, các cửa hàng ở phố máy tính thay vì đặt số lượng bán mỗi ngày lên hàng đầu thì nay chuyển sang chú trọng đến chất lượng. Kèm theo đó là chế độ bảo hành, quyền lợi người tiêu dùng... Ngoài ra, các mặt hàng mới cũng thường xuyên được cập nhật để tránh lỗi thời, xuống giá. Theo chị Thanh Trúc, đây chính là giá trị thu hút, giữ chân khách hàng lâu dài nhất. Vì thế những năm gần đây, khách hàng đến với các cửa hàng nhỏ khá nhiều, đa số là giới trẻ, thợ sửa máy tính hay nhân viên kỹ thuật.
Tuy nhiên, theo anh Nguyễn Duy Lâm (nhân viên kỹ thuật tại cửa hàng Vạn Phát, đường Tôn Thất Tùng), ngoài các yếu tố trên, các cửa hàng còn phát triển thêm nhiều loại hình dịch vụ để thu hút khách hàng, đó là thiết kế, cung cấp, lắp đặt hệ thống mạng, internet, sửa chữa, nâng cấp bảo trì máy tính… Những dịch vụ này không bao giờ thiếu đối với khách hàng.
Bài, ảnh: Trinh Ngọc
Tâm lý người tiêu dùng luôn thích vào những cửa hàng lớn, trưng bày nhiều sản phẩm với nhiều chế độ ưu đãi, giảm giá.