Thứ sáu, 28/11/2014, 09h11

Sao phải trả tiền sổ liên lạc điện tử ?

Nhiều phụ huynh học sinh trên toàn quốc đã phải trả tiền khi sử dụng sổ liên lạc điện tử, trong khi Bộ GD-ĐT quy định không khai thác dịch vụ thu tiền đối với loại sổ này.

Phụ huynh tại TP.HCM sử dụng dịch vụ tin nhắn sổ liên lạc điện tử 

Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Chi phí mỗi nơi mỗi khác

Trong các buổi họp phụ huynh đầu năm, một số trường phát cho phụ huynh thư ngỏ và phiếu đăng ký tham gia dịch vụ sổ liên lạc điện tử (SLLĐT) do các công ty cung cấp. Theo thông tin từ thư ngỏ, đây là hình thức nhận tin nhắn SMS trên điện thoại di động về kết quả học tập, ý thức học tập của học sinh (HS) chính xác và nhanh chóng nhất. Như vậy phụ huynh sẽ biết tình trạng học tập của HS ngay trong ngày khi có trường hợp đột xuất như bỏ học, vi phạm nội quy, thái độ học tập chuyên cần hay không chuyên cần...

Sở, phòng GD-ĐT phải làm chủ, sở hữu cơ sở dữ liệu giáo dục phục vụ cho công tác quản lý giáo dục. Không để các công ty sở hữu và khai thác tài sản dữ liệu giáo dục vào mục đích kinh doanh

Công văn 5041 của Bộ GD-ĐT

Lãnh đạo các trường cho rằng phụ huynh tham gia dịch vụ này đều trên tinh thần tự nguyện chứ không bắt buộc. Thế nhưng, tâm lý chung của nhiều phụ huynh là dù không muốn nhưng cả trường, cả lớp tham gia mà con mình không có thì cũng dễ rơi vào cảnh bị “phân biệt đối xử” nên vẫn nộp tiền đăng ký sử dụng, nhưng tâm lý không thoải mái. Có trường thì yêu cầu giáo viên phải hỏi từng phụ huynh vì sao không đăng ký, thậm chí bắt làm đơn không sử dụng dịch vụ này.

Trường THCS Trần Văn Ơn, Q.1, TP.HCM, đã sử dụng dịch vụ này khoảng 5 năm nay (do FPT cung cấp). Theo bà Trần Thúy An, Hiệu trưởng nhà trường, hiện có khoảng một nửa phụ huynh tham gia dịch vụ này. “Về nhân sự, đơn vị cung cấp dịch vụ cử người đến trực, nhập liệu, họ cũng tự trang bị máy móc. Nhà trường có vai trò cung cấp thông tin để đơn vị cung cấp chuyển tin nhắn đến phụ huynh. Đồng thời nhà trường sẽ giám sát nội dung thông tin, tính kịp thời từ SLLĐT”, bà An nói.

Tuy vậy, bà An cũng thừa nhận thỉnh thoảng vẫn xảy ra hiện tượng tin nhắn đến trễ, hoặc cập nhật chưa kịp thời. Chi phí dịch vụ này không đồng đều, có trường phụ huynh phải đóng 30.000 - 45.000 đồng/tháng, trường 55.000 đồng, có trường phụ huynh sử dụng miễn phí 6 tháng, sau đó mới phải đóng phí.

Tại Hà Nội, có trường chỉ thu khoảng trên dưới 20.000 đồng nhưng không ít trường thu ở mức 35.000 - 40.000 đồng/HS/tháng. Sở GD-ĐT Hà Nội cũng yêu cầu các trường nếu thực hiện dịch vụ này phải bảo đảm mức thu không quá 40.000 đồng/HS/tháng với từng gói dịch vụ.

Phụ huynh Nghệ An trả phí từ 40.000 - 110.000 đồng/năm tùy theo gói dịch vụ. Phụ huynh phải mua với giá 90.000 - 110.000 đồng (bán lẻ) hoặc 60.000 - 80.000 đồng (bán sỉ cho nhà trường, hội phụ huynh). Sau khi mua các gói dịch vụ, phụ huynh được cung cấp tài khoản và mật khẩu truy cập.

Quá cao so với dịch vụ cùng loại

Tuy nhiên, theo tính toán của phụ huynh, mức phí này cũng là quá cao. Một phụ huynh có con học trường THCS ở Hà Nội cho biết, nhà trường thông báo nộp 170.000 đồng/học kỳ cho dịch vụ SLLĐT.

Theo giá dịch vụ của các hãng viễn thông hiện nay, khoảng 250 đồng/tin nhắn, nếu ngày nào đi học HS có một tin nhắn thì cả tháng cũng chỉ có 22 tin với

Nghỉ học oan vì tin nhắn

Năm 2013, hàng trăm phụ huynh HS Trường tiểu học Hạ Đình, Q.Thanh Xuân (Hà Nội) ngạc nhiên khi nhận được thông báo nghỉ đột xuất cùng khoản tiền được nhà trường yêu cầu đóng góp qua SLLĐT. Một số phụ huynh thấy nghi ngờ nên liên lạc với giáo viên chủ nhiệm thì biết đây chỉ là tin nhắn thất thiệt do kẻ gian đột nhập vào hệ thống SLLĐT của trường tung ra. Tuy nhiên, gần 200 HS phải nghỉ học oan vì vụ việc.

Một phụ huynh có con học tại Trường tiểu học Ngọc Lâm, Q.Long Biên, Hà Nội phản ánh tin nhắn có vẻ đều đặn hằng ngày nhưng việc sai và nhầm thông tin của HS này sang HS khác thường xuyên xảy ra khiến không ít lần con bị mắng oan. “Có lần tôi nhận được tin nhắn con được 2 điểm toán, tá hỏa không hiểu bài khó hay cháu thiếu tập trung thế nào mà lại được điểm dưới trung bình, nhưng xem vở con thì mới biết cháu được 9 điểm” - vị phụ huynh này kể.

Tuệ Nguyễn

chi phí là dưới 10.000 đồng/học sinh/tháng. Nếu tính chi phí và cả hoa hồng cho nhà trường thì cũng chỉ nên thu khoảng 15.000 - 20.000 đồng/tháng là cùng, đó là chưa kể việc nhận tin nhắn không đều đặn.

 

Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Trọng Cường, Trưởng phòng Khoa học công nghệ thông tin, Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết hiện có khoảng 35 đơn vị tham gia cung cấp dịch vụ SLLĐT cho các trường học tại Hà Nội. Có khoảng 30% số trường học sử dụng dịch vụ liên lạc điện tử trực tuyến (có thu phí) do sở này cung cấp. “Sở không phối hợp với bất cứ doanh nghiệp nào hoặc chỉ định một đơn vị nào cung cấp dịch vụ này cho các trường. Việc chọn lựa doanh nghiệp hoàn toàn do quyết định của mỗi trường dựa trên những tiêu chí mà Sở đưa ra”, ông Cường nói.

Trước thắc mắc của phóng viên vì sao lại quy định mức phí tối đa lên tới 40.000 đồng/HS/tháng, ông Cường cho rằng đã tính toán đến việc HS mỗi ngày nhận được ít nhất 1 tin nhắn và hỗ trợ thêm nhà trường vì các trường không hề có nhân viên được trả lương để làm việc này. Thực tế nhiều trường chỉ thu 20.000 đồng/HS/tháng với tần suất 1 - 2 tin nhắn/tuần.

Chúng tôi liên hệ với một nhân viên làm việc tại công ty cung cấp dịch vụ SLLĐT. Dù không nói mức chi phí chính thức công ty thu từ phía các trường là bao nhiêu nhưng người này cho biết nếu các trường thu tới 40.000 đồng/HS/tháng là quá cao so với chi phí hợp đồng với công ty.

Học sinh báo trước khi tin nhắn đến!

Nhiều trường áp dụng mức phí kịch trần mà sở GD-ĐT cho phép là 40.000 đồng/tháng và để hợp thức hóa mức thu đó, trường đã gửi tin nhắn cho phụ huynh với tần suất cao, tuy nhiên, đó đều là những tin “vô thưởng vô phạt” kiểu như: hôm đó học môn gì, ăn món gì, con được mấy điểm, con làm bài tập gì, chuẩn bị sách vở ngày mai đi học ra sao...

Thực tế này khiến nhiều phụ huynh đặt vấn đề SLLĐT có cần thiết hay không.

Một phụ huynh ở Q.4, TP.HCM, cho biết nếu chỉ với thông tin như học bài số bao nhiêu, viết bài gì... như hiện nay thì HS vẫn có thể thông báo với phụ huynh mà không cần dịch vụ này.

Một số quận tại TP.HCM sau thời gian ngắn sử dụng thì ngưng dịch vụ này vì thấy không hiệu quả. Bà Võ Ngọc Thu, Trưởng phòng Giáo dục Q.5, cho biết: “Trước đây ở quận chúng tôi có một số trường dùng, nhưng sau này thấy không hiệu quả nên thôi. Vì có khi nhắn báo điểm cho phụ huynh nhưng phụ huynh chưa nhận được thì HS đã về nhà báo trước rồi. Theo tôi, nếu có gì cần thiết, giáo viên sẽ trực tiếp nhắn tin hoặc điện thoại cho phụ huynh biết và cùng trao đổi. Điều này tiện hơn SLLĐT nhiều”.

Tương tự, tại Q.Gò Vấp, nhiều trường sau khi thử nghiệm xong cũng không xài nữa. Ông Đặng Thanh Tuấn, Trưởng phòng Giáo dục Q.Gò Vấp, cho biết: “Trước đây Viettel có tài trợ cho các trường dùng thử. Nhưng sau đó các trường không dùng nữa, vì thấy tốn tiền của phụ huynh lại ít hiệu quả”.

Một phụ huynh của Trường tiểu học Ngọc Lâm (Hà Nội) nêu bất cập: “Dù mục đích nhắn tin dặn các cháu làm bài tập này, bài tập kia nhưng nhiều khi tin nhắn lại đến vào lúc 9, 10 giờ đêm, khi các con đã lên giường đi ngủ hết rồi”. Còn một phụ huynh ở Q.Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết: “Đã có sổ liên lạc, hằng tuần đều có thông báo thi đua, điểm số của con. Ngoài ra, những trường hợp đặc biệt, giáo viên vẫn liên hệ với phụ huynh bằng thư thông báo, xin ý kiến. Còn cần thiết và gấp gáp hơn nữa thì điện thoại, nhắn tin trực tiếp nên đâu cần dịch vụ nhắn tin này”.

Hoàn toàn có thể miễn phí

Theo Công văn 5041 hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ công nghệ thông tin năm học 2013 - 2014 của Bộ GD-ĐT, dịch vụ SLLĐT hoàn toàn miễn phí. Công văn nêu rõ: “Phụ huynh, HS có thể xem miễn phí thông báo kết quả học tập, rèn luyện trên website và các thiết bị di động (điện thoại, máy tính bảng...) thay vì triển khai dịch vụ tin nhắn di động có thu phí”. Tại điểm c, điều 5, công văn này cũng quy định: “Sở, phòng GD-ĐT phải làm chủ, sở hữu cơ sở dữ liệu giáo dục phục vụ cho công tác quản lý giáo dục. Không để các công ty sở hữu và khai thác tài sản dữ liệu giáo dục vào mục đích kinh doanh”.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Quách Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin Bộ GD-ĐT, cho biết: “Bộ đã có hướng dẫn về nhiệm vụ công nghệ thông tin năm học 2014 - 2015, trong đó có hướng dẫn về việc sử dụng miễn phí SLLĐT. Theo đó, với công nghệ hiện nay, các trường hoàn toàn có thể cung cấp miễn phí nhắn tin báo điểm qua các thiết bị điện thoại di động, thông báo kết quả học tập, rèn luyện trên web hoặc qua email. Một số công ty đã tích hợp thành công SLLĐT, dịch vụ báo điểm miễn phí vào các phần mềm quản lý trường học. Nhà trường chỉ cần sử dụng các phần mềm này là hoàn toàn có thể cung cấp thông tin miễn phí cho HS thay vì sử dụng dịch vụ tin nhắn thu phí.

Vũ Thơ

Thanh Niên