Thứ tư, 21/5/2014, 08h05

Thành công không phải ở bằng cấp

Phụ huynh tìm hiểu thông tin về các trường TCCN tại ngày hội
“Phụ huynh đóng vai trò rất quan trọng trong việc lựa chọn con đường học tập, nghề nghiệp của học sinh. Theo thống kê của Sở GD-ĐT TP.HCM, chỉ có khoảng 28% học sinh tự quyết định chọn nghề nghiệp cho mình, số còn lại do... phụ huynh”.
Đó là khẳng định của ông Lưu Đức Tiến, Phó trưởng phòng GDCN&ĐH (Sở GD-ĐT TP.HCM) tại “Ngày hội tư vấn tuyển sinh và hướng nghiệp phân luồng học sinh sau THCS” do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp với Sở GD-ĐT TP.HCM và Phòng GD-ĐT Q.Phú Nhuận tổ chức tại Trường THCS Ngô Tất Tố vừa qua.
Lãng phí vì “trèo cao”
Ông Tiến cho biết: “Ở các nước phát triển, tỷ lệ phân luồng được đặt ra rất rõ ràng. Chẳng hạn, ở Singapore phân luồng theo hướng 25% vào THPT, 40% vào TC nghề (vừa học văn hóa vừa học nghề), 20% học nghề, số còn lại đi làm ở các doanh nghiệp. Ở Đài Loan, tỷ lệ này là 50/50. Còn ở Việt Nam, theo chỉ thị số 10 - CT/TW của Bộ Chính trị đặt ra là đến năm 2020 phấn đấu ít nhất có 30% học sinh sau THCS đi học nghề. TP.HCM đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền hướng nghiệp, nâng cao cơ sở vật chất, chương trình giảng dạy ở các trường đào tạo nghề nhưng hiện nay mới có 12% học sinh vào giáo dục chuyên nghiệp”.
Ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tuyển sinh (Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM), phân tích: “Theo chủ trương phân luồng ở nước ta, hiện có 80% học sinh sau THCS vào THPT, 9% vào GDTX, chỉ có 0,6% vào TCCN, số còn lại vào sơ cấp nghề. Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ GD-ĐT ở kỳ thi CĐ, ĐH năm 2013, cả nước có đến 1,4 triệu thí sinh dự thi, nhưng số thí sinh đậu chỉ khoảng 550.000 em; như vậy sẽ có khoảng 700.000-800.000 học sinh học nghề hoặc ôn thi lại… Như vậy, các em sẽ mất 2-3 năm để có bằng TCCN; trong khi nếu học nghề ngay từ khi tốt nghiệp THCS thì sẽ vừa có bằng nghề, vừa có bằng tốt nghiệp phổ thông. Chính điều này đã gây nên sự lãng phí rất lớn về công sức, tiền bạc, thời gian cho người học và cho cả xã hội”.
Cùng bàn luận về sự lãng phí do cơ cấu đào tạo chưa phù hợp, ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, cho hay: “Do đào tạo mất cân đối nên hiện nay nước ta có đến 72.000 cử nhân thất nghiệp, 20% trong số này quay lại học TC do không phù hợp với nghề đã được đào tạo. Riêng TP.HCM, mỗi năm có 270.000 chỗ làm việc mới nhưng nhu cầu trình độ ĐH và CĐ chỉ chiếm khoảng 25%, số còn lại là trình độ TC và sơ cấp”. 
Phù hợp nghề mới quan trọng
Theo nhiều chuyên gia, thành công không phải ở bằng cấp mà chính là sự phù hợp với nghề nghiệp.
Mặc dù hiểu rõ nhu cầu nhân lực nước ta đang rất cần lao động có tay nghề cao nhưng phụ huynh vẫn khẳng định sẽ cho con học tiếp THPT, nếu không học được trường công thì họ sẽ chọn trường tư dù chi phí học tập cao hơn.
Chị Phạm Thị Ngọc Cầm, phụ huynh em Thái Toàn, hiện đang học lớp 9 tại Trường THCS Ngô Tất Tố, khẳng định: “Con tôi có học lực khá nên gia đình đăng ký nguyện vọng 1, 2 và 3 cho cháu vào các trường: THPT Marie Curie, Phan Đăng Lưu và Hàn Thuyên. Gia đình chỉ có một đứa con nên tôi nhất quyết cho cháu vào lớp 10 THPT, nếu không vào công lập thì sẽ đăng ký học ở trường tư. Tôi không muốn cho con vào trường nghề vì ở độ tuổi này còn quá sớm để cháu đi làm…”.
Về vấn đề này, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, Trưởng bộ môn tâm lý Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, đưa ra lời khuyên: “Phụ huynh không nên nghĩ con mình chỉ có một con đường duy nhất là vào THPT, sau đó thì học lên ĐH, sau ĐH… Không phải học sinh nào cũng học giỏi nhưng phụ huynh thì lúc nào cũng muốn con mình phải đứng hạng cao. Vì vậy, vô tình tạo nên một cuộc chiến giữa phụ huynh và phụ huynh khi hàng ngày, hàng giờ phải tốn công sức, tiền bạc để chở con đi học thêm. Do đó, phụ huynh nên lắng nghe, bàn bạc với con khi chọn trường chứ không nên ép buộc các em làm theo mong muốn của mình”.
Tương tự, ông Nguyễn Quốc Cường cũng thẳng thắn góp ý: “Học tiếp THPT chỉ dành cho những học sinh có năng lực học tập tốt và thiên về nghiên cứu khoa học. Học TCCN, TC nghề, CĐ nghề là dành cho những học sinh có học lực khá, thiên về kỹ thuật, thực hành chứ không phải học sinh yếu mới học nghề”.
Theo nhiều chuyên gia, thành công không phải ở bằng cấp mà chính là sự phù hợp với nghề nghiệp. “Tương lai, sự phù hợp với nghề là yếu tố cần thiết nhất, phù hợp với nhu cầu nhân lực là đảm bảo kiến thức chuyên môn và kĩ năng nghề mới là yếu tố chính đưa người lao động đến với thành công. Người lao động cần phải có một kiến thức nghề nghiệp, đặc biệt là năng lực tổ chức công việc thật hiệu quả chứ bằng cấp cao chưa thể quyết định thành công của người lao động được”, ông Trần Anh Tuấn chia sẻ.
Bài, ảnh: Minh Châu
TS. Ninh Văn Bình, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Phú Nhuận, cho rằng: “Những năm qua, ngành GD-ĐT Q.Phú Nhuận liên tục tổ chức các ngày hội hướng nghiệp nhằm giúp phụ huynh hiểu rõ tầm quan trọng của việc học nghề, đáp ứng nhu cầu lao động có tay nghề cao cho TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung. Năm nay, có sự phối hợp với Báo Giáo dục TP.HCM nên chương trình thực hiện phong phú và sâu rộng hơn. Chương trình không chỉ tư vấn chọn trường, chọn nghề yêu thích mà còn có các chuyên gia tâm lý giải đáp những thắc mắc nhằm giúp học sinh yên tâm lựa chọn nghề nghiệp cũng như giữ vững tâm lý trong các kỳ thi.