Thứ tư, 22/10/2014, 16h10

Trao yêu thương sẽ nhận yêu thương

Cô Đinh Thị Ngọc Nhung (Tổ trưởng môn văn, Trường THCS Nguyễn Gia Thiều, Q.Tân Bình, TP.HCM): Tạo mối quan hệ thân thiện với lớp trưởng

Cô Đinh Thị Ngọc Nhung
Thông thường tiêu chí để giáo viên chủ nhiệm (GVCN) chọn lớp trưởng là phải có học lực giỏi, năng động, có trách nhiệm với công việc, có tài quản lý lớp… Bởi vì lớp trưởng là người thay mặt GVCN giữ gìn trật tự lớp nên phải tạo được niềm tin cho các bạn. Trong quá trình làm công tác chủ nhiệm lớp, GV có thể gặp trường hợp lớp trưởng bị một nhóm bạn hoặc cả lớp cô lập, thậm chí là dọa đánh. Theo tôi, khi gặp tình huống này GVCN phải xử lý như sau: Thứ nhất, gặp em nhóm trưởng (thủ lĩnh) lôi kéo các bạn khác cô lập lớp trưởng để trao đổi thân mật, trò chuyện gần gũi, lắng nghe phản ánh bức xúc của em về lớp trưởng... Sau đó GVCN cần đặt một số câu hỏi để nhờ em giải quyết như: Nếu là lớp trưởng thì em sẽ giúp cô quản lý lớp như thế nào? Nếu là lớp trưởng thì các bạn vi phạm lỗi nhiều em sẽ làm sao? Em muốn cô giải quyết vụ việc liên quan tới lớp trưởng như thế nào? Nếu cô thay đổi lớp trưởng là em thì em có chịu giúp cô không?... GVCN cũng không quên hứa với học sinh này là sẽ trao đổi lại với lớp trưởng về những gì em đã phản ánh. Thứ hai, GVCN cần gặp riêng với lớp trưởng để trao đổi những khó khăn trong việc quản lý lớp; tư vấn cho lớp trưởng cách xử lý tình huống trong lớp cần linh động, nhẹ nhàng mà nghiêm túc, làm gương, quan tâm lắng nghe các bạn; đồng thời cũng động viên, khích lệ lớp trưởng khi làm nhiệm vụ này.

Những hoạt động ngoại khóa như thế này sẽ giúp cho thành viên trong lớp đoàn kết, yêu thương hơn. Ảnh: N.Anh
 
Một số lớp trưởng khi gặp tình huống này không dám nói với GVCN. Vì vậy, biện pháp lâu dài để phòng ngừa việc này là ngay từ đầu năm học, GVCN phải tạo mối quan hệ thân thiện, tin tưởng giữa thầy và trò (lớp trưởng). Đồng thời thường xuyên thăm hỏi tình hình lớp, giúp đỡ lớp trưởng giải quyết những tình huống xảy ra trong lớp và khen ngợi, khích lệ em tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ. Làm được như vậy mới xóa tan khoảng cách giữa thầy và trò.
 
ThS. tâm lý Đào Lê Hòa An (Trung tâm Đào tạo Kỹ năng sống Ý tưởng Việt): Lớp trưởng cần có thái độ điềm tĩnh

ThS. tâm lý Đào Lê Hòa An

Việc lớp trưởng bị cô lập là thực trạng diễn ra ở nhiều lớp học. Tuy nhiên, điều quan trọng là thái độ của lớp trưởng đối với các bạn trong lớp như thế nào? Nếu lớp trưởng hay la lối, quát nạt thì rất dễ bị các bạn ghét. Vì thế, lớp trưởng cần có thái độ điềm tĩnh, trước khi ghi tên ai vi phạm nội quy của lớp phải nhắc nhở trước, nếu bạn không sửa lỗi mà tiếp tục vi phạm thì bắt buộc lớp trưởng phải ghi tên và thông báo cho bạn rõ lý do.
Tôi đã từng làm lớp trưởng thời trung học và tôi có kinh nghiệm là trước khi ghi tên ai phạm lỗi thì tôi ghi nháp trước chứ không nộp cho GV để các bạn sợ và im lặng. Tôi nghĩ rằng, lớp trưởng được GVCN phân công lãnh đạo lớp là để giữ gìn trật tự, nề nếp chứ không phải lúc nào cũng thực hiện bằng việc ghi tên để GV khiển trách, kỷ luật bạn bè. Trong trường hợp bị bạn bè dọa đánh, lớp trưởng nên tìm nhóm bạn bè thân của nhóm này (người trung gian có tiếng nói, có kỹ năng lắng nghe) để chia sẻ cho bạn biết rằng mình chỉ muốn lớp học tốt hơn chứ không hề muốn gây sự. Khi bạn nhắn tin đe dọa thì không nên “phản pháo” tiêu cực, mạnh mẽ mà phải dùng tấm chân tình của mình để nói chuyện với bạn. Nếu cách này không được thì sẽ báo với GVCN vì GVCN là người sẽ nhiều kinh nghiệm xử lý tình huống này. Nếu GVCN xử phạt bạn thì lớp trưởng nên đứng lên xin giảm hình thức xử phạt cho bạn. Chỉ khi chúng ta trao yêu thương mới nhận được yêu thương, mới được bạn bè tin tưởng.
 LTS: Sau khi bài báo Nỗi niềm… lớp trưởng đăng trên Giáo dục TP.HCM ngày 20-10, tòa soạn đã nhận được nhiều ý kiến chia sẻ của độc giả. Chúng tôi xin trích đăng một số ý kiến của giáo viên và chuyên gia tư vấn tâm lý về vấn đề này.