Thứ bảy, 25/4/2009, 11h04

Đại học ngoài công lập: Đang bị thả nổi? - Bài 2: “Gà đẻ trứng vàng”

Một giáo sư có tiếng trong làng giáo dục Việt Nam ví von: Nhìn lại trong khoảng mươi năm qua, lĩnh vực đầu tư không lớn nhưng mang lại siêu lợi nhuận, đó là đầu tư cho… giáo dục. Tất nhiên, ý của vị giáo sư này muốn nói đến việc mở trường dân lập. Ông minh chứng, một công ty kinh doanh thu lợi khoảng 15%/năm là đã thành công lớn, trong khi có trường chia cổ tức hàng năm từ 25% đến 30%!
Học phí: 99% tổng thu
Khi tìm hiểu ở các trường, nơi nào cũng cho rằng mình hoạt động không vì lợi nhuận, mà vì sự nghiệp giáo dục. Điều đó nghe có lý, nhưng không chính xác. Vị giáo sư nói trên đã đưa ra một phép tính nhỏ để khái quát con đường đạt được… siêu lợi nhuận này.
Nếu lấy mức học phí trung bình ở các trường đại học dân lập (ĐHDL) cách đây 2 năm là 4 triệu đồng/năm/SV (mức thấp nhất), mỗi năm SV học khoảng 800 tiết, như vậy mỗi tiết học có học phí khoảng 5.000 đồng. Trung bình mỗi lớp học có khoảng 60 SV (mức thấp nhất) thì mỗi tiết học nhà trường thu về 300 ngàn đồng. Sau khi trả lương giảng viên trung bình 80 ngàn đồng/tiết, 80 ngàn đồng cho cơ sở vật chất và 20 ngàn đồng cho các chi phí khác (theo tính toán thông thường, chi lương cho con người chiếm 50%, và 50% chi cho cơ sở vật chất và các khoảng khác), như vậy, mỗi lớp quy mô 60 SV thì nhà trường đã lãi khoảng 120 ngàn đồng/tiết. Con số lãi này quả là quá lớn so với… kinh doanh các ngành khác.
Có những trường mức học phí nhìn đã “chóng mặt”, đó là chưa so với cơ sở vật chất có tương ứng hay không. Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn chỉ đào tạo ngành khoa học máy tính, quản trị kinh doanh và tiếng Anh (những ngành không đòi hỏi đầu tư nhiều về cơ sở vật chất) nhưng nhìn mức học phí được “niêm yết” đã “sốc”: chương trình giảng dạy bằng tiếng Việt 2.000 – 2.300 USD/năm, chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh 5.200 – 5.700 USD/năm!
Theo điều tra của chúng tôi, nguồn thu học phí chiếm tỷ lệ cực cao trong tổng thu của các trường ngoài công lập (NCL), thậm chí có trường nguồn thu này chiếm đến… 99% tổng thu! ĐHDL Thăng Long năm 2001 thu học phí chiếm 94,1%, đến 2005 chiếm 94,6% tổng thu; ĐHDL Hùng Vương năm 2001 chiếm 97,1%, đến 2005 chiếm đến 99,6% tổng thu; ĐHDL Hải Phòng năm 2001: 96,5%, năm 2005: 91,3% tổng thu…
Theo quy chế ĐHDL, nguồn thu của trường bao gồm: nguồn thu tại trường (học phí, lệ phí, giá trị hợp đồng đào tạo, nghiên cứu khoa học, lãi tiền gửi ngân hàng, thanh lý tài sản…); vốn góp của các tổ chức cá nhân (nhà đầu tư) để đầu tư và phát triển trường; nguồn tài trợ, viện trợ, quà tặng; vốn vay… Thế nhưng, đa số các trường ngoài công lập được thành lập với “một vài đồng tiền lẻ” ban đầu, sau khi tuyển sinh thì dựa hẳn vào nguồn thu học phí và lấy nguồn thu này nuôi lại tất cả bộ máy, hoạt động, gửi ngân hàng, chia cổ tức…
Điều đáng mổ xẻ là dù nguồn thu hàng năm cực lớn, nhưng mức chi thực tế cho mỗi SV cực thấp, trung bình chưa đến 4 triệu đồng/SV/năm (trong khi mức đầu tư/SV ở các trường công khoảng trên 20 triệu đồng/năm). Với mức chi này, khả năng nâng cao chất lượng đào tạo ở các trường ĐHDL là hết sức khó khăn – Vụ Kế hoạch Tài chính Bộ GD-ĐT nhận định.
“Đẻ” ngành để “hút” sinh viên!
Nguồn thu học phí gắn rất chặt đến sự “phong phú” ngành đào tạo của các trường. Một cán bộ phòng đào tạo của một trường công (xin được giấu tên) “e dè” khi chúng đề cập đến việc đăng ký mở ngành.
Vị này cho biết, để mở được một ngành đào tạo mới, nhà trường phải chuẩn bị hết sức chu đáo từ chương trình, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất và nhất là nhu cầu của xã hội… Thế nhưng, tất cả những điều đó cũng chưa đáng ngại bằng… mang hồ sơ xin mở ngành.
Vậy mà theo quan sát của phóng viên, các trường dân lập mấy năm gần đây cứ đều đặn cho ra đời hàng loạt ngành nghề mới, có những ngành nghe rất… xa lạ. Trường ĐHDL Hồng Bàng đến nay đã có đến hơn 60 ngành và chuyên ngành đào tạo, trong đó có các ngành khá xa lạ, đặc thù như: điều dưỡng đa khoa, kỹ thuật y học, công nghệ spa và y sinh học…
Điều bất bình thường ở chỗ, cơ sở vật chất, trường lớp không tăng, đội ngũ giảng viên không tăng… mà ngành thì vẫn được duyệt mở đều đều!
Xin nêu ra những điều kiện đăng ký mở ngành đào tạo do Bộ GD-ĐT quy định, sẽ thấy… những khuất tất đằng sau việc mở ngành ồ ạt này. Bộ GD-ĐT quy định, để được xem xét mở một ngành đào tạo mới thì đội ngũ giảng viên cơ hữu phải đảm nhận giảng dạy tối thiểu 70% khối lượng chương trình đào tạo; có ít nhất 1 giảng viên trình độ tiến sĩ và 2 giảng viên trình độ thạc sĩ đúng ngành đăng ký mở ngành đào tạo bậc đại học.
Về cơ sở vật chất, phải có đủ phòng học với các phương tiện, trang thiết bị cần thiết phục vụ giảng dạy và học tập, có các phòng thí nghiệm, phòng máy tính, phòng học ngoại ngữ, xưởng thực hành và các phần mềm đáp ứng nhu cầu đào tạo; thư viện trường có đủ giáo trình, tập bài giảng của môn học đó.
Quan trọng hơn, hồ sơ đăng ký mở ngành phải có phân tích, chứng minh cơ sở khoa học về nhu cầu nguồn nhân lực này đối với xã hội và quy mô đào tạo trong từng giai đoạn. Cụ thể, phải chứng minh được rằng nhu cầu xã hội về ngành đào tạo chuẩn bị mở trong 4-5 năm sau, lúc SV tốt nghiệp, cần thiết đến mức nào.
Dĩ nhiên, mở ngành với các điều kiện khó là vậy, đòi hỏi phải có sự nghiên cứu xã hội hết sức cụ thể, nhưng các trường vẫn cho ra đời đều đặn ngành mới mỗi năm, có những ngành rất xa với nhu cầu, chỉ có thể giải thích là nhằm thu hút SV càng nhiều càng tốt. Chính vì vậy, quy mô đào tạo, khối lượng tuyển sinh của nhiều trường trong các năm gần đây đã ít nhiều bị “tác động” bởi yếu tố học phí.
Trường ĐHDL Lương Thế Vinh chỉ có 711 SV năm 2004, đến 2006 đã là 3.516 SV; ĐHDL Phương Đông có 1.769 SV vào năm 2002 thì đến 2006 tổng số SV đã là 8.586; ĐHDL Hồng Bàng năm 2003 tuyển 1.692 SV, đến 2006 đã có tổng số 8.669 SV…
Ngành nghề tăng, số lượng SV tăng nhưng trường lớp không tăng thì lợi nhuận thu về từ học phí càng tăng nhanh. Hình ảnh hàng trăm SV nhiều khóa chen nhau trong những phòng học chật chội có thể minh chứng điều đó.
Một cán bộ Trường ĐH Y Dược TPHCM cho biết, muốn mở một ngành đào tạo mới thuộc khối y dược thì phải thông qua hội đồng thẩm định gồm những chuyên gia đầu ngành của Vụ Khoa học – đào tạo của Bộ Y tế. Sau khi thẩm định chương trình, Bộ Y tế sẽ có công văn đề nghị Bộ GD-ĐT cho phép đơn vị đào tạo được mở ngành.
Hiện nay, các ngành đào tạo ĐH thuộc khối y dược ở Việt Nam chỉ có các cơ sở bệnh viện, trường y dược thuộc Bộ Y tế mới có khả năng đào tạo vì có đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu.
Tuy nhiên, vấn đề đội ngũ giảng viên đối với ngành này cũng là một khó khăn lớn vì lực lượng giảng dạy mỏng, trang thiết bị chưa theo kịp trình độ của thế giới. Thế nên, khi nghe nói có trường ngoài công lập đã được Bộ GD-ĐT cho phép tuyển sinh, đào tạo các ngành kỹ thuật y học, ngành điều dưỡng, công nghệ spa và y sinh học, nhiều chuyên gia rất ngỡ ngàng.
LINH AN – THANH HÙNG (Theo SGGP)