Thứ bảy, 16/4/2011, 17h04

Bất cập trong kiểm soát lãi suất

Do khống chế lãi suất huy động không hiệu quả nên các doanh nghiệp đang phải vay vốn với lãi suất cao, thậm chí hơn 20%/năm.

Nguyên bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển cho biết ông vừa viết thư cho Thủ tướng Chính phủ về một số vấn đề mà mình tâm tư. Trong đó, liên quan đến chính sách tiền tệ, cựu bộ trưởng này kiến nghị nên khống chế trần lãi suất cho vay thay vì quy định trần lãi suất huy động như hiện nay. 

Lãi suất cho vay cao đang gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.
Lãi suất đang méo mó
Mặc dù ngân hàng (NH) Nhà nước quy định trần lãi suất huy động là 14%, kể cả khuyến mãi, kèm theo những tuyên bố mạnh mẽ của Thống đốc Nguyễn Văn Giàu về việc xử lý các NH vượt rào lãi suất nhưng thị trường vẫn không đi vào nề nếp.

TS Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, cho biết các NH nhỏ đang huy động vốn trên thị trường với lãi suất rất cao, từ 17%-18%/năm, có nơi còn huy động 19%/năm. Không thể trách NH thương mại vì bản thân thị trường liên NH là nơi các NH cho nhau vay nằm dưới sự quản lý trực tiếp của NH Nhà nước mà lãi suất có khi còn đến 22%-23%, nói gì đến NH thương mại đi vay của dân (huy động tiền gửi tiết kiệm của các đối tượng dân cư). Muốn lãi suất bên ngoài thấp, nền tảng lãi suất liên NH phải thấp, nhiệm vụ bình ổn này thuộc về NH Nhà nước. 
Bên cạnh kiểm soát lãi suất huy động, các chỉ tiêu về an toàn của NH Nhà nước cũng bất cập. Ví dụ, cho phép các NH cho vay bằng 80% vốn huy động nhưng báo cáo của các NH cho thấy tỉ lệ này không được tuân thủ. Nhiều NH lớn giữ lại 20% của nguồn vốn khổng lồ “rồi vác tiền đi buôn trên thị trường liên NH”, còn 20% của NH nhỏ không đáng là bao nên thường bị “siết” khi cần vốn. Bản thân NH nhỏ có bao nhiêu tiền thì tìm cách cho vay hết, khi không thu hồi được khoản vay, lập tức gặp khó về thanh khoản.
TS Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh: Lãi suất NH ở nước ta hiện nay cao nhất thế giới và cực kỳ méo mó. Lãi suất ngắn hạn cao hơn dài hạn, lãi xuất không kỳ hạn gần bằng lãi suất có kỳ hạn, lãi suất tiền gửi và cho vay đều cộng thêm phí. Đây là hiện tượng không bình thường trong hệ thống NH.
Cần khống chế lãi suất cho vay
Theo ông Trương Đình Tuyển, khống chế lãi suất huy động là làm lợi cho NH, còn khống chế lãi suất cho vay mới bảo vệ được người sản xuất kinh doanh (đối tượng vay vốn). Do khống chế lãi suất huy động không hiệu quả nên các doanh nghiệp (DN) đang phải vay vốn với lãi suất hơn 20%/năm.
Gần đây, nhiều chuyên gia tài chính cũng lên tiếng về việc nên chặn lãi suất đầu ra thay cho đầu vào. TS Cao Sỹ Kiêm, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tiền tệ quốc gia kiêm Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, cũng cho biết các DN đang kêu ca nhiều về việc phải vay vốn quá đắt, không thể bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi.
Quy định trần lãi suất cho vay sẽ tốt hơn vì theo cách quản lý hiện tại, đầu vào dâng lên thì đầu ra cũng dâng lên khiến DN phải chịu lãi suất cao. Còn khống chế trần cho vay sẽ chấm dứt hiện tượng đua nhau tăng lãi suất huy động. NH nào huy động cao thì lãi ít, thu nhập ít, buộc phải có sự cạnh tranh lành mạnh hơn.
Luật NH Nhà nước quy định khi thị trường tiền tệ diễn biến bất thường, NH Nhà nước có quyền can thiệp để đưa thị trường trở lại ổn định nên NH Nhà nước hoàn toàn có thẩm quyền quy định trần lãi suất cho vay thay vì trần huy động mà không vi phạm nguyên tắc thị trường. Đây là biện pháp hành chính, có thể áp dụng trong thời gian ngắn để ổn định thị trường. Tuy nhiên, TS Cao Sỹ Kiêm cho biết chưa thấy NH Nhà nước nói về khả năng thực hiện biện pháp này.
Phương Anh / NLĐ