Thứ hai, 25/1/2010, 10h01

Đề xuất áp giá sàn cước di động: Cuộc “tranh luận” của các nhà mạng

Có nhất thiết phải áp dụng giá sàn đối với cước di động, hay cứ để xảy ra cuộc “chiến tranh” về giá?
Lo ngại một cuộc “chiến tranh về giá cước di động sẽ sớm xảy ra, hai tập đoàn viễn thông lớn nhất nước là Viettel và VNPT đã đề xuất Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện áp giá sàn đối với cước di động.
Nếu như đề xuất này được Bộ thông qua, “vũ khí” cạnh tranh chủ đạo của các mạng di động nhỏ và mới gia nhập thị trường là giá cước sẽ không còn nữa, khi đó, cơ hội tồn tại và phát triển của các mạng này càng trở nên khắc nghiệt.
Hơn nữa, nếu áp giá sàn cước di động, nhiều người lo ngại thị trường viễn thông di động sẽ quay trở lại thời kỳ độc quyền, và người tiêu dùng sẽ là đối tượng chịu thiệt nhiều nhất.

Người tiêu dùng sẽ là đối tượng chịu thiệt nhiều nhất với việc áp giá sàn đối với cước di động?

Có nên áp giá sàn cước di động? Nếu áp giá sàn thì hệ lụy của nó là gì?... Phóng viên đã trao đổi với đại diện bốn nhà mạng là Viettel, VinaPhone, Beeline và Vietnamobile, để tìm hiểu quan điểm của họ.
Theo các ông, khi nào thì mới nên áp dụng giá sàn cho cước di động?
Ông Nguyễn Mạnh Hùng (Phó tổng giám đốc Viettel): Việc thực hiện giá sàn là để chống cạnh tranh không lành mạnh, vì khi cước di động được bán dưới giá thành thì những doanh nghiệp lớn là những người "chết" trước, vì họ đã đầu tư với nguồn vốn rất lớn.
Ở nước nào người ta cũng thực hiện giá sàn, vì nó tốt cho doanh nghiệp và cho người dân...
Ông Hồ Công Việt (Trưởng phòng Kinh doanh VinaPhone): Việc áp dụng giá sàn nhằm loại bỏ tình trạng doanh nghiệp bán dưới giá thành, tránh gây ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp và của chính khách hàng trong việc hưởng thụ các dịch vụ chất lượng.
Ông Sergey Zakuraev (Giám đốc Thương mại Beeline Việt Nam): Thông thường người ta chỉ khống chế giá trần để tránh các doanh nghiệp đẩy giá lên cao, chứ ít ai thực hiện giá sàn để làm giảm đi cuộc cạnh tranh lành mạnh, gây thiệt hại đến quyền lợi của người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Xuân Quân (Phó tổng giám đốc Vietnamobile): Thực hiện giá sàn chính là thực hiện vai trò quản lý của Nhà nước. Việc quản lý - điều tiết ở đây được hiểu là sự can thiệp vào những vấn đề khi thị trường không tự điều chỉnh được, khiến thị trường có thể đổ vỡ hoặc ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng. Nhưng, những dấu hiệu đó ở đây đều chưa có.
Trong quản lý cạnh tranh, người ta chỉ lo các công ty có thị phần khống chế, sử dụng vị thế của mình để triệt tiêu cạnh tranh, vì nếu sau khi các công ty đó tiêu diệt được các công ty nhỏ sẽ quay sang khống chế người tiêu dùng. Đấy mới là điều đáng lo ngại nhất.
Tôi chưa thấy ở đâu người ta lại đi lo những công ty nhỏ có thể “xử lý” được những công ty lớn. Tất nhiên là cũng nên có một số chế tài để các công ty nhỏ hoạt động trong khuôn khổ pháp luật.
Quay lại thời độc quyền?
Việc áp giá sàn cước di động, nếu xảy ra, liệu sẽ ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động của doanh nghiệp các ông?
Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đều dự đoán chiến tranh giá cước viễn thông ở Việt Nam nếu không xảy ra trong năm 2010 thì chắc chắn sẽ xảy ra trong năm 2011, vì thế tôi cho rằng cần thiết phải áp dụng đối với giá sàn cước di động.
Nếu cuộc cạnh tranh giá cước xảy ra, sẽ khiến các doanh nghiệp viễn thông sẽ không có lãi nữa, dẫn đến không có tích lũy và không có khả năng đầu tư phát triển hạ tầng vào những vùng sâu, vùng xa và mở rộng đầu tư ra nước ngoài.
Những mạng mới ra đời đầu tư rất ít, chỉ bằng khoảng 1/10 so với các mạng lớn, như Viettel đầu tư tới 30.000 trạm BTS tới cả những vùng sâu vùng xa khó đầu tư, và ít có lãi, nhưng các doanh nghiệp mới chỉ đầu từ khoảng 2.000- 3.000 trạm, lại chỉ chủ yếu đầu tư ở thành phố có khả năng sinh lời cao, chi phí thấp. Vì thế các doanh nghiệp này bán giá rẻ hơn mức giá thành trung bình so với những doanh nghiệp lớn đầu tư tới mấy chục nghìn trạm, nên các doanh nghiệp lớn sẽ bị thiệt và có thể bị mất khách hàng.
Chính vì thế, các doanh nghiệp lớn phải chấp nhận lỗ giảm giá  theo để cạnh tranh, vì thế sẽ dẫn đến “chiến tranh” về giá, do chính các doanh nghiệp nhỏ phát động và tất cả đều lỗ. Lúc đó, có những doanh nghiệp sẽ bị tụt khỏi thị trường, những doanh nghiệp còn lại sẽ bắt đầu tăng giá, vì thế vừa mất đi tính cạnh tranh mà giá lại vừa tăng cao.
Quy định của pháp luật là không được bán dưới giá thành, tuy nhiên Bộ Thông tin và Truyền thông lại chưa ban hành giá thành nên chưa thể kiểm soát được giá của doanh nghiệp, không có con số cụ thể nên không thể biết được doanh nghiệp có bán dưới giá thành hay không.
Ông Hồ Công Việt: Hiện nay, giá cước di động của Việt Nam đang ở mức thấp của khu vực, vì thời gian qua các nhà mạng đã liên tục tung ra các chính sách giá cước, các gói cước hấp dẫn để giành giật thị phần.
Tuy nhiên, xu hướng giảm giá cước vẫn chưa thể khẳng định là sẽ dừng lại, nhất là khi đã và đang có sự tham gia thị trường của nhiều mạng mới. Bên cạnh đó, các mạng đã bỏ số tiền khá lớn vào đầu tư cho mạng 3G. Vì thế, trước mắt, việc cạnh tranh về lượng thị phần thuê bao vẫn rất quan trọng với nhà mạng.
Tôi cho rằng cần thiết phải áp dụng giá sàn, để thị trường cạnh tranh lành mạnh chứ không cạnh tranh theo kiểu… phá giá, vì nếu không các nhà mạng sẽ lại phải lao vào cuộc đua giảm giá cước và như thế sẽ ảnh hưởng rất lớn đến doanh thu của nhà mạng, do đó doanh nghiệp sẽ không có tích lũy để mở rộng đầu tư hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển công nghệ mới…
Ông Sergey Zakuraev: Việc thực hiện đề xuất giá sàn của các nhà mạng lớn vô hình chung lại dẫn dắt thị trường viễn thông Việt Nam quay trở lại thế độc quyền. Rõ ràng các mạng mới nhập cuộc không thể cạnh tranh trực tiếp với các nhà mạng lớn, chiếm thị phần khống chế, nên nếu đề xuất này được áp dụng sẽ kiềm chế sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ.
Nếu áp dụng giá sàn, chắc chắn chúng tôi sẽ phải có những chính sách phù hợp với thời cuộc.
Chúng tôi tin rằng sự cạnh tranh công bằng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng, và đó chính là hướng đi tốt nhất cho sự phát triển của mọi ngành công nghiệp. Chúng tôi cũng đánh giá cao những nỗ lực của Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc đưa ra những quy định viễn thông nhằm ngăn chặn những cạnh tranh thiếu công bằng. Tôi hy vọng tất cả những thay đổi này sẽ được thực hiện một cách nghiêm túc và đúng đắn với sự tham gia của tất cả các nhà mạng.
Ông Nguyễn Xuân Quân: Như tôi đã nói ở trên, ở đây chưa có dấu hiệu gì để thực hiện giá sàn cả.
Còn nếu áp dụng giá sàn, chắc chắn sẽ hạn chế tới hoạt động của mạng Vietnamobile chúng tôi. Vì, với một nhà mạng nhỏ và khai thác thị trường chưa lâu, một trong những thế mạnh để thu hút khách hàng là có chính sách về giá cước linh hoạt và hấp dẫn.
Khi thực hiện giá sàn chắc chắn Vietnamobile sẽ khó khăn hơn rất nhiều trong việc tạo ra các gói cước tốt dành cho nhiều đối tượng khách hàng khác nhau. Việc này không chỉ khiến các nhà mạng nhỏ khó khăn trong việc thu hút khách hàng, mà còn làm hạn chế quyền lựa chọn của khách hàng trên thị trường.
Quyền lợi của khách hàng
Nếu áp dụng giá sàn đối với cước di động thì người tiêu dùng sẽ được lợi gì, theo các ông?
Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Có giá sàn là để bảo vệ quyền lợi của các bên, vì doanh nghiệp có sống được thì mới đảm bảo chất lượng dịch vụ, mới có tích lũy để đầu tư tiếp, từ đó nhà mạng sẽ cạnh tranh nhau bằng chất lượng dịch vụ, sự đa dạng của dịch vụ, chứ không phải giá rẻ nhưng chất lượng không tốt. Đó mới là quyền lợi lớn nhất mà người tiêu dùng được hưởng.
Ông Hồ Công Việt: Nếu bắt buộc phải lao vào cuộc đua giảm giá cước để giành và giữ thị phần thì chắc chắn chỉ có những doanh nghiệp nhỏ bị thiệt thôi. Các doanh nghiệp lớn chấp nhận giảm một phần lợi nhuận, nhưng với những nền tảng đã có của mình như hạ tầng mạng lưới, thương hiệu, chất lượng dịch vụ, hệ thống bán hàng… thì chắc chắn các doanh nghiệp nhỏ khó mà có thể cạnh tranh nổi.
Tuy nhiên, nếu có giá sàn, doanh nghiệp sẽ không phải lao vào cuộc đua giảm giá, nên có điều kiện để rộng đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ và đa dạng các dịch vụ để cung cấp cho khách hàng. Còn nếu giá rẻ mà chất lượng không tốt thì người tiêu dùng sẽ quay lưng lại ngay
Có điều, người tiêu dùng Việt Nam hiện vẫn còn tâm lý cứ cái gì rẻ là thích, dù chưa biết chất lượng của nó có tốt hay không.
Ông Sergey Zakuraev: Theo tôi, người tiêu dùng đều nhận thức được giá trị của cạnh tranh lành mạnh trên thị trường viễn thông là như thế nào. Kể từ khi gói cước Big Zero "Nói quên ngày tháng" của Beeline ra mắt, các nhà mạng khác cũng đã phải xem xét lại chính sách nội mạng của mình. Khách hàng của tất cả các nhà mạng đều được hưởng lợi.
Bởi vậy, theo tôi, nếu thực hiện giá sàn thì chắc chắn người tiêu dùng sẽ bị thiệt nhất.
Ông Nguyễn Xuân Quân: Tôi nghĩ người tiêu dùng Việt Nam bây giờ rất hiểu biết, và người ta biết chính sách đấy là làm lợi cho ai: cho nhà mạng hay cho khách hàng.
Người tiêu dùng sẽ có đủ khả năng để lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ nào đảm bảo chất lượng hàng hóa và giá cả dịch vụ. Nên việc thực hiện giá sàn hay không sẽ không liên quan gì đến quyền  lựa chọn của người tiêu dùng.
Giá thấp, “cửa” duy nhất
Giá cước rẻ vẫn được coi như là “vũ khí” cạnh tranh chủ đạo của các mạng di động nhỏ, nhưng nếu đề xuất áp dụng giá sàn được chấp thuận thì liệu các nhà mạng nhỏ có còn “vũ khí” nào khác để cạnh tranh, theo các ông?
Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Các công ty mới ra đời bao giờ cũng phải dùng giá rẻ để cạnh tranh. Ngày trước Viettel cũng thế. Đó là “cửa” duy nhất để các mạng mới có thể cạnh tranh và tồn tại.
Vì thế giá thấp vẫn là “vũ khí” của các mạng di động mới. Vấn đề ở đây là Bộ Thông tin và Truyền thông nên xây dựng và ban hành mức giá thành để các doanh nghiệp căn cứ vào đó xây dựng chính sách giá cho mình, đồng thời để cơ quan quản lý lấy đó làm phương pháp quản lý giá cước của doanh nghiệp.
Viettel luôn khuyến khích các doanh nghiệp mới bán giá thấp, nhưng không nên bán dưới giá thành.
Ông Hồ Công Việt: Theo tôi, hiện ba mạng di động lớn của Việt Nam là VinaPhone, Viettel, MobiFone đã chiếm gần hết thị phần, khoảng 95%. Nên, những doanh nghiệp nhỏ mới gia nhập thị trường, nếu phải cạnh tranh tương đồng về giá cả, loại hình dịch vụ với các nhà mạng lớn thì sẽ vô cùng khó khăn.
Tuy nhiên, các mạng nhỏ cần xác định khả năng và tiềm lực để đầu tư vào những dịch vụ có lợi thế của mình, đặc biệt cần tìm ra cơ chế hoạt động, kinh doanh đặc thù, tạo ra sự khác biệt, khác hẳn với những nhà mạng lớn, ví dụ như phát triển dịch vụ viễn thông di động ở các vùng du lịch, cửa khẩu, khu công nghiệp… chẳng hạn. Từ đó có những chính sách ưu đãi tối đa, tạo ra thế mạnh hơn hẳn so với các mạng lớn. Như thế tôi nghĩ khả năng thành công sẽ cao hơn.
Ông Sergey Zakuraev: Chúng tôi là nhà mạng quốc tế, với thương hiệu lâu năm tại châu Âu. Chúng tôi đã từng đi lên ở những thị trường cạnh tranh khốc liệt và vẫn tồn tại. Phải nói rằng các nhà mạng hiện tại ở Việt Nam đã rất thành công chính vì vậy, Beeline phải không ngừng hoàn thiện mình trong thời gian ngắn nhất.
Mở rộng vùng phủ sóng là một trong các mục tiêu hàng đầu của Beeline. Hiện chúng tôi đã rất nỗ lực trong một thời gian ngắn phủ sóng hơn 40 tỉnh thành trên toàn quốc chỉ sau 6 tháng ra mắt, ngoài ra là những chiến dịch marketing cũng sẽ được Beeline đẩy mạnh. Tất nhiên, một nhà mạng mới như Beeline rất cần sự ủng hộ về chính sách.
Ông Nguyễn Xuân Quân: Trong hoạt động cạnh tranh không ai hoàn toàn dựa vào giá cước mà phải dựa vào tổng thể, như xây dựng thương hiệu, chất lượng sản phẩm, dịch vụ, hệ thống phân phối, chính sách chăm sóc khách hàng…
Trong trường hợp có giá sàn thì mình sẽ mất đi vũ khí cạnh tranh linh hoạt bằng giá cước, mất đi các gói cước đa dạng mà phải tập trung vào những yếu tố còn lại trên. Nhưng như thế nó không đầy đủ, không mang tính thị trường và mang tính áp đặt.
Lượng nhà mạng: Đã nhiều hay chưa?
Hiện Việt Nam có 7 doanh nghiệp đang khai thác dịch vụ viễn thông di động, và sắp tới sẽ có thêm nhiều nhà mạng mới. Theo các ông, liệu như thế có quá nhiều?
Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Theo một tổ chức tư vấn của Mỹ nghiên cứu về việc đầu tư vào hạ tầng, quy mô và chất lượng đối với lĩnh vực viễn thông di động, thì gần như ở quốc gia nào cũng chỉ tồn tại 3 nhà mạng phát triển mạnh nhất, chiếm thị phần tới 90 - 95%.
Số thị phần còn lại chia cho các mạng là rất ít, nên các mạng này về lâu dài sẽ rất khó có thể cạnh tranh và phát triển bền vững được. Nếu cơ quan quản lý cấp quá nhiều giấy phép, các mạng mới ra đời không cạnh tranh, phát triển được dẫn đến các doanh nghiệp mới sẽ phải sáp nhập hoặc phá sản. Như thế sẽ rất lãng phí nguồn lực, tài nguyên, hoặc nếu các doanh nghiệp này muốn cạnh tranh, phát triển thì sẽ phải bán dưới giá thành, khi đó sẽ trực tiếp đẩy các nhà mạng lớn phải chạy theo bán dưới giá thành.
Ông Hồ Công Việt: Theo tôi là hơi nhiều. Nhưng cũng có cái hay, tích cực là các mạng sẽ phải cạnh tranh khắc nghiệt hơn và không ngừng hoàn thiện chất lượng dịch vụ của mình.
Ông Sergey Zakuraev: Theo quan điểm của tôi, số mạng di động không quan trọng bằng việc các dịch vụ cung cấp đến người tiêu dùng Việt Nam thế nào. Sự cạnh tranh sẽ mang đến nhiều lợi ích cho người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Xuân Quân: Ở châu Âu việc có nhiều nhà mạng là rất bình thường, không ít nước có tới 10- 12 nhà mạng, có những mạng rất nhỏ. Chính những mạng nhỏ mới có cơ hội để khai thác những nhu cầu nhỏ, những mảng mà các mạng lớn chưa khai thác. Với dân số khoảng 86 triệu người như ở Việt Nam thì theo tôi, 7 - 8 mạng không phải là nhiều.
Theo VnEconomy