Thứ bảy, 1/11/2014, 15h11

Doanh nghiệp tố siêu thị làm khó

Độc quyền, ép giá và trả tiền chậm là những lý do phổ biến khiến việc tiếp cận siêu thị của nhiều đơn vị gặp khó khăn

Doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm tại hội nghị ngày 31 -10 - Ảnh: Q.Định
Tại hội nghị sơ kết chương trình Hợp tác thương mại, kết nối cung cầu giữa TP.HCM và các tỉnh, thành năm 2014 diễn ra ngày 31-10 ở TP.HCM, nhiều doanh nghiệp tỏ ra ngán ngẩm khi nhắc đến câu chuyên xâm nhập thị trường, đặc biệt là hàng vào siêu thị.
Độc quyền, ép giá và trả tiền chậm là những lý do phổ biến khiến việc tiếp cận siêu thị của nhiều đơn vị gặp khó khăn, thậm chí thua lỗ vì sản xuất chi phí cao nhưng bán giá rẻ.
Dù trầy trật mới đưa được sản phẩm rượu sen vào hệ thống siêu thị nhưng bà Nguyễn Thị Bích Ly, phó giám đốc Công ty rượu Sen Hồng (Đồng Tháp), cho biết công ty đang hạn chế đưa sản phẩm này vào siêu thị bởi theo hợp đồng, mỗi tháng trả tiền một lần nhưng hầu như các siêu thị đều trễ hẹn, có khi hai tháng mới trả một lần.
Do đó, những doanh nghiệp vừa và nhỏ không có đủ chi phí quay vòng sản xuất. “Dù tiếp cận siêu thị gần ba năm nay nhưng hiện chỉ 1% lượng sản phẩm của công ty được các siêu thị tiêu thụ. Sắp tới, chúng tôi sẽ giảm đưa hàng vào siêu thị, thậm chí có thể rút hàng khỏi một vài siêu thị” - bà Ly nói.
Siêu thị hầu như độc quyền, o ép doanh nghiệp rất nhiều, ông Dụng Quý Đông, giám đốc Công ty trang trại Quý Đông (Bình Phước), khẳng định như vậy.
Theo ông Đông, hiện siêu thị cầm đằng chuôi, còn doanh nghiệp cầm đằng lưỡi.
“Siêu thị thường đứng ra soạn hợp đồng, nội dung chung chung, như khối lượng hàng lấy vào tùy thuộc sức bán của siêu thị, nên rất nhiều siêu thị ban đầu lấy 500kg, hôm sau 300kg và giảm dần đến mức doanh nghiệp ngán ngẩm. Họ đánh bật chúng tôi ra mà không thể làm gì họ” - ông Đông bức xúc.
Theo ông Đông, dù mặt hàng trái cây đã xâm nhập siêu thị Co.op Mart gần bốn năm nay nhưng lượng cung ứng vẫn đứng yên tại chỗ, còn các chuỗi hệ thống siêu thị khác như Big C, AEON hiện đã ngưng lấy hàng.
“Nhiều siêu thị đòi hỏi trái cây phải đạt tiêu chuẩn VietGAP, công ty về vận động nông dân trồng VietGAP, quay lại thì họ vẫn không lấy hàng với rất nhiều lý do, nên chúng tôi buộc phải đưa ra chợ đầu mối bán như hàng xô. Sản phẩm VietGAP bị chê, không biết siêu thị lấy sản phẩm gì?” - ông Đông nói.
Bà Bùi Thị Thảo, đại diện cửa hàng đặc sản Đà Lạt (Q.Phú Nhuận, TP.HCM), cho biết hiện nhiều hệ thống siêu thị trả giá rất “chát”, có đơn vị cho giá thấp hơn 20% so với hàng xuất bán cho các đơn vị bán lẻ nên dù thương thảo nhiều nhưng hàng hóa đưa vào siêu thị chẳng bao nhiêu.
Nhiều doanh nghiệp cũng bức xúc cho biết hàng vào siêu thị không được đứng tên thương hiệu trên sản phẩm của mình. Theo HTX nông nghiệp Thỏ Việt (Củ Chi, TP.HCM), hơn một năm trở lại đây hầu hết mặt hàng rau của đơn vị khi đưa vào siêu thị đều không được để nhãn của Thỏ Việt, thay vào đó siêu thị tự dán thương hiệu của mình lên khiến nguồn gốc mập mờ.
Ông Võ Thành Dương, phó chủ nhiệm HTX Phước An (Bình Chánh, TP.HCM), cũng không tán thành việc thay nhãn hiệu của đơn vị bằng nhãn của siêu thị.
“Việc không cho đơn vị đứng tên trên sản phẩm của mình làm doanh nghiệp mất đi quyền quảng bá thương hiệu. Hiện nay, siêu thị mua về tự ý đóng gói, nên chúng tôi không chịu trách nhiệm nếu chất lượng hàng có vấn đề, bởi biết đâu vỏ chúng tôi nhưng ruột người khác” - ông Dương nói.
Bà Nguyễn Thị Hạnh (tổng giám đốc Saigon Co.op)
Sức tiêu thụ của siêu thị có hạn
Tiêu thụ được bao nhiêu, chúng tôi lấy bấy nhiêu trong khi cung cầu đang mất cân đối.
Do đó, dù sản phẩm rau củ quả của nhà cung ứng sau vẫn đạt yêu cầu, vẫn có đủ tiêu chuẩn về an toàn nhưng chúng tôi không thể nhập hàng. Lúc đó sẽ so sánh về giá, nếu nhà cung cấp trước có giá tốt hơn, chúng tôi vẫn ưu tiên.
Theo tôi, doanh nghiệp đi sau phải tìm những sản phẩm đặc trưng vùng miền, độc đáo, lạ, bảo quản lâu có thể đi cả hệ thống, hoặc năng lực cung cấp đặc biệt là vào mùa tết sẽ nhiều “đất sống” hơn.
Phải có quy hoạch tổng thể, quy hoạch vùng, có dự báo thị trường để tránh nông dân sản xuất ra cùng một loại sản phẩm với số lượng lớn.
Từng sở NN&PTNT phải biết địa phương mình có sản phẩm thế mạnh nào để chú trọng vào phát triển, tập hợp nguồn lực sản xuất đủ đáp ứng cung ứng và xuất khẩu.
DŨNG TUẤN (TTO)