Thứ năm, 7/1/2010, 14h01

Đủ hàng để bình ổn giá dịp Tết

Các đơn vị tham gia bình ổn giá cam kết đủ khả năng đáp ứng lượng hàng đã đăng ký với TPHCM, thậm chí sẵn sàng tung hàng dự phòng với số lượng dồi dào để bình ổn giá khi thị trường có biến động
Chiều 6-1, Sở Công Thương TPHCM đã tổ chức họp báo về việc kiểm tra các doanh nghiệp (DN) tham gia bình ổn giá cả tết trên địa bàn TP. Bà Quách Tố Dung, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết tính đến ngày 5- 1, các DN đã dự trữ lượng hàng theo tiến độ giải ngân khá tốt. Nhiều DN đã chốt giá, trong đó có một số mặt hàng có giá thấp hơn so với tết năm ngoái.

Đến ngày 5-1, Saigon Co.op đã giải ngân được 91% vốn vay ưu đãi cho việc tham gia bình ổn giá. Trong ảnh: Quầy hàng thực phẩm chế biến trong hệ thống của Saigon Co.op. Ảnh: T. THẠNH
Không chỉ đủ mà còn vượ
Sở Công Thương, Sở NN-PTNT, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch-Đầu tư và quỹ đầu tư đã tổ chức 2 đợt kiểm tra các DN tham gia bình ổn giá Tết (từ ngày 7 đến 15- 12- 2009). Kết quả cho thấy tiến độ dự trữ hàng hóa Tết của 13 DN tham gia bình ổn là khá tốt. Công ty CP Chế biến thực phẩm Cầu Tre tham gia bình ổn 400 tấn thực phẩm chế biến, qua kiểm tra đã có 100 tấn thành phẩm và 1.000 tấn nguyên liệu.
Công ty Lương thực TPHCM tham gia 700 tấn gạo trắng, 1.500 tấn gạo thơm và 300 tấn nếp, thực tế trong kho đã dự trữ vượt mức đăng ký. Công ty CP Thành Thành Công đăng ký 2.000 tấn đường, kiểm tra kho có đến 1.000 tấn đường túi, 10.000 tấn đường bao. Công ty CP Đầu tư Vinh Phát đăng ký 2.200 tấn gạo thì trong kho đã trữ đến 18.000 tấn. Công ty Huỳnh Gia Huynh Đệ cũng đã chuẩn bị 750 tấn gà, vịt; Công ty Ba Huân sẵn sàng 20 triệu trứng gà, vịt...
Tuy nhiên, còn một số đơn vị qua kiểm tra cho thấy lượng hàng dự trữ đến thời điểm này vẫn chưa đủ như đã đăng ký. Cụ thể:  Công ty CP Thực phẩm công nghệ Sài Gòn tham gia bình ổn 2.100 tấn đường, 500 tấn dầu ăn, kiểm tra kho mới có 800 tấn đường, dầu ăn cũng mới có 200 tấn. Lượng hàng còn lại theo DN này báo cáo là cung ứng theo lượng bán hàng luân chuyển hằng tháng.
Công ty Vissan đăng ký tham gia bình ổn với 3.500 tấn thịt heo, trâu bò 550 tấn, thực phẩm chế biến 2.000 tấn, rau củ quả 1.000 tấn nhưng khi kiểm tra chỉ mới có 2.905 tấn heo, 12 tấn trâu bò, 738 tấn thực phẩm chế biến. Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) đăng ký 1.500 tấn gạo, 1.300 tấn nếp, 1.000 tấn dầu ăn, 1.400 tấn thịt heo, 150 tấn trâu bò, 1.000 tấn gà vịt, 500 tấn thực phẩm chế biến và 1.000 tấn rau củ quả.
Kiểm tra các kho Saigon Co.op mới chỉ có 400 tấn gạo, 350 tấn dầu ăn, các mặt hàng khác thì đơn vị cung cấp chứng từ ký kết thu mua theo kế hoạch giải ngân với quỹ đầu tư. Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn đăng ký bình ổn 2.000 tấn thịt heo, gà thả vườn 500 tấn, thực phẩm chế biến 100 tấn.
Khi kiểm tra tổng công ty này cũng chỉ thấy có 10.000 con heo, ký hợp đồng bên ngoài thêm 10.000 con, gà thả vườn có 430 tấn, tự nuôi 70 tấn và thực phẩm chế biến mới có 20 tấn. Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn đăng ký tham gia 1.000 tấn gạo trắng thường, 500 tấn gạo thơm, kiểm tra kho cũng mới có 200 tấn gạo thơm, còn gạo thường được báo cáo là dự trữ các kho ở siêu thị của đơn vị. 
Theo báo cáo từ các DN, số hàng còn lại họ sẽ tiếp tục được bổ sung vì vẫn còn thời gian. Các DN cũng cam kết với Sở Công Thương là bảo đảm đủ lượng hàng đăng ký, thậm chí vượt số lượng.
Chốt giá
Thông tin từ Sở Công Thương: tính đến ngày 5-1-2010 đã có 9 DN được giải ngân 100% vốn vay ưu đãi không tính lãi suất. Các DN còn lại như Vissan cũng giải ngân được 97%, Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn 95%, Saigon Co.op 91%. Riêng Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn giải ngân được 33%, do đơn vị này đang chờ giá gạo tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đang có xu hướng giảm để chốt giá có mức tốt nhất.
Bà Quách Tố Dung cho biết các đơn vị tham gia bình ổn giá cam kết là họ đủ khả năng đáp ứng lượng hàng đã đăng ký với TP, thậm chí sẵn sàng tung hàng dự phòng với số lượng dồi dào để bình ổn giá khi thị trường có biến động.
Các đơn vị tham gia bình ổn đã đăng ký giá Tết 2.300 đồng/trứng vịt, giảm 200 đồng/trứng so với tết năm ngoái. Gà ta 90.000 đồng/kg, thịt vịt không vượt quá 50.000 đồng/kg (tương đương năm ngoái). Giá đường đăng ký bán là 17.000 đồng/kg, dầu ăn từ 22.000 đồng - 24.000 đồng/lít. Gạo 25% tấm 8.000 đồng/kg, gạo 5% tấm 8.500 đồng/kg, gạo thơm từ 11.500 đồng - 13.500 đồng/kg. Công ty TNHH SX-TM thực phẩm Phú An Sinh đăng ký giá bán thịt heo đùi trước 62.000 đồng/kg, thịt heo đùi sau 65.000 đồng/kg, ba rọi 68.000 đồng/kg...
Gần đây, Vissan tăng giá bán thực phẩm chế biến phần nào làm cho người tiêu dùng nghi ngờ đơn vị này không thực hiện cam kết bình ổn giá. Theo bà Dung, Vissan giải thích có tăng giá thực phẩm chế biến nhưng đó chỉ là 13 mặt hàng thịt bò chế biến, còn 120 mặt hàng khác không tăng giá bán. Cũng theo bà Dung, các DN tham gia bình ổn nếu bán quá giá đăng ký sẽ bị xử lý.
DN vi phạm còn bị thu hồi tiền chênh lệch giá và không được tham gia chương trình bình ổn giá cho những năm tiếp theo. DN vi phạm cũng sẽ không được hưởng vốn vay ưu đãi, buộc phải đóng lãi suất hiện hành.  
Cho phép nhập khẩu 150.000 tấn đường
Trong tháng 1- 2010, các nhà máy đường sẽ sản xuất khoảng 230.000 tấn đường, cộng với lượng đường tồn kho tại nhiều DN là khá lớn, sẽ đủ sức cung cấp cho thị trường cuối năm. Thông tin từ Bộ NN-PTNT, sản lượng mía đường vụ 2009- 2010 ước đạt khoảng 1 triệu tấn đường, trong khi nhu cầu mặt hàng đường trong năm 2010 lên đến 1,2- 1,3 triệu tấn. Do đó, Bộ Công Thương cũng đã đồng ý cho phép nhập khẩu 150.000 tấn đường và tùy theo tình hình có thể cho phép nhập bổ sung khi thị trường có biến động.
NGUYỄN HẢI/NLĐ