Thứ tư, 23/4/2014, 14h04

Vang Đà Lạt - Tập trung công nghệ để vươn ra quốc tế

Vang Đà Lạt là loại rượu vang xuất xứ tại Đà Lạt, được chế biến từ nho và các loại trái cây đặc sản của vùng. Sau quá trình xây dựng thương hiệu, đến nay Vang Đà Lạt đã tạo được chỗ đứng trên thị trường trong nước.

Không dừng lại, công ty cổ phần Thực phẩm Lâm Đồng (Ladofoods) tiếp tục quyết định đầu tư công nghệ tiên tiến để đưa sản phẩm Vang Đà Lạt với thương hiệu “Vang Dalat” vươn xa ra thị trường quốc tế.

Từ thương hiệu nội

Vang Đà Lạt là một trong những thương hiệu rượu vang hàng đầu tại Việt Nam, sản phẩm Vang Đà Lạt của Ladofoods đã đứng vững trên thị trường nội bởi chất lượng sản phẩm cũng như việc đầu tư hiệu quả cho hệ thống phân phối.

Khâu đóng thùng rượu vang đưa ra thị trường tiêu thụ tại Nhà máy Ladofoods. (Ảnh: TTXVN)

Sản phẩm Vang Đà Lạt ra đời năm 1999 và được đăng ký nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ năm 2003. Thời gian đầu, Vang Đà Lạt chỉ sản xuất duy nhất một loại vang đỏ theo công nghệ châu Âu, hương vị “chính thống” của rượu vang.

Sản phẩm ra đời và được ghi nhận khi thị trường rượu vang ngoại “khó khăn”, còn vang nội thì nhỏ hẹp. Vang Đà Lạt đã được người tiêu dùng đánh giá với chính cái “gu” rất riêng, độc đáo, có sự hòa quyện giữa nét cổ điển của rượu vang phương Tây và tính chân phương, thân thiện, gần gũi của vùng đất và con người Đà Lạt.

Bên cạnh đó, với những nỗ lực không ngừng trong quá trình phát triển sản phẩm, tiếp thị, bán hàng, xây dựng và quảng bá thương hiệu, đến nay Vang Đà Lạt đã có mặt khắp các tỉnh thành trong cả nước với trên 2.000 điểm bán lẻ; danh mục sản phẩm cũng đa dạng về mẫu mã, chất lượng, hương vị với gần 40 chủng loại sản phẩm, đáp ứng được nhu cầu của nhiều tầng lớp, đối tượng tiêu dùng trong và ngoài nước.

Từ năm 2008 đến năm 2013, sản phẩm Vang Đà Lạt đạt tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 20%/năm và năm 2014, công ty đặt mục tiêu doanh thu đạt 160 tỷ đồng, tăng 10% so với năm trước.

Được biết, từ năm 2008, Ladofoods và Công ty P&P Import Export France (Pháp) đã hợp tác thành lập Công ty liên doanh Vang Đà Lạt-Pháp để đầu tư trang trại trồng nho rượu cũng như sản xuất chế biến các loại vang theo chất lượng của Pháp tại Lâm Đồng. Hiện tại, đã có bảy luống nho rượu được nhập khẩu và trồng thành công tại Đà Lạt-Lâm Đồng, trong đó có hai giống cho kết quả tốt, thích nghi với điều kiện tự nhiên ở đây.

Việc xây dựng và khẳng định thương hiệu Vang Đà Lạt đã được ghi nhận qua việc 12 năm liên tục đạt danh hiệu “Hàng Việt Nam chất lượng cao”; Giải thưởng Sao vàng Đất Việt (2003-2011); Giải thưởng Chất lượng Việt nam, thương hiệu nổi tiếng Việt Nam ba lần liên tiếp; Tốp 100 sản phẩm tốt nhất do người tiêu dùng bình chọn; Cúp kỷ lục thương hiệu rượu vang nổi tiếng nhất Việt Nam… Đặc biệt, được Chính phủ chọn làm thức uống chính thức phục vụ Hội nghị thượng đỉnh APEC lần thứ 14.

Có thể nói, trong hơn 10 năm xây dựng và phát triển thương hiệu, Vang Đà Lạt đã khơi dậy nét văn hóa tiêu dùng rượu vang của người Việt, đánh thức cộng đồng xã hội cảm nhận những nét độc đáo trong văn hóa rượu vang, tạo nên dấu mốc, điểm son khởi đầu để ngành chế biến rượu vang Đà Lạt nói riêng và Việt Nam nói chung phát triển.

Đến áp dụng công nghệ để vươn xa

Để tiếp tục giữ vững thương hiệu cũng như khẳng định sự thành công của sản phẩm Vang Đà Lạt, ông Phạm Hoàng Long, Phó Tổng giám đốc Ladofoods cho biết: Công ty đang chú trọng tới việc áp dụng công nghệ, đầu tư phát triển vùng nguyên liệu bền vững trên quy mô lớn tại Ninh Thuận và Bình Thuận.

Hiện Ban dự án phát triển vùng nguyên liệu tỉnh Ninh Thuận đã được Ladofoods thành lập vào tháng 8/2013 nhằm lập dự án phát triển vùng nguyên liệu phục vụ cho chế biến các sản phẩm rượu của công ty; triển khai mô hình trồng nho rượu theo phương pháp BIO của châu Âu.

Theo kế hoạch, giai đoạn một từ năm 2013-2014, công ty tập trung trồng nho rượu thử nghiệm từ giống, quy trình chăm sóc để nâng cao năng suất, chất lượng. Đặc biệt, công ty sẽ tuyển chọn những giống nho phù hợp với thổ nhưỡng của vùng đất Ninh Thuận.

Giai đoạn hai, từ năm 2015-2020, Ladofoods sẽ nhân rộng, phát triển diện tích trồng nho lên 100 ha, năng suất dự kiến khoảng 30 tấn/ha, để nâng công suất của Nhà máy Vang Đà Lạt lên 4-5 triệu lít/năm, hướng tới mục tiêu gia tăng thị phần trong nước, nâng cao chất lượng, mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước.

Vang Đà Lạt là thương hiệu rượu vang Việt Nam đầu tiên xuất khẩu ra nước ngoài tại một số thị trường như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Campuchia… Tuy nhiên, để tiếp tục vươn xa ra thị trường quốc tế, Ladofoods đang chú trọng đầu tư cho công nghệ, phát triển vùng nguyên liệu cũng như nguồn lực để phát triển các dòng sản phẩm chất lượng cao, đặc trưng cho từng thị trường.

Hiện nay, Vang Đà Lạt rất chú trọng trong tuyển chọn nguyên liệu từ những giống nho tốt để tạo ra các sản phẩm đặc trưng như: Vang Đà Lạt premium (sử dụng giống nho cabernet sauvignon, merlot), Vang Đà Lạt trắng Export (sử dụng giống nho chardonnay)…

Đặc biệt, có những dòng sản phẩm ra đời từ sự ứng dụng sáng tạo công nghệ ủ gỗ sồi như: Château Dalat, APEC 14, Excellence hoặc những sản phẩm như là một món quà tặng tinh thần thật sự có ý nghĩa cho người thân, bạn bè, tiêu biểu là bộ sưu tập Vang Đà Lạt với bốn chủng loại sản phẩm có tên nhãn đặt theo các loài hoa quý của Đà Lạt: La Tulipe, Pensée, Marguerite, Wild Rose.

Ông Phạm Hoàng Long, người đã có nhiều năm gắn bó với những bước đi của Vang Đà Lạt chia sẻ: "Giờ đây, tâm lý, định hướng tiêu dùng rượu vang ở Việt Nam đã hoàn toàn thay đổi. Nếu như trước đây, khi nhắc đến rượu vang, người tiêu dùng Việt Nam nghĩ ngay đến vang ngoại, điển hình là vang Pháp, thì ngày nay Vang Đà Lạt đã thật sự trở thành một thương hiệu vang nội đầu tiên, nổi tiếng và phổ biến nhất Việt Nam."

Với những bước đi vững chắc, đúng định hướng, Vang Đà Lạt có thể sánh vai cùng các thương hiệu mạnh không chỉ trong cộng đồng doanh nghiệp Việt mà trên thế giới, đáp ứng tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam./.

Thu Hà

(TTXVN/Vietnam+)