Thứ bảy, 27/3/2010, 09h03

Choáng với khả năng đặc biệt của người thợ khoá câm điếc

Ban đầu, những người ở gần tiệm sửa khoá của người thợ câm điếc (số 617 Cách Mạng Tháng Tám, Q. 3, TPHCM) đều tròn xoe mắt khi thấy anh tiếp cả khách Tây. Giờ, chuyện anh biết ngoại ngữ, mỗi ngày nhận cả chục cú “phôn”, tin nhắn của khách đã trở thành bình thường.
Dùng di động nhưng ngại… chuông reo  
Vừa câm vừa điếc, lại mở tiệm sửa khoá ngay trên đoạn đường có nhiều tiệm sửa khoá “kỳ cựu” nhất Sài Gòn, nhưng sau 30 năm, tiệm của anh Bùi Bích Tường (50 tuổi) không những trụ lại được mà càng ngày càng đông khách. 

Khách đông, anh Tường sắm điện thoại di động để tiện cho công việc. 
Một lần, chúng tôi đến tiệm sửa khoá, thấy anh đang trao đổi bằng tiếng Anh qua giấy bút với một vị khách nước ngoài về việc chị muốn làm lại chìa khóa chiếc xe máy. Thoả thuận giá cả xong, chỉ loáng một cái anh đã làm xong chiếc chìa khoá mới trong sự kinh ngạc của vị khách này. 
“Cái thằng Tường vừa câm vừa điếc vậy mà tinh lanh lắm, tay nghề nó giờ thuộc hàng “đệ nhất” Sài Gòn chứ chẳng chơi” - một người thợ sửa khoá trên đường Cách Mạng Tháng Tám, cũng thán phục. 
Giờ, khách nhiều, mỗi ngày ít nhất anh Tường kiếm được 150 ngàn đồng. Để tiện cho công việc, anh cũng tậu cho mình một điện thoại di động. 
Khách đến, anh trao đổi với họ bằng giấy bút. 
Anh cho biết nếu khách gọi theo số bàn thì người nhà của anh bắt máy rồi ghi ra giấy đưa cho anh. Những khách quen thì nhắn tin vào điện thoại di động cho anh biết để đến sửa khoá. 
Hiện nay đa phần khách liên lạc với anh qua điện thoại di động. Song mỗi khi có vị khách nào không biết anh câm điếc, gọi trực tiếp vào di động là anh phải hộc tốc chạy tìm người nghe hộ. 
Vô thanh nhưng hữu tình 
Ngoài sửa khoá, anh Tường vẫn dành thời gian rảnh rỗi để học tiếng Anh. Tủ khóa của anh luôn có 2-3 quyển từ điển. Chính sự kiên trì của anh đã khiến những người bạn câm điếc thích thú và thường đến xem anh học tiếng Anh như thế nào. Bởi đối với một người câm điếc học được tiếng Việt đã là quá gian nan. 
Không những biết tiếng Anh, anh còn biết chat. Qua chat, anh quen được rất nhiều bạn ở Mỹ, Philippin, Canada. Thỉnh thoảng, có người qua Việt Nam du lịch, còn tìm đến tiệm của anh. 
Bà Trịnh Nuôi Kính, mẹ anh Tường, kể, bà sinh được 4 người con, chẳng hiểu cớ gì riêng Tường lại không biết nói cũng chẳng biết nghe. Quẩn quanh tuổi thơ với mặc cảm người thừa, năm 15 tuổi, Tường quyết tâm tìm thầy học nghề sửa khoá. Song lúc mới mở tiệm, khách đến thấy anh chỉ biết ú ớ nên bỏ đi hết. 
Những người bạn câm điếc đến tìm hiểu việc anh học tiếng Anh. 
Tuyệt vọng, anh lang thang khắp phố không ngờ tìm được một nửa kia của đời mình. Chị Nguyễn Thị Lạc, một người câm điếc nhưng xinh đẹp đã đồng ý trao cuộc mình cho anh. Tìm được hạnh phúc, lẽ sống, anh quyết tâm đi học chữ, rồi quay lại nghề sửa khóa. 
Nhờ biết chữ, nên anh có thể “nói chuyện” (viết ra giấy) với khách. Cách đối thoại này không ngờ lại làm cho nhiều người yêu mến anh và trở thành mối quen. 
Năm 2003, anh lại suy sụp khi vợ anh đột ngột ra đi sau một cơn đau tim, để lại 3 đứa con gái nhỏ dại. Tiệm sửa khóa lại có nguy cơ dẹp xó khi anh lún sâu vào chán nản, rượu chè. Nhưng tình thương các con đã giúp anh gượng dậy sống hết mình với nghề sửa khóa để có tiền cho con ăn học. 
Chiều 25/3, chúng tôi đến tiệm sửa khoá, thấy anh đang tiếp 5- 6 người bạn câm điếc. Họ đang bàn chuyện tổ chức đi du lịch ở Vũng Tàu. Đây là những cuộc hội ngộ “vô thanh nhưng hữu tình” giúp anh Tường có thêm niềm vui sống. 
Theo Thiếu Huyền
 VietNamnet