Thứ hai, 24/11/2014, 20h11

Chợ...di động

Vợ chồng anh Thanh và chị Nương
TP.HCM là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, ra khỏi cổng là thấy chợ. Từ chợ hiện đại (hay còn gọi là siêu thị - super market) đến chợ truyền thống, từ chợ bán sỉ đến chợ bán lẻ, rồi chợ tạm, chợ chồm hổm - loại nào cũng có. Thời gian gần đây lại xuất hiện thêm một loại chợ - chợ… di động.
Gọi là chợ… di động vì lúc này “nó” ở đây, nhưng chỉ mươi phút sau “nó” lại xuất hiện ở chỗ khác. Chợ… di động không bắt “thượng đế” ra khỏi nhà mà chợ “gõ cửa” từng nhà “thượng đế”…
1.Sáng. Cư dân ở chung cư Sài Gòn Mới (thị trấn Nhà Bè, huyện Nhà Bè) mới vừa tỉnh giấc là đã nghe tiếng rao: “Ai tôm, cua, cá, mực… đây”. Tiếng rao đó đã trở nên quen thuộc với mọi người ở đây, ngày nào không nghe họ cảm thấy như thiếu cái gì.
Tiếng rao đó là của anh Nguyễn Văn Bình (SN 1960, quê Sóc Trăng). Ngày nào cũng vậy, mới tờ mờ sáng là anh chạy chiếc xe máy cà tàng từ phòng trọ ở xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè qua phà Bình Khánh sang Cần Giờ để lấy hàng. Mỗi ngày anh lấy vài chục ký tôm, cá, mực, cua, ghẹ rồi ngoắc đầy lên xe. Bên trái là giỏ cá, bên phải là giỏ cua, phía trước là giỏ mực… Nhìn cái xe của anh lủng lẳng giỏ lớn, giỏ nhỏ trông chẳng khác nào con bạch tuộc với mớ râu ria chĩa ra tứ phía.
Khi hàng đã chất đầy xe, anh bắt đầu hành trình mang “chợ” đến muôn nơi. Anh ghé chung cư Sài Gòn Mới cất tiếng rao: “Ai tôm, cua, cá, mực… đây” lần 1, rồi lần 2, lần 3, lần 5… Lác đác vài ba người di chuyển khỏi căn hộ xuống đất mua cho anh 3-4 trăm gam tôm, hay một ký cua, nửa ký cá. Tuy là đàn ông nhưng anh Bình cũng chịu khó lắm, “thượng đế” nào nhờ làm cá là anh làm rất sạch.
Thời gian anh Bình họp chợ ở chung cư Sài Gòn Mới chỉ khoảng 20-30 phút, tùy vào số lượng “thượng đế”. Sau đó, anh lại cùng với chiếc xe lủng lẳng giỏ lao về phía trước. Cứ thấy chỗ nào có hẻm, có ngõ… là anh lủi xe vào.
Cái chợ… di động của anh Bình không chỉ họp loanh quanh khu vực Nhà Bè mà cả ở Q.7, Q.4, rồi sang Q.1, Q.5. Anh Bình tâm sự: “Dạo này nhiều người bán hàng như tôi nên buôn bán cũng ế ẩm lắm. Có hôm tôi phải lòng vòng  5-7 quận, huyện, đi - về cả trăm kilômét mới bán hết hàng”.

Anh Hở vui mừng vì bán hết hàng sớm

2. “Đồng nghiệp” của anh Bình là anh Phạm Văn Thanh (SN 1977, quê Vĩnh Long). Không “tham” như anh Bình - bán 5-7 loại thực phẩm, anh Thanh chỉ bán một thứ duy nhất - tôm. Ngày nào cũng vậy, 3 giờ sáng là anh rời nhà ở Q.7 sang Cần Giờ lấy tôm. Chiếc xe đầu thì màu đỏ, thân lại màu xanh. Không phải tại anh thích xì-teen nên “chơi” hai màu chỏi nhau mà bởi nghèo quá không có tiền mua phụ tùng thay nên ai cho cái gì thì gắn cái đó. Mỗi ngày chiếc xe “cõng” anh và cái thau nhựa to đùng đựng đầy tôm rong ruổi khắp hẻm cùng ngõ cụt.
“Tôi thường bán ở Q.7 và Q.4 nhưng có khi phải chạy qua Q.12, Gò Vấp. Nhiều bữa, nắng làm mắt nổ cả đom đóm mà vẫn phải vừa chạy xe vừa rao. Rao đến khản cả tiếng, mồ hôi tuôn ra như tắm… Vậy mà mỗi ngày trừ chi phí còn lại chỉ khoảng hơn 100 ngàn đồng”, anh Thanh tâm sự.
Khi được hỏi tại sao không vào chợ bán mà cứ phải chạy từ làng trên xuống xóm dưới như vậy, anh Huỳnh Văn Hở (47 tuổi, quê Bến Tre) - chuyên bán nghêu, ốc, trả lời: “Cũng muốn vào chợ nhưng vào chợ thì phải đóng thuế, tiền chỗ ngồi. Số tiền này cũng nhiều lắm, nhiều hơn cả tiền xăng chạy đi bán nữa. Đã thế, bán trong chợ không được nhiều như bán dạo”.
Cũng theo anh Hở thì bán dạo chủ yếu là bán cho khách quen. Muốn có khách quen thì phải bán hàng tươi ngon, cân đủ… “Mình buôn bán thật thà nên khách cũng thương. Mặc dù nhà còn nhiều thức ăn nhưng họ vẫn mua ủng hộ”, anh Hở cho biết.
Cái nghề mà anh Bình, anh Thanh và anh Hở chọn.. có nhiều rủi ro lắm. Vì là tôm, cá, nghêu… nên để qua đêm là hư hết. Bởi vậy: “Mỗi ngày chỉ lấy đủ số hàng mà mình có thể bán hết, không dám lấy nhiều. Hôm nào mà chiều rồi vẫn còn nhiều hàng thì phải giảm giá, thậm chí lỗ vẫn phải bán”, anh Hở kể.
 
3. Vất vả kiếm từng đồng bạc lẻ như vậy nhưng cuộc sống của những người như anh Bình, anh Thanh, anh Hở… mãi vẫn không thoát khỏi khó khăn.
Gia đình anh Hở (4 người - 2 vợ chồng và 2 đứa con) sống chen chúc trong một căn phòng trọ chật hẹp. Nhưng cũng đành phải chịu vì làm gì có tiền mà thuê phòng lớn hơn.
Anh Thanh thì “khá hơn”, không phải thuê nhà - anh dành số tiền dùng để thuê nhà đóng tiền học cho cậu con trai duy nhất là Phạm Trọng Tín đang học lớp 4/3 Trường Tiểu học Lê Quý Đôn, Q.7.
Anh Thanh kể: “Tôi rời quê nhà lên Sài Gòn từ khi mới mười mấy tuổi, làm đủ thứ nghề để kiếm sống. Sau khi lập gia đình và có con, tôi đi dọc các con sông ở Q.7, Q.8 giăng lưới bắt cá cho vợ bán. Bây giờ không còn cá nữa nên đi mua bán. Trước đây, gia đình tôi cũng thuê phòng trọ để ở nhưng giá cắt cổ. Có nhiều tháng không đủ tiền để đóng, bị chủ nhà chửi thậm tệ. Hai năm trước, người bà con thương tình cho tôi cái ghe hư để ở. Từ đó đến nay chúng tôi sống trên ghe”.
Chiếc ghe của vợ chồng anh Thanh giờ chỉ là một đống tạp nham nào gỗ, nào sắt, nào lưới đánh cá cũ, rồi bao bì, tóm lại nhìn rất thê thảm. Nó được neo cố định ở kênh Tẻ đường Trần Xuân Soạn, Q.7. Xung quanh ghe là rác, lục bình từ khắp mọi nơi đổ về, nước dưới kênh thì đen xì. “Cứ mỗi khi có ca nô hay ghe, thuyền lớn chạy qua với tốc độ cao là mùi hôi thối dưới kênh lại bốc lên. Chúng tôi phải lấy bạt che chắn hai bên mạn ghe nhưng vẫn không ngăn được mùi hôi thối bay vào. Song, so với phòng trọ thì vẫn tốt hơn nhiều. Rộng rãi hơn, không phải nghe những tiếng chửi bới của ông chủ nhà, đặc biệt là tháng tháng không phải lo chạy vạy tiền để đóng tiền phòng”, chị Nguyễn Thị Nương - vợ anh Thanh, cho biết.
Sở dĩ những người như vợ chồng anh Thanh, anh Hở… phải cam chịu một cuộc sống vất vả ở nơi xứ người, không chỉ đơn giản là vì miếng cơm, manh áo cho bản thân mà trên hết là hoài mong về đời con tươi sáng hơn. “Từ ngày con vào lớp 1 đến giờ, hai vợ chồng tôi chưa dạy cho nó được chữ nào. Tất cả đều nhờ thầy, cô ở trường”, chị Nương - tâm sự.
Bài, ảnh: Hòa Triều