Thứ năm, 24/7/2014, 23h07

Chuyện về anh Thái “ít chữ”

o

Anh Thái cẩn tận kiểm tra lại bàn đạp và tay thắng những chiếc xe mà anh chuẩn bị tặng cho học sinh nghèo trong năm học mới sắp tới
 
Một lần cán bộ bảo ký biên lai để nhận tiền quận ủng hộ làm từ thiện nhưng anh Lê Văn Thái không biết ký, đành nhờ người đi cùng ký giùm. Lần khác lo giấy tờ cho con đi học, người ta đưa cho anh tờ giấy điền thông tin, anh đành chạy về nhà nhờ khách hàng ghi giúp. Hiện nay, anh Thái đã có thể ký và viết đầy đủ tên mình là nhờ có đứa con trai đang học lớp 4 chỉ giúp. Mặc dù “ít chữ” nhưng anh Thái lại có “tấm lòng vàng” với học sinh nghèo.
Tiếp nối truyền thống gia đình
Anh Thái năm nay 39 tuổi, nhưng gương mặt già dặn hơn tuổi thật. Hàng xóm bảo do anh vất vả lao động để lo cho gia đình và lo phương tiện đến trường cho học sinh nghèo. Cả xóm nơi anh ở ai cũng biết cửa tiệm sửa xe máy của anh luôn sáng đèn đến khuya chỉ để tân trang… xe đạp cũ. Anh thường mua xe cũ rồi sửa sang thành xe mới dành làm quà cho học sinh nghèo. Anh Thái mê công việc này vì muốn cho các em có phương tiện đến trường, không phải chịu cảnh thiệt thòi vì không biết chữ như anh. Không biết ký tên khi cần, không biết tên đường khi lưu thông, không thể ghi thông tin trong tờ khai cho con đi học… theo anh Thái đó là những thiệt thòi rất lớn mà anh không muốn bất kỳ trẻ em nào “lăn vào vết xe đổ mà anh đã đi qua”.
Xoa xoa bàn tay đầy dầu nhớt vì mới sửa xe máy cho khách, anh Thái bồi hồi hồi tưởng về một tuổi thơ đã trót bỏ lỡ chuyện chữ nghĩa vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn. Gia đình anh ở Quảng Ngãi, ruộng rẫy ít nhưng có đến 9 người con. Hình ảnh mà cho đến suốt cuộc đời anh Thái không bao giờ quên là mâm cơm gia đình với mỗi bữa cơm mẹ chỉ nấu một lon gạo, độn với “kính thưa các loại củ”. Vậy mà vẫn không đủ miếng ăn cho cả nhà, nên cha mẹ anh thường nhịn đói để nhường cơm độn cho đàn con đang tuổi lớn và ăn khỏe. Việc lo miếng ăn chưa rồi, nên việc học của con cái trong gia đình cha mẹ anh cũng không lo nổi. Trong hồi ức anh chỉ nhớ “mình học có lẽ chưa hết lớp 2, nên chữ nghĩa bây giờ không rành”. 13 tuổi anh chân ướt chân ráo vào TP.HCM theo người anh trai để học nghề sửa xe đạp. Khi nghề xe đạp rành, anh lại theo học nghề sửa xe máy. Người chủ tiệm đòi chi phí 3 chỉ vàng. Tưởng là ước mơ sửa xe máy đã dừng ở đó vì không có tiền đóng. Nhưng may thay, cuối cùng người anh trai nhờ bạn bè giúp cũng tìm được cho anh chỗ “học thí công”. Với đức tính cần cù, thật thà nên anh được vợ chồng ông chủ thương, vừa dạy nghề, vừa cho chỗ ăn ở và lại còn phát lương cho người học trò ngoan hiền.
Đến năm 1996, anh Thái ra nghề và thuê chỗ mở tiệm ở Gò Vấp. Anh ở đâu khách hàng cũng nhiều vì người ta quý mến bản tính kỹ lưỡng và chân thành nơi con người anh. Một người mà theo nhận xét của khách hàng thì anh không có gì nổi bật về hình thể bên ngoài, nhưng cái đặc biệt anh có được là tấm lòng nhân ái…
Người của tình yêu thương
Tiệm sửa xe ở địa chỉ 276 Hồng Lạc, phường 11, quận Tân Bình, TP.HCM cho dù không được vuông vức, thậm chí là quá chật chội với diện tích không quá 14m2 nhưng khách hàng lúc nào cũng đông. Bà Đỗ Thị Tâm, người hàng xóm của anh vui miệng bảo “tiệm sửa xe máy nhưng lúc nào cũng có xe đạp dựng phía trước là cô biết rồi. Cho dù khách đông nhưng ngày nào chú ấy cũng tân trang xe đạp cũ bởi trong lòng chú ấy cũng nghĩ đến học sinh nghèo”.
Công việc thiện nguyện này bắt đầu đến với anh Thái từ năm 2004. Khi ấy anh còn trọ ở Gò Vấp. Tình cờ một lần anh nghe một nam học sinh kế phòng trọ nói với ba mẹ rằng em muốn có chiếc xe đạp để tự đi học, không phải phiền ba mẹ đưa đón, ảnh hưởng đến công việc và thu nhập của gia đình. Tuy nhiên, ước mong nhỏ nhoi của cậu bé không thể trở thành hiện thực vì cha mẹ em làm thợ hồ, thu nhập bấp bênh. Anh xót xa nhớ đến ngày thơ bé. Ước mơ duy nhất của tuổi thơ ấy cũng là một chiếc xe đạp để đi học với chúng bạn nhưng không thành. Nghĩ đến đó, anh Thái đã quyết tâm làm điều anh muốn là mua một chiếc xe đạp cũ của chị bán ve chai với giá 150.000 đồng. Rồi anh sơn lại màu mới, thay những phụ tùng đã cũ. Cho đến lúc này anh vẫn còn nhớ như in hình ảnh cậu bé nhảy cẫng lên vì vui sướng khi nhận chiếc xe đạp từ tay anh trao. Anh cũng kể cho tôi nghe thêm về một trong những kỷ niệm cảm động nữa mà anh vẫn còn lưu trong tâm trí là trường hợp một em học sinh nữ lớp 8. Cha mẹ em đã ly dị nên em phải sống với gia đình người bác. Để khỏi phải phiền hà người bác đưa đón, em mong lắm có một chiếc xe đạp để đi học nhưng không dám nói với ai. Nên khi nhận xe từ bàn tay anh Thái trao, cô bé đã khóc vì vui mừng.
Tiếng lành đồn xa, nỗ lực của anh Thái ngày càng được nhiều người biết đến khi anh chuyển cửa tiệm về đường Hồng Lạc (quận 11), ngay sát bên Chi hội Từ thiện Bình Phú Đông. Các nhân viên ở đây sau mỗi chuyến từ thiện lại giới thiệu thêm những “ứng viên” mới từ nhiều vùng quê nghèo. Chi hội cũng cho anh chỗ “trữ” những chiếc xe đạp đã tân trang và cả những chiếc xe cũ chưa kịp sửa như là cách đồng hành với anh trong công tác từ thiện. Nhiều tổ chức, mạnh thường quân và bạn bè cũng ủng hộ việc anh Thái đang làm bằng cách tặng tiền mặt, hay cho anh những chiếc xe đạp do gia đình họ có hai chiếc hoặc khi con họ có nhu cầu dùng xe máy thì lập tức nhường xe đạp lại cho anh.
Trong cửa tiệm chật chội, nơi tươm tất nhất là nơi anh Thái treo các bằng khen đã được trao tặng một cách trân trọng. Đó là các bằng khen biểu dương gương “Người tốt việc tốt” của UBND TP và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - quận Tân Bình, giấy khen của UBND phường 10 về phong trào hiến máu nhân đạo tại địa phương…
Anh Thái thừa nhận mình “chỉ nhạy bén về nghề, còn chữ nghĩa thì tôi kém lắm”. Nhưng điều đặc biệt ở con người anh là biết quý và trọng cái chữ. “Khi con đặt bút viết ra, rồi hướng dẫn một gạch xuôi và một gạch ngang là chữ T, mình cũng làm y như con nói”. Điều tưởng là nhỏ nhoi đó, với cuộc đời anh Thái là một niềm hạnh phúc lớn. Anh bằng lòng với hạnh phúc mình đang có bên cạnh người vợ hiền và những đứa con ngoan. Nhưng có lẽ niềm hạnh phúc ấy sẽ thật sự trọn vẹn khi tâm nguyện của anh mãi được tiếp nối. Tôi không nghe anh nói về kế hoạch khi nào sẽ mua nhà, mà chỉ nghe anh bộc lộ về một ước mơ duy nhất là: “Tôi sẽ cố gắng duy trì việc tặng xe đạp cho học sinh nghèo hiếu học đến suốt cuộc đời, để các em có phương tiện đến trường”.
Bài, ảnh: Bích Vân

Hơn 100 chiếc xe đạp đến với học sinh nghèo

Một thành viên của Chi hội Từ thiện Bình Phú Đông cho biết: “Tính đến nay, hơn 100 chiếc xe đạp tân trang từ bàn tay cần cù của anh Thái đã đến được với học sinh nghèo ở Quảng Ngãi, Quảng Nam, Kiên Giang, Tiền Giang, TP.HCM và nhiều nơi khác mà anh Thái không thể nhớ hết. Thậm chí anh còn tặng xe đạp cho những gia đình nghèo, không có phương tiện đi lại. Riêng trong đầu năm học mới sắp tới, 15 chiếc xe đạp nữa sẽ được anh trao cho học sinh ở quận Tân Bình và 10 chiếc xe đạp khác sẽ được chuyển về cho học sinh nghèo ở miền quê thân thương của anh”.