Thứ sáu, 2/4/2010, 16h04

Đời vô gia cư

Bữa cơm của ông Nguyễn Văn Hai chỉ có muối tiêu, chai nước lọc mang theo vừa để uống vừa dùng làm canh

Đó là những phận đời nghèo khó, có thể tá túc ở bất kỳ nơi nào. Họ làm ăn lương thiện nhưng lại bị không ít người miệt thị, khinh khi…
“Công dân tạm”
Ông Nguyễn Văn Mộng (huyện Cần Đước, tỉnh Long An) nhẩm tính: “Đã hai năm, ba tháng, sáu ngày tôi sống như thế này”. Ông Mộng sống cùng người vợ hiền đã 40 năm nhưng không có con. Cuối năm 2007, vợ ông lâm bệnh nặng, căn nhà lá rỗng tuếch chưa đầy 30m2 cũng được bán để lấy tiền thang thuốc cho vợ. Tiền hết nhưng vợ ông vẫn không khỏi bệnh. Bà Mộng phải nằm “ké” trên đất của người hàng xóm. Chôn cất vợ xong, ông Mộng rời làng, đi lang thang lên thành phố.
Ông Mộng trở thành “công dân tạm” của huyện Bình Chánh, sau đó đến quận 8. “Thấy chỗ nào hoang vắng, trống trải là mình ghé nghỉ qua đêm. Có ai đuổi thì mình đi, không thì đêm lại về ngủ tạm”, ông Mộng nghẹn ngào. Gia tài của người đàn ông này không có gì quý giá ngoài chiếc xe đạp sườn ngang mà tính từ ngày “xuất xưởng” đến nay xấp xỉ tuổi 67 của ông. Ông khoe: “Tôi hỏi mua nó ở xưởng ve chai nhưng ông chủ thương hoàn cảnh tôi nên không lấy tiền. Có nó cũng đỡ lắm, chứ thân già này không đủ sức để lội bộ đi bán vé số”.
Ngày làm việc của ông Mộng bắt đầu từ 5 giờ sáng và kết thúc vào lúc 22 giờ. Ông Mộng tâm sự: “Có hôm bán hết sớm nhưng phải đợi đến tối mịt mới về vì sợ người dân ở gần đó phát hiện và đuổi đi. Trong mắt họ mình là người xấu bởi có không ít người cho rằng tôi cờ bạc rượu chè ghê lắm nên mới ra nông nổi?!?”.
Bữa cơm 2.000 đồng
Chúng tôi đến bến phà Phước Lại (huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) vào một ngày cuối tháng 3. Là địa phận giáp ranh với xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè, TP.HCM, nổi tiếng về tệ nạn xã hội trong thập niên 90. Người chúng tôi cần gặp là ông Nguyễn Văn Hai, vừa bước qua tuổi 63. Ông có ba người con trai, hai người con đầu nghiện ngập, mắc bệnh nan y đã chết trong trại cải tạo hơn 10 năm trước. Nỗi đau chưa nguôi ngoai, thằng Út cũng bỏ ông bà mà đi vì tai nạn giao thông. Nhà cửa, ruộng vườn lần lượt sang tên cho người khác vì số nợ khổng lồ mà hai người con đầu để lại, vợ chồng ông đi ở “ké” đến nay cũng gần 7 năm.
Người dân địa phương gọi ông là “ông Hai ve chai”. Cái tên mà khi nghe người ta liên tưởng đến cái nghèo. Cậu bé chừng 4 tuổi xung phong dắt tôi đi gặp ông Hai. Ông tiếp chuyện tôi tại nơi làm việc của mình, đó là bãi xà bần mà địa phương đang tiến hành xây dựng bờ kè chống sạt lở. “Nhà tôi ở bên kia bến phà nhưng khi đến làm việc ở đây thì phải dỡ nhà theo luôn”. Nói là “nhà” cho oai chứ thật ra đó chỉ là một cái chòi rách bươm trông thảm hại vô cùng.
Xóm giềng thương hoàn cảnh ngặt nghèo của đôi vợ chồng ông Hai nên sắp xếp cho ông bà ngồi tại chỗ bốc xà bần và dồn cát vào bao. Những người làm chung còn góp tiền mua cho ông Hai cái máy rà sắt để ông kiếm thêm tiền từ việc rà phế liệu. Ông Hai tâm sự: “Trước giờ đám con tôi chơi bời, phá làng phá xóm không được lòng bà con, tôi buồn lắm. Mỗi khi ra đường, tôi không dám ngước mặt nhìn ai. Sống ở đây tôi mang ơn bà con nhiều lắm”.
Bữa trưa, phần ăn của ông Hai chỉ có cơm nguội và muối tiêu. Tay run run, khó khăn lắm ông mới đưa được từng muỗng cơm vào miệng. Khi mắc nghẹn, ông Hai vặn nắp chai nước suối (dùng để uống) chế vào hộp cơm để thay canh. “Ăn uống kham khổ thế này lấy sức đâu làm việc hả bác?”, tôi hỏi. “Hôm nay bà xã tôi bệnh không ai đi chợ. Ăn cho qua bữa thôi. Ngày nào mấy đứa cũng mang nhiều đồ ăn đến cho tôi, nhưng nói thiệt ngại lắm, đứa nào cũng khổ hết. Mà tôi ăn thế này cũng quen rồi”. Nói thì nói vậy chứ theo mọi người, cơm muối tiêu là cơm bữa của ông Hai, nhất là những ngày bà Hai vào viện điều trị bệnh khớp, ông phải để dành tiền thang thuốc cho vợ.
Bài, ảnh: Trần Tuy An
“Khi cái bờ kè này làm xong, không biết lấy đâu ra chỗ để dựng cái chòi”, giọng ông Hai chùng xuống. Tôi nghe khóe mắt mình cay cay…