Chủ nhật, 21/12/2014, 22h12

Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam: Bài cuối: Nữ biệt động thành

Bà Chính Nghĩa (trái) và bà Bích Nga trong một chuyến về nguồn tại Phú Quốc (ảnh nhân vật cung cấp)
Họ là thành viên chủ chốt của lực lượng Biệt động thành Sài Gòn - Gia Định khi tuổi đời còn rất trẻ.
“Chiến sĩ tên lửa”
Làm giao liên năm 13 tuổi. 18 tuổi trở thành thành viên nhiều kinh nghiệm của Đội 5 Biệt động Sài Gòn - Gia Định. Ở đâu có lưới biệt động, ở đó có bước chân Chính Nghĩa (bí danh Vũ Minh Nghĩa). Nhờ sự nhanh nhạy, gan dạ, luôn xông pha trận mạc nên được cấp trên, lúc bấy giờ là ông Tô Hoài Thanh (tức Ba Thanh), Đội trưởng Đội 5 đặt cho cái tên: “Chiến sĩ tên lửa”.
Chính Nghĩa xuất thân trong gia đình có đến 8 anh chị em hoạt động cách mạng, trong đó phần lớn hoạt động ở nội đô Sài Gòn.
Đội 5, đơn vị Chính Nghĩa công tác đã từng khiến chính quyền Sài Gòn giật mình với các trận ác liệt như đánh vào khách sạn Caravelle, khách sạn Metropol, tòa Đại sứ Mỹ, Tổng nha cảnh sát... gây tổn thất nặng nề về người và của, đặc biệt là khiến tinh thần lính Mỹ hoang mang. Cái tên Bảy Bê, tức đồng chí Nguyễn Thanh Xuân chính là “người cầm đầu” những trận đánh bị chính quyền Sài Gòn lùng sục, treo thưởng. Không lâu sau, Bảy Bê bị bắt và đày ra Côn Đảo. Bảy Bê thường xuyên chọn Chính Nghĩa là cộng sự, “đóng cặp”, khi vào vai tình nhân, khi là anh em để che mắt địch. Và họ chính thức trở thành vợ chồng sau lễ cưới bí mật được cấp trên đứng ra tổ chức trong lòng địch.
Cuộc chia ly sau ngày cưới chưa lâu, không biết ngày gặp lại nhưng Chính Nghĩa không hề nao núng, càng hăng say, hạ quyết tâm cùng Đội 5 lập công. Nữ chiến sĩ biệt động Chính Nghĩa cùng 14 chiến sĩ của đội chia làm nhiều mũi tấn công Dinh Độc Lập, chiến đấu liên tục nhiều giờ liền từ sáng mùng 2 Tết Mậu Thân. Kết quả, 8 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, 6 người bị địch bắt, trong đó có Chính Nghĩa. “Anh em chiến đấu ngoan cường. Số người bị địch bắt đều bị thương nặng. Tôi cùng anh em bị địch bắt đưa ra Côn Đảo sau một thời gian tra tấn ở nhà tù Thủ Đức, Tân Hiệp, Chí Hòa...”, bà Chính Nghĩa nhớ lại.
Năm 1974, bà ra tù và được cấp trên phân công về Ban Quân báo. Bảy Bê cũng trở về sau đợt trao trả tù binh. Họ đoàn tụ trong niềm vui khôn xiết.
Xạ thủ pháo kích
Biệt động thành Sài Gòn - Gia Định còn có một nhân vật kiệt xuất, nữ biệt động Nguyễn Thị Bích Nga. Ngoài những trang sử của lực lượng này ghi rõ, nhân chứng sống còn khẳng định bà Bích Nga là người trực tiếp pháo kích vào Sở chỉ huy của tướng Mỹ Westmoreland ở Sài Gòn.
Nữ biệt động Bích Nga - một nhân vật mang lại nhiều chiến công hiển hách của B8 biệt động thành với biệt danh xạ thủ pháo kích nhưng ít ai biết cuộc đời bà trải qua nhiều chuyện đớn đau. Bà Bích Nga tâm sự: “Tôi sinh ra ở Đức Phổ, Quảng Ngãi, mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Người thân duy nhất của tôi là anh trai cũng bị thất lạc. Năm 2 tuổi, tôi được một người chú nhận nuôi, đến 12 tuổi vào Sài Gòn mưu sinh”. Chú nuôi hoạt động cách mạng và bà tham gia lực lượng bộ đội từ khi 14 tuổi. Nhận thấy ở bà có một khả năng đặc biệt, lanh lợi, giỏi ứng biến trước mọi tình huống nên cấp trên đã báo cáo với tổ chức đưa bà vào căn cứ tham gia khóa đào tạo pháo binh nhằm tham gia chiến dịch pháo kích, ngăn chặn diễu binh của chính quyền Sài Gòn vào ngày 1-11-1966.
Sau khóa đào tạo, bà Nga háo hức chờ đến ngày phát lệnh tấn công, kịch bản cũng đã chuẩn bị xong, mọi thứ đâu vào đó. Bà xin tổ chức thuê một căn nhà ở khu vực chợ Vườn Chuối để hành động. Vào vai chồng của Bích Nga lần này là anh Tám Cứ, pháo thủ số 1. Còn Bích Nga giữ chốt pháo thủ số 2. Đúng vào 6 giờ sáng ngày 13-1-1967, từ căn nhà thuê, trái pháo thứ nhất nổ trong khuôn viên Sở chỉ huy tướng Mỹ (trên đường Nguyễn Đình Chiểu bây giờ). Điểm rơi trái thứ 2 là một xe nhà binh chở lính đi càn khiến 13 người chết và hơn chục người bị thương... Bích Nga và đồng đội đã kịp thời rút khỏi căn nhà ấy và không quên “gửi” lại 5kg thuốc nổ TNT cho đám lính đến khám xét. Đến nơi an toàn, Bích Nga nhận tin báo: “Tiêu diệt thêm một phó ty Cảnh sát quận 3, hàng chục cảnh sát và thủy quân lục chiến”.
Trên đường vào nội thành chuẩn bị cho trận đánh Dinh Độc Lập trong đợt Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân theo lệnh của tổ chức thì bà bị địch bắt. Trước một con người kiên trung, không khuất phục trước mọi đòn tra của kẻ thù, bà bị chúng đày ra Côn Đảo, cùng chung phòng giam với các cựu tù chính trị như Trương Mỹ Hoa (nguyên Phó chủ tịch nước); bà Võ Thị Thắng (nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, đã mất). Hiện, bà Bích Nga vẫn còn khỏe mạnh.
Bài, ảnh: Trần Anh
Cặp đôi Chính Nghĩa - Bảy Bê đã trở thành “tượng đài” của Đội 5 - Biệt động Sài Gòn Gia Định. Và chính họ đã góp phần làm nên cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân trên toàn miền Nam khiến nước Mỹ bàng hoàng, tinh thần lính Mỹ hoang mang...