Thứ ba, 12/4/2011, 19h04

Nghề buôn chim kiểng

Một tay buôn chim kiểng chuẩn bị cho một ngày làm việc
Một ngày với những người buôn chim kiểng cũng chưa đủ để lột tả hết công việc phục vụ thú tiêu khiển cho một tầng lớp thị dân, nhưng cũng rõ được phần nào về cái nghề mà người trong cuộc cho là mạo hiểm và lắm công phu.
“Buôn có bạn, bán có phường”
Theo lời mách nước của ông bạn thuộc hàng mê chim kiểng nứt vách, tôi có mặt ở bờ sông Nam Sài Gòn trước lúc các tay buôn chim đến. 11 giờ 30, một tay buôn cho xe chạy chậm, rẽ vào hướng bờ sông. 5 phút sau, 4 tay buôn khác cũng đã có mặt. Trên xe mỗi tay buôn chở hơn chục chiếc lồng lớn nhỏ. Mỗi chiếc lồng là một loài chim kiểng khác nhau. Tiếng chim khuyên, chim sáo, vàng anh, hồng tước... hót lảnh lót nghe tựa bản giao hưởng đang hồi cao trào.
Phía sau xe chở lồng chim. Phía trước treo lỉnh kỉnh nhiều chai, lọ và có cả chiếc bình tưới loại sử dụng để tưới kiểng. Sau khi sửa lại các lồng cho ngay ngắn, công việc đầu tiên của những tay buôn là tắm chim. Tôi đặc biệt chú ý tay buôn Nguyễn Văn Thành (quê Rạch Giá, Kiên Giang). Anh Thành rót từ bình nước giữ nhiệt (nước nóng) ra một chai nhựa loại 0,5 lít, sau đó đem pha với nước lạnh trong bình tưới rồi xịt đều vào từng chú chim. Thấy tôi có vẻ quan tâm, anh Thành giải thích: “Sáng giờ đi ngoài nắng, tắm nước lạnh sợ chúng nhiễm bệnh nên phải pha chút nước ấm”.
Mỗi loài chim có một loại thức ăn khác nhau nên hành trang cho mỗi chuyến đi buôn chim của các anh được chuẩn bị khá chu đáo. Tôi nhẩm tính trong chiếc túi nhựa của anh Thành có trên 20 chai, lọ đựng các loại thức ăn như thịt bò, thịt heo; tôm; cá; trùn chỉ và nhiều loại thức ăn chế biến nhập khẩu… Anh Thành nói: “Sáng mở mắt ra chưa biết buôn bán thế nào mà đã chi trên 100 ngàn tiền thức ăn cho chim”. “Đó là khẩu phần ăn của chim trong ngày?” - Tôi hỏi. Anh Thành trả lời gọn lỏn: “Có khi còn không đủ cho chúng, đấy là mình tiết kiệm chứ phải tốn nhiều nữa”. Nếu cộng luôn tiền xăng, ăn uống thì trung bình mỗi lái buôn phải chi phí khoảng 200 ngàn đồng/ ngày, còn chuyện buôn bán được hay không thì còn hên xui.
“Buôn có bạn, bán có phường”. Điểm tập kết mà những tay buôn chim kiểng thường chọn để nghỉ ngơi, đồng thời cho ăn, tắm mát chim là vỉa hè có nhiều cây xanh. Người bán thì ăn uống, nghỉ ngơi thế nào cũng được nhưng đối với chim thì tuyệt đối tuân thủ giờ giấc.
Nghề mạo hiểm
Trước đây, nhiều người đi buôn thường lấy chim ở các “lò” chim kiểng đi bán kiếm lời nhưng nay hầu hết các tay bán đều đã có kinh nghiệm nuôi chim giống để chim sinh nở… Tuy nhiên, trong số 100 người chỉ có khoảng 5 người thành công. Nói như tay buôn Trần Hữu Vỹ (Q.8, TP.HCM): “Có thể tán gia bại sản vì nghề”. Năm ngoái, anh Vỹ mua hai con chim trĩ đỏ giống với giá 20 triệu đồng. Tháng đầu chim phát triển bình thường nhưng không hiểu sao qua tháng thứ hai con trống lại bỏ ăn. “Chim bệnh mình cũng đổ bệnh theo vì mất đi số tiền quá lớn. Không dám hỏi mượn bà xã mà phải đi vay của bạn bè mua tiếp con nữa để làm giống. Ông trời thương, chim đã đẻ trứng và nở thành công”. Từ đó, qua bao nhiêu lứa chim, anh Vỹ đều để nuôi bán chim kiểng. Đến nay, anh Vỹ đang sở hữu trên 12 con trĩ kiểng, chưa kể 4 con trống và 5 con mái tổng trị giá lên đến gần 400 triệu đồng. Còn anh Thành nói thật như đùa: “Nghĩ lại mình liều thật. Hồi tui đem 4,9 triệu đồng để mua con chim khuyên mang từ ngoài Thái Bình vào, vợ tui mắng nhiếc đủ điều, tưởng đã đường ai nấy đi rồi. Cứ đến bữa ăn là nghe câu: “Nó mà chết thì ông đi luôn đi”, nghe riết rồi cũng quen tai. Vợ càng nói, mình càng phải cố gắng làm sao để vợ thấy lợi từ việc mình làm. Đến nay có người trả giá 10 triệu đồng mà chưa ưng bán”.
Anh Tí, người em họ của anh Vỹ nói: “Làm cái nghề này coi vậy chứ nặng vốn lắm. Hàng ngày ra đường phải mang theo ít nhất 10 triệu đồng để gặp những người chơi kẹt tiền hoặc chán bán thì mình mua lại, gặp “độ” lại bán tiếp kiếm lời. Có hôm may mắn tiền lãi từ việc mua đi bán lại lên đến 5 triệu đồng”.
Nghe lời tâm sự của những người buôn chim kiểng mới thấy công việc của họ dễ bị “trắng tay”. Người trong nghề với nhau, thấy bạn có con chim quý đáng giá vài chục triệu đồng hay bạn mình nuôi được còn mình thì không lại nổi cơn sân si. Người “đánh nhau” chim chết, nói thế chẳng điêu chút nào. Thế cho nên, khi ngồi lại với nhau nhưng ai nấy không rời mắt về hướng những chiếc lồng. Anh Thành nói: “Nói thật là không ai tin ai cả. Mình sơ hở là họ bỏ thức ăn có tẩm thuốc vào lồng của mình thì nguy. Con nào chứ con đó (con trĩ) mà có mệnh hệ gì thì mình cắn lưỡi chết theo nó luôn đấy”. Nhưng xem ra, đối với những người tôi gặp và trò chuyện hôm ấy họ rất vui vẻ, luôn tỏ ra là người biết yêu thương nhau như chính bản thân họ yêu con vật mà họ đang sở hữu vậy.
Bài, ảnh: Trần Tuy An

Ban ngày đi bán, tối lại anh Trần Hữu Vỹ nghiên cứu tài liệu, sách báo, lên mạng internet để tìm kiếm tư liệu phục vụ công việc của mình. Nhờ vậy mà nhiều tay chơi chim kiểng ở thành phố và cả các tỉnh thành đều tìm đến anh để “tầm sư học đạo”.