Thứ sáu, 29/8/2014, 16h08

Người Chơ Ro cuối cùng làm “nỏ thần”

Điểu Chung đang thử một chiếc nỏ mới làm xong

Điểu Chung - dân tộc Chơ Ro, xã Xuân Thiện, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai - chưa một lần thôi nghĩ về làm nỏ và lưu giữ nỏ. Bởi trong tâm thức của ông, hình ảnh chiếc nỏ thần từ thời An Dương Vương không chỉ là một loại vũ khí mà còn là nét đẹp văn hóa từ ngàn đời nay cần phải lưu giữ… Dù cuộc sống đương đại đã làm cho công dụng của “cây nỏ thần” khoảng 4.000 năm trước dần lùi vào trang trí ở những gian nhà truyền thống, khu di tích lịch sử hay những góc phòng lưu niệm, nhưng với ông nỏ vẫn là cổ vật trường tồn bất diệt…
1. Các loại nỏ thông thường có thân làm bằng gỗ cứng, chắc như cẩm lai, rọi, trắc. Cánh nỏ làm bằng gỗ cau hoặc luồng để lấy độ dẻo và tính đàn hồi cao. Dây nỏ làm bằng dây gai sau khi một loạt dây gai đã được kết đủ độ dài và se lại. Tên dùng cho nỏ được làm bằng gỗ, tre, nứa, lồ ô. Còn đuôi tên thì dùng lông chim. Điểu Chung cho biết, với những nguyên vật liệu này sẽ cho ra bộ nỏ vừa chắc đẹp, vừa đạt độ đàn hồi cao giúp người kéo nỏ dễ đạt độ căng tối đa và mũi tên đi chính xác. Ngược lại, chỉ cần một bộ phận không đáp ứng nguyên liệu thì xem như chiếc nỏ bỏ đi. Đơn cử như thân nỏ, qua thời gian căng dây, chịu lực dễ bị biến dạng, cong vênh nếu làm bằng loại gỗ thường. Lúc này cho dù người dùng có khỏe, có khả năng giữ nỏ chắc chắn thì mũi tên cũng khó trúng đích. Thế nên không ít lần Điểu Chung đã từ chối nhận làm nỏ vì chưa có được nguyên vật liệu ưng ý.
Nỏ do Điểu Chung làm ra phần lớn dùng thi đấu, trưng bày triển lãm. Ở Đồng Nai bây giờ có Điểu Chung tỏ ra am hiểu khá kỹ về các loại nỏ và cũng là người duy nhất còn làm nỏ. Để cho ra một bộ nỏ hoàn chỉnh, tính cả công làm lẫn thời gian tìm nguyên vật liệu cũng ngót vài tháng. Ông bảo, trước kia làm nỏ bằng thủ công, thời gian làm khá lâu, mất cả tháng, nhưng thuận tiện ở chỗ bỏ công một hai ngày lên rừng tìm nguyên vật liệu hoàn toàn không khó. Ngày nay, máy móc hiện đại giúp quá trình làm nỏ nhanh hơn, chỉ vài ngày nhưng việc tìm nguyên liệu lại chẳng đơn giản. Để tìm được các loại gỗ, ông phải lên rừng cả tháng, thậm chí vài tháng tìm, đánh dấu cây rồi đợi mùa khô mang về phơi khô hoặc tìm mua nếu có người bán.
Vốn là người yêu nỏ, sử dụng rất thuần thục và điệu nghệ, vì thế khi đã bắt tay vào làm, Điểu Chung luôn cẩn thận, chăm chút từng bộ phận khi làm. Ông chia sẻ, trong các bộ phận thì khâu làm cánh nỏ là khó nhất. Đây là nơi hội tụ sức mạnh chiếc nỏ. Khi kéo tên bắn vào mục tiêu ở xa, nếu cánh nỏ cứng sẽ khiến người sử dụng khó mà kéo hết sải tay. Chính vì thế thợ làm nỏ không nên phơi cau hoặc luồng quá khô, sau đó đem uốn đến một độ cong nhất định và đều, không vênh. Bản thân ông, mỗi lần uốn cánh nỏ cũng mất đến cả tuần đợi chờ, không vội vã. Làm xong ông phải thử nhiều lần. Những chiếc nỏ ông làm ra luôn đẩy được mũi tên đi xa, chính xác nên được mọi người đánh giá cao.
So với nỏ của đồng bào Ê Đê, S’Tiêng... nỏ của đồng bào Chơ Ro khá lớn. Cánh nỏ dài độ 1,2m, thân nỏ dài bằng 3/4 cánh nỏ. Trong nhà Điểu Chung hiện có khoảng 100 nỏ lớn nhỏ. Trong đó có nhiều cái được phỏng tác theo hình thù của “chiếc nỏ thần”  mà thần Kim Quy tặng cho An Dương Vương bảo vệ nước Âu Lạc. Ngoài những chiếc do ông làm thì nỏ qua một thời kỳ sử dụng của đồng bào cũng đến phân nửa. Nhiều chiếc ông sưu tầm, nhiều chiếc được bà con tìm đến tận nhà để tặng. Vì thế, tuổi thọ một số nỏ tính ra cũng cả trăm tuổi. “Nỏ quý là ở đấy. Càng sử dụng lâu, chứng tỏ chiếc nỏ trải qua nhiều thế hệ, nhiều kỳ săn bắn. Hơn nữa thân nỏ càng bóng và lên vân rất đẹp”, Điểu Chung tâm sự.
2. Đồng Nai là vùng đất sinh sống chính của đồng bào Chơ Ro. Nhiều năm về trước, đồng bào còn gắn với cuộc sống du canh du cư, khai hoang lấy đất canh tác và dựa vào săn bắt lấy thực phẩm cải thiện bữa ăn là chính. Bấy giờ mỗi gia đình có ít nhất một chiếc nỏ, người đàn ông khỏe mạnh trụ cột trong gia đình sử dụng nỏ một cách thuần thục, điệu nghệ. Bản thân Điểu Chung, sinh vào những năm 50, mặc dù cuộc sống đồng bào đang trong giai đoạn giao thoa với văn hóa người Kinh, tuy nhiên ông vẫn may mắn được trải nghiệm một phần văn hóa nhà sàn, săn bắt thú rừng của đồng bào mình. Năm khoảng 10 tuổi, ông được theo chân cha cầm nỏ trèo đèo, lội suối, băng rừng săn bắt. Chiến lợi phẩm đầu tiên chỉ là thỏ, gà rừng, nai nhưng lại là chiến tích khiến ông rất vui. Bởi để sử dụng được nỏ hoàn toàn không dễ chút nào. Hai cánh nỏ dài, dây nỏ cứng, tay lại yếu khiến ông gặp không ít khó khăn. Phải mất 2 tháng hì hục làm quen ông mới thành thục trong cách sử dụng. Ông cũng tỏ ra hãnh diện lắm. “Sử dụng được nỏ, điều đó chứng tỏ được sức mạnh, bản lĩnh đàn ông. Ngược lại thì đồng bào trong thôn rất khó chấp nhận”, ông nói. Kể từ đó, chiếc nỏ luôn theo sát ông. Không chỉ dùng thành thạo, ông may mắn khi được trời phú cho đôi tay khéo léo, nên mới ngoài 20 tuổi, ông đã tập tành làm nỏ.
Không chỉ sử dụng nỏ vào săn bắt, đồng bào Chơ Ro còn dùng nỏ để bảo vệ buôn làng trước các loài thú dữ như lợn lòi, khỉ, gấu, thậm chí cả voi rừng. Vì thế, trong tâm thức của đồng bào, nỏ được xem là vật dụng linh thiêng, là biểu tượng văn hóa. Tại các lễ hội diễn ra hàng năm như cúng giàng, lúa mới, tạ ơn thần linh... các chàng trai khỏe mạnh nhất đã thể hiện điệu múa nỏ phỏng theo động tác rình con mồi và xua đuổi thú dữ của thợ săn. Người múa sẽ tỳ đầu nỏ xuống đất, dùng chân đạp vào cánh nỏ rồi kéo căng dây. Hoặc hạ người sát đất, trườn xuống dưới thân cây đổ…
Ngày nay, khi đời sống kinh tế phát triển, hình ảnh nhà sàn, nhà gỗ thưa dần. Thay vào đó là những ngôi nhà xây, khang trang, đồ dùng sinh hoạt hiện đại. Những cánh rừng phủ xanh ngày nào giờ là hình ảnh rừng cao su, vườn cà phê, tiêu, điều… và cuộc sống săn bắt cũng không còn. Nỏ vẫn được dùng nhưng chỉ dùng trong thi đấu, hoặc trong một số lễ hội, tái hiện văn hóa là chính. Nhiều chiếc nỏ năm xưa được một số gia đình cất giữ, song nhiều chiếc cũng bị thất lạc, mất đi. Câu chuyện về nỏ xưa kia giờ chỉ còn lại qua lời kể của người lớn tuổi trong thôn. Những người quan tâm, chơi nỏ không nhiều, đa phần là người trung niên. Thực tế khiến Điểu Chung khá buồn khi nghĩ đến một ngày nào đó, chiếc nỏ trở nên xa lạ với giới trẻ và đi vào quên lãng… Với kinh nghiệm làm nỏ vốn có, cứ ai có nhu cầu, ông cố gắng nhận lời làm giúp, không ngại vất vả. Khách đến nhà chơi, ông nhiệt tình hướng dẫn và giới thiệu. Bên cạnh đó, ông còn thường xuyên trổ tài “thiện xạ” khi trở thành vận động viên bắn nỏ của huyện Thống Nhất. Chiến tích năm xưa để lại với dấu ấn rừng xanh thì nay ông mang về hơn 10 huy chương tại các cuộc thi thể dục thể thao trong và ngoài tỉnh. Ông tâm sự, “thông qua những hoạt động này, tôi mong muốn giới trẻ được biết đến để không quên đi một nét đẹp văn hóa một thời của đồng bào mình. Mặt khác, việc giới thiệu nỏ cũng là cách quảng bá văn hóa dân tộc để nhiều người biết đến hơn…”.
Ngọc Trinh