Thứ sáu, 19/12/2008, 14h12

Những nhà giáo liệt sĩ

Bài 1: Người “ra đi” đầu tiên

Thắp hương tưởng niệm đồng đội tại Nghĩa trang liệt sĩ Nhà giáo đồi 82

Cũng như các nhà giáo miền Bắc đi B thời chống Mỹ, tuổi họ chỉ khoảng mười tám, đôi mươi tràn đầy khí thế và phơi phới niềm tin. Thế nhưng khi chiến tranh chưa kết thúc họ đã để lại máu xương mình trên chiến trường để tô thắm thêm màu xanh quê hương và màu đỏ của sắc cờ Tổ quốc. Dù thời gian đã lùi xa nhưng tinh thần chiến đấu ngoan cường của những nhà giáo liệt sĩ vẫn còn sống mãi trong ký ức đồng đội và mọi người.
Trong cuộc đời chiến sĩ của mình, ông Phạm Như Hải và ông Đặng Đức Thưởng - cựu giáo viên đi B đã từng kề vai sát cánh cùng với biết bao đồng đội và cũng không nhớ hết bao nhiêu đồng chí hy sinh trong những trận đánh ác liệt với quân thù. Nhưng hình ảnh sâu đậm nhất mà hai người vẫn còn lưu giữ mãi trong ký ức cho đến tận ngày hôm nay là anh Nguyễn Đức Châu - một nhà giáo liệt sĩ hy sinh tại cánh rừng già huyện Tân Biên (tỉnh Tây Ninh) vào năm 1966.
Khi Tổ quốc cần 
Ông Hải nhớ lại: “Trong đoàn đi B năm đó tôi may mắn được đi chung một nhóm với anh Châu và cô Tố Nga. Tôi mới là đảng viên dự bị còn cô “em út” Tố Nga vừa tốt nghiệp trường Đại học tổng hợp Hà Nội nên anh Châu người lớn tuổi nhất được cử làm nhóm trưởng. Lúc đó tôi chỉ biết anh Châu đang dạy Trường trung cấp sư phạm Hải Phòng và lớn hơn tôi 4 tuổi. Mới gặp lần đầu thấy anh ít nói, điềm đạm nhưng chỉ sau ba tháng hành quân trên đường Trường Sơn tôi và anh Châu đã trở nên thân thiết như anh em một nhà. Có lần “em út” Tố Nga cho tôi biết anh đã có vợ và hai đứa con. Tôi thật sự bất ngờ trước thông tin này nhưng vẫn không dám hỏi anh và trong lòng lại đầy cảm phục. Thời kỳ đó ra chiến trường là chuyện bình thường, thế nhưng những người đã có vợ con như anh Châu cũng không phải là phổ biến”. 
Lúc đó tuy chưa có vợ con nhưng chàng trai Hải thật sự cảm phục những người đồng chí như anh Châu đã xếp chuyện riêng trong gia đình để ra chiến trường. Họ đã biết sống xa nhau khi đất nước, Tổ quốc đang cần. “Trên đường hành quân những lúc ngắm nhìn anh trầm ngâm suy nghĩ bên dốc đồi trưa nắng hay cạnh bếp lửa giữa rừng già, tôi chợt nghĩ có lẽ lần đầu tiên phải xa nhà đi làm nhiệm vụ nên trong anh không khỏi buồn lòng nhớ cha mẹ, nhớ vợ con. Rồi cũng nhiều đêm trên cánh võng, tôi thấy anh trở mình thao thức như nằm đếm sao trời, lắng nghe tiếng gió của đại ngàn từ xa vọng lại. Có bữa anh không giấu được nỗi nhớ con, anh kể cho tôi nghe nhiều kỷ niệm trong gia đình, tính tình, sở thích của các cháu. Chỉ có lúc đó mới thấy anh hào hứng, chuyện trò sôi nổi chứ không trầm lặng như mọi ngày. Tôi vừa nghe vừa san sẻ nỗi nhớ con quay quắt của người cha dọc đường hành quân. Thấy tôi chú ý lắng nghe anh cứ kể miên man cho đến khi tôi ngủ lúc nào không hay”. Kể đến đây vẻ mặt ông Hải trầm ngâm như đang hồi tưởng lại khuôn mặt, lời nói và kỷ niệm của người đồng đội trong suốt chặng đường hành quân gian khổ cách đây vừa đúng 42 năm.
Một niềm thương vô hạn
Hơn 40 năm đã trôi qua, ông Hải vẫn không thể quên được ngày định mệnh đã đưa đồng đội của mình về nơi vĩnh hằng. “Khoảng 9 giờ sáng 1-5-1966, sau một đêm đào công sự mệt mỏi nhiều anh em đã mắc võng nằm nghỉ trong khu vực Suối Cây. Bỗng có một chiếc máy bay L.19 bắn pháo ngay chỗ đóng quân, một vài người vừa kịp xuống hầm thì chiếc máy bay tiêm kích F5 đến ném hai quả bom Napan. Tôi chỉ kịp thấy bọt Napan trùm lên võng anh Châu và không biết mình lăn xuống đất lúc nào. Khi tiếng gầm xé của chiếc máy bay lùi xa, tôi sờ tay ra sau thấy đầy máu mới biết mình bị thương ở lưng. Những người sống sót đã băng vết thương và dìu tôi lên khỏi công sự. Tôi hỏi anh Châu có bị làm sao không thì anh em nói anh bị bỏng nặng lắm. Khi chiếc võng bị cháy anh cố gượng dậy chạy, từng mảng thịt ở hai tay, bụng và đùi rớt xuống cùng bọt bom Napan. Anh em lập tức đưa anh đến bệnh viện. Chắc trong người nóng lắm nhưng anh không hề rên la, thỉnh thoảng anh chỉ thều thào hai tiếng nóng quá. Hình như mọi người đều cảm nhận cái chết đến với anh quá gần nên ai cũng dồn bước chân nhanh hơn. Các bác sĩ B14 lập tức cứu chữa bằng mọi cách nhưng do độ bỏng quá cao nên họ đành bất lực. Rạng sáng hôm sau anh Nguyễn Đức Châu đã trút hơi thở cuối cùng trong niềm đau xót của mọi người. Anh là người hy sinh đầu tiên trong đoàn chúng tôi”. 
Ông Thưởng nhớ lại câu chuyện cũ: “Tôi và anh Châu là đồng hương lại cùng tuổi nên dễ quen nhau. Anh Châu người tầm thước, khuôn mặt thư sinh. Đợt hành quân đó vào đến Kon - Tum tôi bị sốt rét nặng phải nằm lại giữa rừng gần sông Pô - Cô. Một hôm đang nằm trên giường bệnh thì có hai người đến thăm tôi, đó là anh Châu và anh Nhượng. Hỏi thăm bệnh tình một lúc, anh Châu lấy cháo đựng trong bi - đông trút ra chén để nhường lại cho tôi. Lúc đó tôi muốn nói một câu cảm ơn nhưng mệt quá. Anh cầm tay tôi và động viên cố gắng chữa bệnh đừng để sốt rét chuyển sang ác tính. Tôi như thấy sức nóng từ bàn tay anh truyền sang cho bàn tay yếu ớt của mình. Trước khi quay đi anh Châu còn hẹn với tôi tháng sau sẽ gặp nhau ở tuyến trong nhưng tôi đâu biết được rằng đó lại là cái bắt tay cuối cùng. Lời hẹn của anh tưởng rất đơn giản mà cuối cùng chúng tôi không thực hiện được”. Nghe kể đến đây, tôi nhìn trong khóe mắt của ông như có chút lệ đang muốn tuôn trào. 
Và ngày hôm sau rất đông anh em trong đoàn B3 đã ngậm ngùi đưa anh về nơi an nghỉ cuối cùng. Cũng giống như các cuộc tiễn biệt khác trong chiến tranh tuy không có nhang khói, người thân trong gia đình nhưng lại ấm nồng tình đồng đội.
Mộ anh nằm bên phải con đường ra căn cứ, được đắp cao một màu đất đỏ và hai bên có hai cây găng như hai người lính đứng gác để anh yên giấc ngàn thu giữa hoa thơm và gió mát của núi rừng miền Đông Nam bộ.
Hương Thủy