Thứ hai, 24/3/2014, 14h03

Nợ nần vì giấc mơ du học

Phiếu thu tiền do ba em Trung đóng
Nhiều ngư dân ở làng biển Bình Minh (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) nói rằng, cú lừa con em họ đi du học ở Nhật Bản điêu đứng không kém cái đợt cơn bão Chan Chu quét qua làng khiến gần cả trăm người chết và mất tích năm 2006. Dù sao sự mất mát do thiên tai cũng còn lí do để an ủi, còn mất mát, nợ nần vì bị lừa thì cay đắng mãi…
Khốn đốn vì cả tin
Không khí làng Hà Tân, xã Bình Minh (huyện Thăng Bình, Quảng Nam) những ngày này bao phủ một không khí buồn bã. Hỏi thăm nhà của các em đi du học tự túc ở Nhật Bản, ai cũng lắc đầu đầy thông cảm rồi tận tình chỉ đường cho chúng tôi. Căn nhà nhỏ của vợ chồng ông Trần Minh Hùng nằm sát biển, tiếng sóng suốt ngày vỗ bờ ào ạt như gợi nhắc ông bà về sự mong manh kiếm miếng ăn trên biển cũng như món nợ hàng trăm triệu đồng đang đè nặng. Cách đây hai năm về trước, đứa con út của ông bà là Trần Văn Thiên vừa tốt nghiệp lớp 12, sau một kì thi ĐH không đỗ, nghe lời dụ dỗ ngon ngọt của một người môi giới, ông bà bàn nhau đầu tư cho con đi du học. Ông nghĩ, chỉ cần khoản tiền ban đầu rồi sau đó con sang Nhật, vừa học vừa làm thì có thể trang trải cho khoản học phí còn lại những năm tiếp theo. Đổi lại, vài năm sau khi ra trường, con sẽ có một tương lai xán lạn hơn đời cha mẹ. Ông thế chấp ngân hàng, vay bà con chòm xóm gom đủ 205 triệu đồng. Sau khi nộp cho công ty môi giới 190 triệu, số còn lại ông đưa cho con trai làm lộ phí thêm trên đường đi và trang trải các khoản sinh hoạt nho nhỏ. “Ai ngờ, nửa năm sau con gọi điện về báo là sang đó không có việc làm nên không có tiền nộp tiếp học phí. Tình cảnh lúc đó dù thương con nhưng cũng đành chịu. Cha mẹ ở nhà lòng nóng như lửa đốt, nếu con ra ngoài lao động “chui” thì sợ vi phạm luật của người ta. Thế là chỉ biết khuyên con tìm cách trở về. Cũng may con gặp được mấy anh chị đồng hương tốt bụng giúp vé máy bay trở về”, ông Hùng buồn bã nói.
Ở thôn Hà Tân, trong đợt trở về lần này còn có em Võ Thanh Trung. Số nợ mà ba mẹ Trung phải gánh còn nhiều hơn gia đình em Thiên. Bà Trịnh Thị Minh Nguyệt, mẹ của Trung nói trong nước mắt: “Trước đây, con tôi đã học được một năm ở Trường ĐH Thể thao Đà Nẵng rồi. Sau nghe thông tin du học vừa học vừa làm có thể kiếm thu nhập nhanh và tương lai khả quan hơn nên cháu bàn với ba mẹ xin chuyển sang du học. Với lại, người môi giới lại là người quen biết trong thôn nên chúng tôi cả tin, vay mượn, gom góp dồn hết tiền cho con ra đi. Ai ngờ…”, bà Nguyệt bỏ lửng câu nói, đưa tay lau dòng nước mắt chảy dài. “Lần đầu tiên họ nói đóng trước 7 triệu làm hồ sơ. Sau đó đóng tiếp 190 triệu đồng. Sau khi sang Nhật, con điện về nói không có tiền đóng học phí, vợ chồng tui lại chạy ngược chạy xuôi gửi thêm tổng cộng 121 triệu đồng nữa. Thế mà ít lâu sau con lại bảo không thể ở tiếp được…”, bà Nguyệt nói tiếp.
Tìm hiểu được biết, đi cùng đợt du học vừa học vừa làm với Thiên và Trung, cả xã Bình Minh có 9 em. Hiện, mới có 2 em trở về, số còn lại vẫn đang bất bạt tận xứ sở mặt trời mọc.
Còng lưng gánh nợ

Ở vào cái tuổi 62, ông Hùng vẫn còng lưng thả lưới ven biển để trả khoản nợ hàng trăm triệu đồng cho giấc mơ đi du học của con
Vợ chồng ông Trần Minh Hùng lặng lẽ ngồi vá lưới bên hiên nhà. Hỏi Thiên, ông bà buồn bã đáp: “Sáng nay cháu nó bảo lên Đà Nẵng xin việc làm thuê. Hai vợ chồng chạy vội qua nhà hàng xóm mượn tạm cho con được 100 ngàn đồng để làm lộ phí xăng xe đi đường. Con bảo chuyến ni đi phải tìm được việc làm để đỡ dần với ba mẹ khoản nợ du học. Thương con lắm nhưng gia cảnh không lấy gì khấm khá nên đành nhắm mắt đưa chân”. Ông Hùng năm nay đã 62 tuổi, sức khỏe già yếu nên mỗi ngày biển lặng, ông chèo chiếc thuyền thúng nhỏ nhoi ra biển đánh bắt gần bờ. Hôm nào thuận buồm xuôi gió thì kiếm được khoảng 100 ngàn; có hôm về tay trắng. Còn bà Nguyệt - mẹ em Trung nước mắt lưng tròng: “Nhiều đêm hai vợ chồng nằm vắt tay lên trán thức trắng. Nghĩ về khoản nợ trước mắt mà chùng lòng. Không biết xoay vào đâu. Ông nhà tui có nhiều lúc đâm ra nghĩ quẩn. Thương con, vợ chồng động viên nhau cùng cố gắng, còn người thì còn của, nói vậy mà số nợ 300 triệu đồng chưa biết làm răng trả hết”.
Hỏi về chuyện tìm manh mối công ty môi giới hỏi chuyện cho rõ đầu đuôi, ông Hùng thở dài, cho biết, con ông làm hồ sơ đi du học với Công ty Tư vấn du học quốc tế Phúc Sơn chi nhánh miền Trung (trụ sở đóng tại đường Phan Đăng Lưu, quận Hải Châu, Đà Nẵng). Nhưng khi chúng tôi tìm đến địa chỉ trên, thì người dân ở đây cho biết công ty này đã trả mặt bằng từ gần cả năm nay.
Rời Bình Minh, chúng tôi ám ảnh mãi bởi hai thứ đầy ấn tượng, đó là những mái nhà lụp xụp trên triền cát trắng lóa mắt và gương mặt khắc khổ của những ngư dân một đời túng khó triền miên nay nặng nợ vì mắc lừa.
Về vấn đề này lãnh đạo xã Bình Minh khẳng định rằng do diện du học tự túc, các gia đình làm việc riêng với công ty môi giới nên họ không nắm rõ sự việc. Một khi chính quyền chưa có các chính sách hỗ trợ kịp thời thì những người dân nghèo xứ biển này vẫn là miếng mồi ngon cho bọn lừa đảo.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Ông Hùng bảo, ở xã ông còn đến 7 gia đình bây giờ như ngồi trên đống lửa khi con cái ở cách xa cả ngàn cây số, tin tức bữa có, bữa không, không biết các con sống thế nào ở đất khách, xứ người.