Thứ năm, 21/8/2014, 22h08

Ông giáo làng và bài học về Hoàng Sa

Thầy Trần Văn Vàng và những chứng cứ khẳng định Hoàng Sa là của Việt Nam trong bài giảng của mình
Là người dạy môn lịch sử hơn 30 năm, thầy Trần Văn Vàng, Tổ trưởng Tổ lịch sử - địa lý - giáo dục công dân Trường THCS Đức Chánh (Mộ Đức, Quảng Ngãi) đã truyền đạt kiến thức cho nhiều thế hệ học sinh của mình về lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam. Đặc biệt là bài học lịch sử về chủ quyền Hoàng Sa.
Hải đội Hoàng Sa và bằng chứng chủ quyền
Năm học 2007-2008, Bộ GD-ĐT ra quy chế giảng dạy lịch sử địa phương, thầy Trần Văn Vàng được phân công soạn thảo 7 bài học về lịch sử Quảng Ngãi. Trong 7 bài học về lịch sử của Quảng Ngãi thì bài học Nhân dân Quảng Ngãi với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa được thầy giáo Vàng biên soạn công phu nhất, tốn nhiều công sức nhất. Để hoàn thành bài giảng Nhân dân Quảng Ngãi với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, thầy Vàng đã trực tiếp sưu tầm và bổ sung dữ liệu từ 2 nguồn chính. Nguồn thứ nhất lấy từ thư tịch cổ, chính là Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, Thiên Nam Tứ lộ chí đồ thư  của Đỗ Bá, Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, Dư địa chí tỉnh Quảng Ngãi, Tập san sử địa cùng một số tài liệu mới về biển Đông. Nguồnthứ 2 là thầy trực tiếp tìm hiểu các di tích gắn với đội Hoàng Sa. Thầy Vàng cho biết: “Lịch sử là cái đã qua, muốn dạy các em học sinh hiểu được, nhớ được thì mình phải trực tiếp đi tìm các dữ liệu và có bằng chứng thực tế để chứng minh điều mình dạy là đúng”. Điều đó đã thôi thúc thầy lặn lội ngày đêm đến những nơi còn lại dấu tích của đội Hoàng Sa năm xưa. Ở đất liền, thầy Vàng đã tìm đến Vườn Đồn, nơi lính Hoàng Sa đóng trại ở làng An Vĩnh (nay thuộc xã Tịnh Kỳ, huyện Sơn Tịnh), đến miếu Hoàng Sa, nơi có đội Hoàng Sa tế thần trước khi lên thuyền, một đi không trở lại… Những di tích chính, gắn liền với đội Hoàng Sa năm xưa chủ yếu nằm trên đảo Lý Sơn. Do vậy, thầy Vàng đã bỏ rất nhiều thời gian từ đất liền ra đảo để tìm hiểu về đội hùng binh năm xưa.
Đi tìm Hoàng Sa từ lời ru
Bên cạnh những di tích còn hiện hữu, là bằng chứng không thể chối cãi về chủ quyền Hoàng Sa mà chính ông cha ta để lại, thầy Vàng còn tìm và bổ sung những chứng cứ phi vật thể, đang thấm vào máu của lớp lớp người dân Lý Sơn. Trong bài học về Nhân dân Quảng Ngãi với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thầy Vàng đã giúp cho học sinh hiểu cặn kẽ về Hải đội Hoàng Sa. Vào đầu thế kỷ XVII, hằng năm chúa Nguyễn lập đội Hoàng Sa gồm 70 người được tuyển chọn từ những ngư dân đi biển giỏi ở Tịnh Kỳ, huyện Sơn Tịnh và làng An Vĩnh, An Hải, đảo Lý Sơn (nay là xã An Vĩnh, An Hải huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) làm nhiệm vụ tuần phòng, đo đạc thủy trình, thu lượm sản vật, khai thác hải sản trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Theo thư tịch cổ, hằng năm đội Hoàng Sa được cấp 6 tháng lương, tháng 3 đi, đến tháng 8 về thành Phú Xuân để nộp sản vật và nhận thưởng. Họ đi bằng thuyền câu nhỏ mong manh đầy rủi ro, khi gặp sóng to gió lớn, nhiều người lính đội Hoàng Sa phải bỏ mình trên biển cả. Cũng vì lẽ đó, trong câu hát ru con của người dân Lý Sơn: Hoàng Sa trời nước mênh mông/ Người đi thì có mà không thấy về. Khi đi, những người lính này đem theo một đôi chiếu, 7 đòn tre và 7 sợi mây. Lúc gặp chuyện chẳng lành thì dùng để quấn xác, đòn tre nẹp, dùng dây mây bó lại rồi thả xuống biển với hy vọng mong manh sẽ có người vớt lên chôn. Trên người chết có một thẻ tre ghi tên tuổi và nơi ở của người mất. Những câu thơ, những lời hát ru nói về hành trình đi Hoàng Sa, chết vì Hoàng Sa của đội hùng binh năm xưa vẫn còn lưu giữ cho đến ngày nay. Thầy Vàng tâm sự: “Chính những câu hò, bài vè, lời hát ru này sẽ giúp học sinh có cái nhìn thực tế hơn, và dễ giúp các em thấm sâu hơn về lịch sử Hoàng Sa”.
Thầy Vàng chia sẻ: “Là người dạy sử, tôi phải có trách nhiệm đưa cái chính nghĩa, trung thực và khách quan vào bài giảng. Hoàng Sa là nơi đã tồn tại sẵn trong dân tộc Việt Nam hàng trăm năm nay rồi. Mình phải dạy cho các em biết điều đó. Các em sẽ yêu mến và tự hào về quê hương, biết trân trọng những giá trị truyền thống tốt đẹp của quê hương. Từ đó các em biết ơn các thế hệ cha ông đi trước đã đổ xương máu để xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đội Hoàng Sa mãi mãi sống trong mỗi trái tim của người dân Quảng Ngãi”.
Mơ ước của thầy Vàng là:  “Bài học này sẽ được Bộ GD-ĐT đưa vào chương trình sách giáo khoa dạy cho các em học sinh trên toàn quốc để các em biết được Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam với những chứng lý rất rõ ràng. Để từ đó cùng nhân dân cả nước đấu tranh, tạo sức mạnh tổng hợp để giành lại Hoàng Sa”.
Bài, ảnh: Phước Trung
Triển khai dạy tại các trường THCS trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi
Ông Trần Hữu Tháp - Phó giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Ngãi cho biết: “Bài học Nhân dân Quảng Ngãi với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đã được dạy tại huyện Mộ Đức từ năm học 2007-2008. Đến nay, bài học này đã được lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi thông qua. Trong năm học 2014-2015, bài học này chính thức được Sở GD-ĐT Quảng Ngãi triển khai dạy tại các trường THCS trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi”.