Thứ sáu, 29/8/2014, 16h08

Thủ lĩnh xóm Gò

Hè. Xồn, thủ lĩnh xóm Gò nằm ven sông Cửa Tả dắt theo một đám gần chục đứa sang vườn cây ông Tư để “quậy”. Cây gì có trái, non hay già cũng bị vặt không thương tiếc. Cả bọn còn thủ sẵn hũ mắm đường, chén muối ớt để ăn trái cây. Ăn bao nhiêu không tiếc nhưng vì hái phá trái non nhiều lần, ông Tư xót, tìm cách phạt cho chừa. Trưa nọ, ông Tư chuẩn bị sẵn mấy bó gai tre to đùng rồi giả vờ ngủ say trên chiếc phản ở nhà sau. Khi thằng đầu đàn leo lên nửa thân cây xoài, ông Tư liền chạy ra, ôm bó gai rào quanh gốc. Ông còn lấy cây sào trúc chọc vào mấy ổ kiến vàng để “cảnh cáo”.
Leo lên nữa không được, ngồi ôm cây nạp mạng cho kiến thui, tuột xuống thì không xong, thế nào cái mông cũng túa máu. Thằng Xồn nhanh trí, dọa lại ông Tư:
- Ông mà không cho con xuống, con nhảy gãy chân cho ông coi.
- Mặc kệ mày, cho chừa cái tật quậy phá. Ông Tư nghiêm nghị.
Mắt nó nhìn dáo dác, nhánh me trước mặt sẽ là vị cứu tinh. Nó liền nhảy phóc qua, hai tay bám chặt nhánh đang quỵt xuống, cố hết sức đu người lên. Thấy thằng nhỏ cố thoát thân, ông Tư hoảng quá:
- Thôi đi ông cụ non. Ông mà rớt cái bịch xuống đây, tui mang họa.
Nghĩ ông Tư nói vậy thôi chứ bằng mọi cách ông bắt nó trói ở gốc cây như đã từng làm với những đứa khác. Mặc cho ông Tư “mở đường”, nó chẳng quan tâm. Chỉ vài cái thoăn thoắt chuyền cành nó đã xuống đất, chạy te te về phía cổng rào. Đám đàn em không thể làm gì để giải cứu khi thủ lĩnh gặp nạn, đã bỏ chạy thục mạng ra bụi tre ngồi ngóng tin.
Thấy Xồn vừa đi vừa phủi kiến, tay chân trầy xước túa máu, áo quần te tua như bạch tuộc, thằng Hết chẳng chút thương xót, bồi thêm:
- Ông Tư kìa bây ơi! Tưởng thiệt, cả đám đang ngồi liền bật dậy xách dép quay người 180 độ. Cả đám trúng quả lừa, thằng Hết cười phá lên:
- Cái đồ chết nhát.
Thằng Xồn quê cục, véo tai thằng Hết:
- Mày mới là thỏ đế. Cũng may nhánh me dai chứ không là tiêu đời tao rồi.
Hết nhăn mặt, xoa lỗ tai đỏ ửng, lý lẽ:
- Tao đâu nghĩ ông Tư có chiêu độc như vậy.
Chắp tay sau mông, đi qua đi lại mấy vòng, thằng Xồn lại bày kế trả đũa ông chủ vườn khó ưa. Đám đàn em chẳng còn chút sợ sệt, chăm chú nghe mưu kế của thủ lĩnh. Nhiệm vụ của thằng Hết là đi thu gom trái dừa non khô rúm to bằng trái chanh. Mấy đứa còn lại làm theo lời Xồn, bằng mọi cách dụ con mực của ông Tư để bắt nó. Việc tưởng khó nhưng dễ ợt, chẳng cần món cơm nguội chan nước cá kho như sáng kiến của thằng Hết. Con mực của ông Tư nằm gọn trong chiếc thòng lọng thắt bằng sợi dây gàu giọt nước giếng. Thằng Xồn gom bã mía khô nối lại hơn 3m, ở giữa kẹp hàng chục trái dừa khô, buộc dây vào bụng con mực rồi nhốt nó vào một chòi canh giữ dưa hấu gần mé sông.
Sau bữa cơm chiều, cả nhóm đủ mặt nơi đã hẹn. Thằng Tèo leo lo lắng, nói:
- Hồi nãy ông Tư đi khắp xóm tìm con mực.
- Yên tâm đi, ổng không biết con mực ở đâu đâu mà lo. Thằng Hết và thằng Xồn đồng thanh trấn an.
- Nhưng tao sợ. Lỡ ổng biết tụi mình, má tao phạt cởi truồng đứng ngoài đường nữa.
- Phạt mày chứ phạt tao đâu mà. Xồn nói như quất vào mặt Tèo leo.
Thằng Xồn búng tay cái tóc, ra hiệu cả nhóm tiến về phía chòi canh. Con mực vẫn nằm đó ngoan ngoãn. Thấy bọn nhóc đến, nó còn vẫy đuôi mừng. Thằng Xồn vuốt lưng con mực, nói:
- Mày làm tốt nhiệm vụ nhé. Tụi tao sẽ có phần thưởng cho mày.
Xồn lấy chiếc bật lửa cuộn mấy vòng trong lưng quần ra quẹt xoành xoạch liên hồi mấy cái nhưng không cháy. Miệng nó lầm bầm, rút quẹt ra gõ cạch cạch thì hỡi ôi, không có bông gòn, đá lửa cũng chẳng có. Số là hồi chiều xuống nhà bếp lấy, sợ má nó phát hiện nên nôn nóng, quên kiểm tra. Thằng Xồn lệnh Tèo leo chạy về nhà lấy bật lửa. Chừng 10 phút,  Tèo leo ra đến nơi, thở hổn hển:
- Ông Tư mới từ trong nhà mày ra.
- Nhà ai? Thằng Hết hỏi.
- Thằng Xồ...n. Tèo leo nói giọng đứt quãng.
Ông Tư sống một mình, chỉ có con mực là bạn nên sốt ruột đi tìm. Thằng Xồn châm lửa đốt bã. Nghe hơi nóng, con mực bỏ chạy thục mạng về nhà. Càng chạy, bã và dừa khô càng cháy, những đóm lửa xè trong gió. Để đánh lạc hướng, mỗi đứa di chuyển một đường khác nhau, tập kết ở góc vườn ông Tư để nghe ngóng tình hình.
Đưa tay ra hiệu cả nhóm dừng lại bên gốc mít, thằng Hết thì thào:
- Nghe có mùi thơm.
- Thơm cái đầu mày, mùi lông chó khét lẹt. Thằng Tèo leo đính chính.
Con mực sủa inh ỏi trước hiên nhà. Ông Tư bưng đèn dầu ra, trố mắt nhìn con mực, quát lớn:
- Tổ cha nó. Chết con chó của tao rồi. Thằng Xồn chứ không ai hết, chỉ có nó mới dám làm chuyện tày trời này.
Ông Tư nói đích danh nhưng thằng Xồn không sợ lại khoái chí cười khúc khích. Cả bọn kéo ra bãi cát gần mé sông ăn mừng với mấy trái dưa hấu đã hái trộm chôn dưới cát từ sẩm tối. Sáng sớm, cả đám mới được diện kiến bộ dạng con mực. Nó nằm đó bên góc vườn, lưỡi lè ra, há hốc mồm thở, lông đuôi cháy xém trông thảm hại. Có lẽ nó vẫn chưa hết bàng hoàng vì tai nạn do đám con nít quỷ gây ra đêm qua.
Người ác mồm bảo thằng Xồn ngỗ nghịch, quậy phá là vì không ai dạy. Nó mồ côi mẹ từ khi mới lọt lòng. Ba thì đi bước nữa. Những trận đòn roi vô cớ từ người mẹ kế cứ trút xuống cơ thể yếu ớt đáng lẽ cần được chở che. Cuộc đời nó như một trang sách, đoạn bắt gặp nhiều điều thú vị nhưng cũng có đoạn chất chứa lắm nỗi niềm.
Lần Xồn bị đòn nhừ tử, nằm bất động mấy ngày liền, ông Tư sang nhà thăm hỏi. Lòng tốt của ông Tư cũng bị miệng đời dị nghị, đặt điều nói bậy “Vì trước đó, ổng tòm tem với má nó”. Má Xồn đáng tuổi con ông Tư. Ông qua lại vì cảm thương phận người bị người đời ruồng bỏ để tìm kiếm những thứ vô hình. Má nó chết cũng vì di chứng đánh đập khi bà phản ứng ba nó chung sống với người đàn bà khác. Nhà ông Tư từ đó có thành viên mới. Đơn giản là ông không thể bằng lòng để nó trở thành bản sao đen tối của người lớn. Thằng Xồn cúi đầu, nhận lỗi khi ông Tư mở lời cưu mang nó:
- Con xin lỗi ông Tư vì...
- Thôi, ông biết hết trơn đó, chuyện cũ rồi. Ông không giận. Trẻ con mà.
Mùa đông đến. “Thông báo, loa, loa, thông báo… Nước rút rồi. Sáng mai bà con đưa các cháu đi học ở nhà kho hợp tác xã”. Cái giọng quen thuộc của ông trưởng thôn phát ra từ chiếc loa được cuốn lại bằng cuốn sổ ghi chép ngày công. Từ xóm trên đến xóm dưới, ai nấy đều nghe rõ mồn một. Được đi học trở lại, đám trẻ xóm Gò vui mừng reo hò át cả tiếng gió. Thằng Xồn khoái chí, văng luôn cái cối xay lúa được làm từ hột xoài, công sức cả ngày hì hục, nhảy lò cò reo lên sung sướng:
- Được đi học rồi! Được đi học rồi!
Lại giọng ông trưởng thôn:
- A lô, a lô. Các cháu nhớ mang theo cái đòn để ngồi học.
Tại sao phải học ở nhà kho của hợp tác xã, lại phải mang theo đòn? Dường như chuyện chẳng quan trọng với đám trẻ con mà là chuyện của người lớn. Ông Tư le lưỡi liếm điếu thuốc rê vừa quấn xong, châm lửa rít một hơi thật dài nhả khói cuồn cuộn, hỏi thằng Xồn đang chơi bắn bi với đám bạn:
- Con biết tại sao đi học phải mang đòn theo không?
Lúc này, tụi nhỏ mới thật sự quan tâm, hỏi dồn:
- Sao vậy ông Tư?
- Mấy bữa mưa bão, trường làng sập rồi, bàn ghế bị đè bẹp dúm. Ông Tư trả lời chậm rãi, giọng não nề.
Nước lụt chia cắt xóm Gò, đám con nít không qua lại được nên không hay biết gì. Xồn sực nhớ chiều hôm qua bà Tám bánh tráng đi đưa tiền lúa non, nói chuyện gì đó với ông Tư, nét mặt nghiêm trọng lắm.
Người nó nghĩ đến lúc này là cô Khang. Ở xóm Gò này, cô Khang được nhiều người yêu quý. Trong số gần 20 đứa trẻ học trường làng năm ấy, Xồn là đứa mà cô yêu quý nhất bởi hoàn cảnh nó rất đặc biệt, tuy nghịch nhưng nó rất sâu sắc, học giỏi. Trong đầu nó giờ đây là một mớ hỗn độn. Xồn chẳng muốn đến trường, đến nhà kho hợp tác xã để học tạm. Ông Tư động viên bằng cách đóng cho nó chiếc đòn bằng gỗ mít.
Nền đất nhà kho ướt nhẹp, nhiều chỗ bùn non còn đọng lại. Đó là buổi học đầu tiên trong đời mà học trò ngồi đòn, không ghi chép. Cô giáo đứng lớp là cô Liên, người làng bên. Giọng cô trìu mến:
- Kể từ hôm nay, cô sẽ dạy các con. Tạm thời các con học ở đây đến khi nào xã làm trường mới.
Khóe mắt cô Liên đỏ hoe. Linh cảm của Xồn là đúng, có chuyện chẳng lành. Đêm nước lụt dâng, sợ sách của trò ướt, một mình cô Khang bơi sõng đến trường để lấy nhưng không may bị tường ngã đè, tay vẫn còn nắm chặt vài trang sách. Cả lớp khóc òa. Xồn cúi gầm mặt rồi vụt chạy ra khỏi lớp.
Từ sân kho hợp tác xã nhìn về phía Tây, một dải cát trắng xóa bãi bồi sau cơn lụt lớn. Ở đó, có một mô đất vừa mới đắp. Ông Tư xin phép gia đình cô Khang cho thằng Xồn được đeo khăn tang. Thằng bé thơ thẩn theo dòng cảm xúc miên man. Nó chợt thèm ăn đòn, được mắng yêu, được cô Khang dắt tay qua cầu tre đến trường làng vào mỗi sớm mai...
Chỉ mấy ngày trước thôi, cô Khang hỏi nó có muốn làm con của cô không? Nó chưa gật đầu phần quá bất ngờ, phần sợ cô phiền lòng vì cái tật thích chọc phá người khác. Ngay lúc này đây, Xồn ước có phép nhiệm mầu làm cô Khang sống lại, vài giây thôi để kịp gọi cô là Mẹ.
Đêm ấy, thằng Xồn tập hợp đám bạn. Lần này không phải để lên kế hoạch phá phách mà xếp những bông hoa hồng trắng đặt quanh mộ cô. Cơn gió nhẹ thoảng qua mang theo cái lành lạnh cuối đông, thủ lĩnh mới hay mình đang khóc.
Trần Trọng Tri