Thứ sáu, 18/4/2014, 10h04

Tiến tới nền công vụ trực tuyến, minh bạch

Ngày 17-4, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ.

Cắt giảm trên 4.000 thủ tục hành chính

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh, công tác CCHC vừa qua đã có kết quả về vấn đề cải cách thể chế; tiếp tục hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy cơ quan hành chính nhà nước; nâng cao chất lượng cán bộ, công chức. Trong đó, đáng chú ý vừa qua đã có nhiều điểm sáng về thi tuyển cạnh tranh các chức danh lãnh đạo, quản lý; tuyển dụng công chức bằng hình thức thi trực tuyến và thi nâng ngạch theo hình thức cạnh tranh. Nhiều địa phương đã quan tâm đến việc thực hiện cơ chế 1 cửa, cơ chế 1 cửa liên thông.

Hướng dẫn người dân làm giấy tờ nhà đất tại UBND quận 1, TPHCM. Ảnh: KIM NGÂN

Điển hình mới đây tỉnh Quảng Ninh đã khai trương trung tâm hành chính công. Theo đó, toàn bộ các thủ tục hành chính (TTHC) công đều được giải quyết tại đây, với phương châm 1 tiếp nhận, 1 thẩm định, 1 phê duyệt. Còn theo ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính - Văn phòng Chính phủ, đến nay các bộ ngành đã cắt giảm 4.066 TTHC, đạt 86%. Tuy nhiên, công tác CCHC vẫn còn nhiều hạn chế.

Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, CCHC cần chú trọng đơn giản hóa TTHC, tăng cường áp dụng CNTT, tiến tới hầu hết các dịch vụ cơ bản được cung cấp trực tuyến. Vừa qua Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính đã thống nhất cơ chế 1 cửa trong đăng ký kinh doanh. Nhờ thế, hiện nay nhiều địa phương chỉ mất 5 ngày để cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thay vì 35 - 40 ngày như trước đây. Theo ông Đông, dân sẵn sàng bỏ 10.000 - 20.000 đồng cho một lần nhấp chuột khi thực hiện các TTHC, miễn là họ không bị phiền hà, nhũng nhiễu. Sắp tới đây sửa Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp sẽ tích hợp 3 loại thủ tục về xây dựng, đầu tư, đất đai vào 1 cửa liên thông.

CCHC không được ngại va chạm

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho rằng, CCHC phải đồng bộ từ cải cách thể chế, đơn giản hóa TTHC, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, cần coi đây là vấn đề trọng tâm. Các bộ ngành cần tập trung mô tả, đánh giá từng vị trí việc làm, cái nào hợp lý thì giữ, cái nào không hợp lý thì bỏ.

“Từ nay đến năm 2016 không tăng biên chế, nhưng thực tế là không có bộ ngành nào, địa phương nào không đề nghị tăng biên chế. Nguyên tắc là nghỉ 10 người thì chỉ tuyển 5, 5 còn lại để dự phòng bố trí cho các bộ phận mới thành lập. Đánh giá cán bộ, công chức, viên chức cần thực chất. Chính phủ sẽ có nghị định về đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức hàng năm” - ông Bình nói.

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, người dân thấy chúng ta nói nhiều về CCHC rồi nhưng nền hành chính vẫn còn nhiều tồn tại, khiếm khuyết, vì thế cần phải tập trung làm thật tốt để nền công vụ phục vụ dân tốt hơn. Hiện nay đã có mô hình trung tâm hành chính dịch vụ công, rất nhanh gọn, thuận lợi, minh bạch, chứ không tù mù như trước đây. Cùng với đó, các ngành, các địa phương cũng phải làm tốt cơ chế 1 cửa, 1 cửa liên thông. Phải dần dần bỏ tình trạng người dân phải xếp hàng mỏi mệt để đăng ký xe, đổi bằng lái...

Phó Thủ tướng yêu cầu từng ngành, địa phương, đơn vị phải có kế hoạch CCHC của mình. Trong đó, vấn đề con người là quan trọng nhất, dù có cải cách đến mấy mà không có con người đủ phẩm chất, năng lực thì cải cách khó thành công. “Cán bộ, công chức, viên chức phải biết 4 xin đối với người dân: “xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép. Phải rèn luyện điều này, để thực sự do dân, vì dân” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Cũng theo Phó Thủ tướng, cần làm nhanh Đề án đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức; cải tiến cách thi đầu vào, nhân rộng việc thí điểm tuyển chức danh lãnh đạo của một số bộ ngành, địa phương thời gian qua. Tiếp tục cơ chế 1 cửa, 1 cửa liên thông, phấn đấu đây không phải là nơi tiếp nhận đơn thư đơn thuần mà là nơi hướng dẫn cho dân, tiến tới là nơi 1 cửa thẩm định, 1 cửa phê duyệt luôn các thủ tục cho dân. Phải quyết tâm CCHC, không ngại va chạm. Ví dụ ra đời một trung tâm dịch vụ hành chính sẽ “va chạm” với lợi ích các sở, các bộ phận, nhưng vì mục tiêu cải cách nền hành chính để tạo thuận lợi cho dân nên phải quyết tâm làm.

“Nếu không cải cách nói chung, CCHC nói riêng một cách mạnh mẽ hơn thì sẽ bị tụt hậu. Cần coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Người đứng đầu các ngành, các cấp phải chịu trách nhiệm nếu CCHC không thành công” - Phó Thủ tướng chốt lại.

* Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

"Phải tập trung để cải cách về thể chế, thể chế hoàn thiện thì chất lượng nền công vụ mới được bảo đảm. Sửa đổi những quy định còn bất cập, ví dụ như quy trình công bố dịch hiện nay chẳng hạn, do vướng quy định nên việc công bố dịch sởi bị chậm"

PHAN THẢO (SGGP)