Thứ sáu, 26/3/2010, 15h03

Xây dựng đường sắt tốc độ cao TP.HCM - Cần Thơ

Tương lai Việt Nam cũng có tàu tốc độ cao chạy trên đường sắt như thế này. Ảnh: I.T

Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý cho Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) triển khai dự án xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao TP.HCM - Cần Thơ với tổng chiều dài gần 200km. Được biết, đây là tuyến đường đôi khổ 1.435mm, điện khí hóa, vận tốc 200 km/h. Điểm đầu của ga hành khách là ga Hòa Hưng ở TP.HCM, điểm đầu của ga hàng hóa là ga An Bình ở Bình Dương. Điểm cuối là ga Cái Răng ở TP. Cần Thơ với chiều dài 191,3km, gồm 7 ga với khoảng cách giữa các ga gần 40km.
Đầu tư 9.633 tỷ USD cho dự án đường sắt cao tốc
Theo Công ty Chungsuk (Hàn Quốc), đơn vị lập báo cáo đầu kỳ cho dự án xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao TP.HCM - Cần Thơ có tổng mức đầu tư lên tới 9,633 tỷ USD và chủ yếu đi trên cao nên không ảnh hưởng đến khả năng thoát lũ của đồng bằng sông Cửu Long. Tuyến đường sắt này sẽ đi qua các khu vực: TP.HCM - Long An - Tiền Giang - Vĩnh Long – TP. Cần Thơ. Riêng khu vực xuyên qua trung tâm TP.HCM sẽ đi ngầm từ Thủ Thiêm đến Hòa Hưng. Theo phương án này, bắt đầu từ ga Thủ Thiêm, tuyến sẽ vượt sông Sài Gòn vào khu vực cảng Bến Nghé, sau đó bám theo kênh Tẻ, kênh Đôi đến khu công nghiệp Phong Phú rồi cặp sát hành lang phía bên phải đường sắt thông thường để đi về thị xã Tân An và TP. Mỹ Tho, qua Cái Bè, tuyến rẽ trái đi về phía sông Tiền, vượt sông Tiền đi vào giữa khu vực cầu Mỹ Thuận và phà Mỹ Thuận cũ về phía ga Vĩnh Long. Sau đó, từ Vĩnh Long, tuyến đi song song với quốc lộ 1, đi ngầm qua sông Hậu và khu công nghiệp Phong Phú 2 rồi chuyển tiếp đi trên cao về ga Cái Răng, gần khu đô thị Nam Cần Thơ.
Cũng Theo báo cáo của đơn vị tư vấn Hàn Quốc, diện tích đất để xây dựng tuyến đường sắt này lên tới 258,21 ha, trong đó đoạn đi qua TP.HCM là 42,85 ha, Tiền Giang là 128,92 ha, Vĩnh Long là 39,15 ha, Cần Thơ là 41,45ha. Nếu tổng mức đầu tư của cả dự án là 9,633 tỷ USD thì chi phí dành cho công tác giải phóng mặt bằng lên đến 1.251 tỷ USD. So sánh từng phương án cho thấy cầu và hầm chiếm khoảng 85 - 90% cấu trúc của tuyến, trong đó cầu được bố trí để tránh sự chia cắt khi đi qua khu vực đô thị tương lai. Hầm vượt sông Hậu dài 6,7km được sử dụng theo phương pháp khiên đào, rẻ hơn 31% so với làm cầu. Ga Thủ Thiêm đồng thời được sử dụng là ga đường sắt cao tốc TP.HCM - Nha Trang.
Từ TP.HCM đi Cần Thơ chỉ mất 45 phút
Theo dự án đường sắt tốc độ cao TP.HCM – Cần Thơ, nhà tư vấn Hàn Quốc cũng đưa ra tiêu chuẩn về hệ thống toa xe với phương án như sau: Thành phần đoàn tàu gồm 10 toa xe, dài 234m với 502 chỗ, hình dáng mẫu tàu mang ký hiệu HANVIT 200, vận tốc 200km/h. Cục Đường sắt Việt Nam mong muốn dự án sẽ được đầu tư bằng phương thức PPP, tuy nhiên, phía Hàn Quốc có ý định tài trợ vốn vay ODA và OCR cho dự án này.
Được biết, nếu mọi việc tiến triển thuận lợi, dự án sẽ khởi công vào năm 2012, hoàn thành vào năm 2017 hoặc 2018. Việc xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao TP.HCM - Cần Thơ rất cần thiết cho sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực này. Sau khi nghiên cứu tính khả thi của dự án, Bộ GTVT đã thay đổi chọn vận tốc 200 km/h (đường sắt tốc độ cao) với chức năng vận chuyển hành khách và hàng hóa thay vì vận tốc 350 km/h (đường sắt cao tốc) chỉ vận chuyển hành khách trước đó.
NHƯ THỦY

Thứ trưởng Thường trực Bộ GTVT, Ngô Thịnh Đức khẳng định việc chuyển giao cho liên doanh tư vấn Việt Nam - Hàn Quốc nghiên cứu thực hiện dự án này. Dự kiến, tuyến đường sắt này sau khi đưa vào hoạt động với tốc độ 200 km/h, từ TP.HCM về TP Cần Thơ chỉ mất 45 phút.

PHƯƠNG VY